'Sự tiến hóa' của súng phóng lựu chống tăng RPG-7

Ra mắt đầu tiên từ năm 1961, súng phóng lựu chống tăng RPG-7 do Liên Xô sản xuất (tại Việt Nam có tên gọi khác là B-41) đã có hàng chục biến thể khác nhau. Sự đơn giản trong thiết kế, dễ nâng cấp và sửa chữa chính là những điểm mạnh của dòng súng RPG-7.

Sau gần 60 năm “tiến hóa”, thiết kế của súng RPG-7 vẫn không lỗi thời và vẫn có đủ tiềm năng nâng cấp để tiếp tục được sử dụng trong nhiều thập kỷ tới.

Vũ khí chống tăng hoàn hảo

Một trong những yếu tố chính cấu thành nên súng phóng lựu chống tăng RPG-7 chính là cơ cấu ống phóng giảm giật và hỏa lực (đạn và kính ngắm) đã có độ hoàn thiện rất cao khi được đưa vào trang bị quân đội Liên Xô từ năm 1961. Tại thời điểm đó, RPG-7 được coi là vũ khí chống tăng hạng nhẹ rất mạnh mẽ và uy lực, đủ khả năng tiêu diệt bất kỳ phương tiện thiết giáp nào của Mỹ và phương Tây trong tầm bắn.

Tới năm 1963, chính vì sự tiện dụng và hiệu quả tại nhiều chiến trường khác nhau, RPG-7 đã có thêm biến thể trang bị cho lực lượng đổ bộ đường không với kết cấu ống phóng có thể tháo rời để thu gọn kích thước và giá đỡ súng. Tuy nhiên, kết cấu và phương thức hoạt động vẫn được giữ nguyên. Thiết kế này gần như được giữ nguyên trong nhiều thập kỷ.

 Sự nguy hiểm của RPG-7 nằm ở việc biến 1 người lính thông thường trở thành "vũ khí diệt tăng" hiệu quả với chi phí thấp.

Sự nguy hiểm của RPG-7 nằm ở việc biến 1 người lính thông thường trở thành "vũ khí diệt tăng" hiệu quả với chi phí thấp.

Từ thời điểm đó tới ngày nay, các biến thể của súng RPG-7 luôn có mặt tại nhiều điểm nóng trên thế giới. Nhiều chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, chính sự phổ biến của súng RPG-7 đã thay đổi hoàn toàn tư duy thiết kế và sử dụng tăng thiết giáp trong chiến đấu vì một người lính không cần qua huấn luyện chuyên sâu đều có thể sử dụng loại vũ khí chống tăng cơ bản và hiệu quả này để tiêu diệt bất kỳ phương tiện chiến đấu nào trong tầm hỏa lực.

Cũng chính vì sự nổi tiếng và hiệu quả của vũ khí chống tăng này, năm 2009, một hãng chế tạo vũ khí Mỹ Airtronic đã giới thiệu phiên bản sửa đổi của súng RPG-7 với việc thay đổi một số yếu tố công thái học và vật liệu chế tạo composite để giảm trọng lượng với tên gọi Mk 777. Với các thay đổi đáng kể về vật liệu chế tạo, trọng lượng của súng giảm xuống còn 3,5kg và được tích hợp các ray thép trên thân để lắp đặt các phụ kiện chiến đấu hiện đại tùy theo điều kiện tác chiến. Tuy nhiên, nguyên tắc hoạt động của súng vẫn giữ nguyên như phiên bản gốc của Liên Xô.

Vũ khí dễ nâng cấp để tăng hiệu quả chiến đấu

Theo đánh giá của Tạp chí quân sự Defense Talk, một trong những đặc điểm tạo ra sức mạnh và hiệu quả của súng RPG-7 chính là khả năng dễ nâng cấp. Với những nâng cấp về đạn và kính ngắm, hiệu quả chiến đấu của súng RPG-7 được tăng lên nhiều lần. Điều này đã được chứng thực trong suốt thời gian tồn tại của dòng vũ khí chống tăng này.

Chính vì hiệu quả của súng RPG-7, nhiều quốc gia đã vay mượn ý tưởng để cho ra mắt các biến thể có cùng chức năng.

Ở phiên bản đầu tiên, súng RPG-7 sử dụng đạn PG-7V mod 1961 nặng 2,2kg, có khả năng xuyên giáp thép dày 260mm. Sau chưa tới một thập kỷ xuất hiện, vũ khí chống tăng này đã có đạn mới là PG-7VM nhẹ hơn (2kg) với khả năng xuyên giáp 300mm. Các biến thể đạn về sau như PG-7VS, PG-7VL có kích thước đầu đạn lớn hơn giúp tăng khả năng xuyên giáp lên tới 500mm. Điều đáng quan tâm là tất cả các loại đạn trên đều có thể sử dụng trên mẫu súng RPG-7 nguyên bản. Đây là một điều hiếm thấy với các loại vũ khí cùng thời điểm, thậm chí là cả ngày nay.

Sự nguy hiểm của súng RPG-7 đã tạo tiền đề để các phương tiện thiết giáp phải gia cố thêm lớp giáp phản ứng nổ các các dụng vô hiệu hóa các loại đạn chống tăng nổ lõm truyền thống. Tuy nhiên, các nhà phát triển vũ khí Liên Xô đã nhanh chóng thích nghi và cho ra mắt đạn chống tăng sử dụng cơ cấu đầu nổ nối tiếp (tandem) PG-7VR. Đạn chống tăng với kết cấu 2 liều nổ xuyên giáp cỡ 64 và 105mm đặt nối tiếp nhau giúp thổi bay lớp giáp phản ứng nổ ở đầu đầu đạn đầu tiên để đầu đạn chính xuyên giáp đạt mức 650mm. Tuy nhiên, cơ cấu đầu đạn phức tạp nặng tới 4,6kg này khiến tầm bắn của súng RPG-7 giảm đi đáng kể ở phạm vi 500m.

Không chỉ có nhiệm vụ chống tăng, súng RPG-7 còn có nhiều biến thể đạn nhiệt áp và nổ phá mảnh để tiêu diệt sinh lực đối phương. Đạn nhiệt áp TBG-7V đáp ứng khả năng tạo ra vùng hủy diệt 8-10m vuông, trong khi đó, đạn nổ mảnh OG-7V với 0,4kg thuốc nổ mạnh tạo ra khu vực sát thương rất đáng kể. Các loại đạn mới này đã tạo đã giúp mở rộng khả năng tác chiến của súng RPG-7.

Muốn tăng hiệu quả tác chiến của súng RPG-7 chỉ cần nâng cấp đạn và kính ngắm. Đây là điều hiếm thấy trong thế giới vũ khí.

Không chỉ có cải tiến về đạn, súng RPG-7 còn có nhiều biến thể kính ngắm giúp mở rộng tầm bắn và độ chính xác. Nếu ở ở phiên bản gốc, súng RPG-7 được trang bị kính ngắm quang PGO-7V, thì chỉ tới đầu những năm 1970, vũ khí chống tăng này đã có kính ngắm ngày đêm PGN-1 và NSPU (M), cung cấp tầm bắn tới 500-600m.

Gần đây, Belarus còn giới thiệu thế hệ kính ngắm mới PD-7 sử dụng cơ cấu ngắm đa kênh có đo xa laser và máy tính đạn đạo giúp tăng khả năng và tầm bắn của súng RPG-7 lên trên 1km.

Trong suốt nhiều thập kỷ tồn tại, đã có hàng chục biến thể của súng RPG-7 xuất hiện. Chúng được nâng cấp liên tục để thích nghi với các điều kiện chiến trường khác nhau. Điểm đáng lưu ý là tất cả các nâng cấp đều không phải can thiệp sâu vào thiết kế của súng, mà vẫn giúp tăng đáng kể khả năng chiến đấu. Tới tận ngày nay, quá trình nâng cấp súng RPG-7 vẫn đang tiếp tục giúp vũ khí chống tăng đã gần 60 năm tuổi sẽ còn tiếp tục tồn tại trong nhiều thập kỷ tới.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/su-tien-hoa-cua-sung-phong-luu-chong-tang-rpg-7-635699