Sự tiến hóa của những bộ suit nam giới

Suit là kiểu trang phục tạo nên phong thái lịch lãm cho phái mạnh. Trong suốt thế kỷ 20, trang phục này không ngừng thay đổi, ngày càng tinh giản hơn.

Mỗi người đàn ông thường sở hữu ít nhất một bộ suit trong tủ đồ bởi sự quan trọng, phù hợp những dịp đặc biệt.

Sự thay đổi nhờ vào Beau Brummell

Những bộ suit hiện đại xuất hiện vào cuối thế kỷ 19 được làm mới nhờ vào Beau Brummell - người nổi tiếng về sự sành điệu có tầm ảnh hưởng. Ông khuyến khích giới thượng lưu loại bỏ những chiếc áo khoác dạ màu mè và mái tóc giả của thế kỷ 19, thay vào đó là kiểu trang phục may đơn giản hơn.

Brummell đã xác định lại chuẩn mực cho nam giới và làm bộ suit trở thành thứ trang phục tôn vinh vẻ lịch lãm của người đàn ông thuộc tầng lớp quý tộc. Xu hướng về loại trang phục mới đã thu hút sự chú ý của những quý ông châu Âu.

Beau Brummell tạo ra những bộ suit hiện đại dành cho nam giới ở thế kỷ 19. Ảnh: Voxsatoria.

Beau Brummell tạo ra những bộ suit hiện đại dành cho nam giới ở thế kỷ 19. Ảnh: Voxsatoria.

Từ giữa thế kỷ 19, áo choàng mặc ban ngày trở thành món đồ đặc trưng của phái mạnh. Để tạo sự gọn nhẹ và phù hợp hơn, chiếc áo choàng dài được cắt vạt phía trước tạo hình thành kiểu trang phục đuôi tôm.

Vẻ đơn giản của bộ quần áo cùng gam màu tối đã tạo nên sự tương phản với phong cách xa hoa, cầu kỳ trước đó của giới quý tộc. Brummell còn mang lại tư tưởng mới hoàn toàn khi cho rằng các quý ông nên chải chuốt và chú ý chăm sóc đến phong cách của bản thân.

Xuất hiện trong Peaky Blinders

Giới mộ điệu dễ dàng nhận ra kiểu suit đặc trưng của những năm 1900 thông qua chương trình truyền hình nổi tiếng Peaky Blinders Tommy Shelby. Các diễn viên đều mặc thiết kế dạng 3 mảnh được làm bằng chất liệu khá nặng mang hơi hướm đồng phục của công nhân.

Những bộ trang phục được đánh giá tiện dụng, với áo khoác bao phủ bởi tông màu trầm như đen, xanh navy hoặc nâu sẫm.

Phom dáng suit nam trong những năm 1900. Ảnh: Independent.

Thập niên 1920

Thời điểm này, những bộ suit được chia thành 2 kiểu riêng biệt dành cho những tầng lớp khác nhau trong xã hội. Người bình dân thường được nhìn thấy trong kiểu dáng trang phục giống Peaky Blinders, sản xuất hàng loạt như đồng phục công nhân với chất liệu khá nặng nề.

Giới quý tộc lại được khoác lên người bộ suit được may đo riêng, làm bằng chất liệu vải mềm mại, cao cấp với màu sắc tươi sáng như trắng, beige và hoàn thiện tổng thể nhờ vào các phụ kiện đi kèm khăn bỏ túi, cà vạt cùng một đôi giày da bóng loáng gợi liên tưởng đến hình ảnh của triệu phú Jay Gatsby trong bộ phim The Great Gatsby.

Triệu phú Jay Gatsby là hình ảnh đặc trưng của tầng lớp quý tộc những năm 1920. Ảnh: Independent.

Chủ nghĩa tối giản những năm 1940

Chiến tranh thế giới đã thay đổi tất cả, những bộ suit may đo dần được thay thế bằng quần áo sản xuất sẵn. Kinh tế suy thoái khiến việc mua sắm bộ trang phục đắt tiền trở thành một việc làm xa xỉ, chỉ dành cho giới quý tộc. Những năm 1940, đàn ông chỉ diện suit trong dịp quan trọng.

Các nhà sản xuất quần áo bắt đầu thử nghiệm với các chất liệu hỗn hợp từ nhiều loại vải khác nhau. Trang phục của các tầng lớp trong xã hội trở nên bình đẳng hơn, gam màu tối, hoa văn xương cá hay đường kẻ sọc nhuyễn xuất hiện nhiều trong tủ quần áo của nam giới.

Người đàn ông thời bấy giờ thường mặc phom dáng quần rộng và đường xếp ly ủi thẳng từ thắt lưng xuống đến ống.

Trang phục của nam giới trong những năm 1940 quay về tinh thần tối giản. Ảnh: Independent.

Mad Men

Bỏ qua kiểu suit tối giản của thập niên 1940, những năm 1960 xuất hiện phom dáng trang phục mang tinh thần thời trang hơn. Khi nhân vật Don Draper trong Mad Men xuất hiện trên màn ảnh, đã tạo nên xu hướng đàn ông cần phải mặc suit đến nơi làm việc hàng ngày.

Kiểu dáng trang phục được cắt may chỉn chu, đúng tỷ lệ cơ thể và thường kết hợp cùng cà vạt bản mảnh và áo gilet đồng màu. Ngoài ra, nhiều người còn thử nghiệm với sắc thái pastel ngọt ngào cho đến họa tiết houndstooth tươi sáng.

Nhân vật Don Draper trong bộ phim Mad Men. Ảnh: Fortune.

Thời đại vàng son của disco

Những năm 1970 được nhận định là thời đại đa trào lưu bởi sự hòa trộn với di sản thời trang thập niên 1960, chịu ảnh hưởng của dòng chảy văn hóa. Trong giai đoạn này, xu hướng hippie, họa tiết hoa văn và các màu sắc nổi bật vẫn thống trị làng mốt. Bên cạnh đó, phong cách punk, bohemian và đặc biệt disco trở thành gu ăn mặc được giới trẻ ưa chuộng.

Nam diễn viên John Travolta trong bộ phim Sartuday Night Fever đã tác động mạnh mẽ đến sự nhìn nhận về kiểu dáng suit dành cho quý ông ở thập niên 1970 với ve áo to, quần lưng cáo ống loe và mặc sơ mi để hở nút khoe khéo phụ kiện ánh kim đeo trên cổ.

Chất liệu vải lấp lánh hay chi tiết xếp bèo bồng bềnh trở thành điểm nhấn đặc trưng trên những bộ suit ở thời bấy giờ.

Phong cách đơn giản và lịch lãm trở lại với kiểu trang phục của năm 1980 gồm quần và suit jacket theo dạng ba nút. Tuy nhiên, trang phục này cũng nhận nhiều tranh cãi khi biến tấu với phom oversized, để lộ khuyết điểm vóc dáng của phái mạnh.

Ngày nay, những thiết kế này dần biến hóa tinh giản hơn, được may đo cao cấp và tập trung nhấn vào những đường cắt chuẩn theo đúng tỷ lệ cơ thể của người mặc.

Trang phục của nam giới những năm 1970 đều chịu ảnh hưởng bởi văn hóa disco. Ảnh: Esquire.

Thiên Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-tien-hoa-cua-nhung-bo-suit-nam-gioi-post1202275.html