Sự tích về cây đa nở hoa gạo ở ngôi đền cổ ven sông Hồng

Dân làng Chương Dương, Hà Nội trước kia đã quen với việc ngắm hoa gạo trên cây đa mấy trăm năm tuổi ở đền Chương Dương. Đây tưởng chừng như một câu chuyện vô lý nhưng hoàn toàn có thật tại nơi chứng tích quân dân ta đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 14.

Đền Chương Dương, một ngôi đền nhỏ nằm dưới bóng một cây đa già chỉ cách sông Hồng chừng vài chục mét. Theo ông Đào Duy Khai, thủ từ của đền thì đền được xây dựng từ thời nhà họ Dương thế kỷ thứ 10, đến nay đã hơn nghìn năm tuổi. Ban đầu là ngôi đình thờ thành hoàng làng như bao ngôi đình khác cho đến khi quân dân nhà Trần đánh bại quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ 2 (1285) tại bến Chương Dương thì đổi thành đền. Ngôi đềntừ đó thờ Trần Quang Khải vị tướng tài ba nhà Trần, ông cũng là tác giả của bài thơ nổi tiếng “Tụng giá hoàn kinh sư”

Cây đa hoa gạo tỏa bóng xuống mái đền Chương Dương

Cây đa hoa gạo tỏa bóng xuống mái đền Chương Dương

Đền Chương Dương vốn là một ngôi đền lớn cột lim hai người ôm không hết nhưng trong kháng chiến chống Pháp, du kích của ta đã lấy cột để chặn đường xe ô tô của thực dân Pháp nên từ đó ngôi đền thu nhỏ lại. Ông Khai kể “cây lim chặn được xe ô tô của giặc nhưng sau đó chúng đi xe tăng ủi một cái là qua được, nay vẫn còn ụ đất chặn giặc ở đê sau đền, nếu như ngày đó không dỡ cột lim ra thì đền ngày nay rất lớn và uy nghi”.

Đền Chương Dương thờ Trần Quang Khải trước kia là đình

Tuy được chuyển thành đền nhưng chức năng của đền Chương Dương bao gồm chức năng của cả đình, là nơi các cụ cao niên trong làng bàn bạc những việc quan trọng và dân làng sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại đây, Trần Quang Khải cũng được tôn làm thành hoàng làng của nhân dân Chương Dương.

Đến Chương Dương mà không nghe chuyện về cây đa hoa gạo thì thật là uổng phí. Trong thôn, từ già trẻ đều thuộc vanh vách câu thơ lục bát:

"Cây đa hoa gạo thắm tươi

Chương Dương bến cũ thuyền xuôi thuận dòng

Ngàn Thu lừng lẫy chiến công

Quân thù quét sạch non sông vững bền".

Cây đa thì vẫn còn sừng sững trong đền ai đi vào cũng đều phải trầm trồ vì cây cao to, xù xì cổ thụ nhưng cây gạo thì không thấy đâu, vậy tại sao lại gọi là cây đa hoa hoa gạo bao đời nay? Câu chuyện không phải là cổ tích hay truyền miệng mà những người cao niên trung tuổi cũng đã từng chứng kiến hiện tượng hi hữu này từ thuở ấu thơ. Chỉ riêng gốc gạo, hơn chục người nối tay ôm không hết, cây đa và cây gạo cuộn lấy nhau trải rộng trên cả mẫu đất, tỏa bóng kín cả khuôn viên đền.

Theo như ông thủ từ Đào Duy Khai, cây đa và cây gạo có từ thời xây dựng đình để thờ thành hoàng làng. Khi xong xuôi, những người cao niên trong làng lấy một cành đa một cành gạo để treo chiêng và treo trống, mới cắm được vài ngày thì mưa liên tục nhiều hôm thế là cả hai cành đa và cành gạo đều đâm rễ nảy nở. Qua thời gian, rễ cây đa ôm lấy thân cây gạo nên nếu quan sát dưới gốc ngước lên thì khó mà thấy được cây gạo.

Bến Chương Dương ngày nay ẩn giấu lịch sử hào hùng.

Ông Khai nhớ lại, “cây đa hoa gạo cao nhất vùng này, chúng tôi đi chăn trâu, chăn bò trên đê đi rất xa mà vẫn nhìn thấy cây đa lừng lững, đến mùa hoa gạo, hoa nở đỏ rực một vùng. Người làng ai cũng tự hào vì có cây đa hoa gạo to đẹp, tỏa bóng mát cho cả khuôn viên đền. Cành cây đa tán rộng, xanh lá, cao mấy chục mét, ở trên lại nở hoa gạo đỏ tọa lạc ở ven đê không khác gì ngọn hải đăng sáng chói cho những người đi thuyền dưới sông hay như một đặc điểm nhận dạng cho người Chương Dương từ xa trở về quê hương.

Chuyện cây đa hoa gạo đã đi vào truyền miệng hơn 20 năm trước khi cây gạo chết, người dân nhìn thấy cây gạo chết từng ngày mà không có cách nào cứu được, vì không rõ nguyên nhân cũng như đa phần thân cây được cây đa ôm chặt. Hiện nay, chỉ còn lại bộ rễ cây đa có hình đang ôm lấy thân cây gạo, thực tế đây chỉ là nhánh đa nhỏ do rễ phụ đâm xuống, thế mới biết cây đa hoa gạo ngày xưa đại thụ, rợp bóng đến thế nào.

Bến Chương Dương lịch sử giờ vẫn còn đây, không ít dấu tích xưa được tìm thấy, đây là niềm tự hào của không chỉ nhân dân xã Chương Dương mà của cả dân tộc Việt Nam. Hằng năm, cứ mùng 10 tháng 8 âm lịch làng lại có hội, thanh niên trai tráng lại nô nức đua thuyền rồng trên sông ôn lại lịch sử hào hùng của trận đánh năm xưa.

Theo Nguyễn Văn Công/Báo Du lịch

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/su-tich-ve-cay-da-no-hoa-gao-o-ngoi-den-co-ven-song-hong/20201216085731821