Sự thực về con rắn trên mộ bà ăn mày ở La Hà

Mấy hôm nay hàng ngàn người đổ xô về bên hói Bông, thuộc làng La Hà, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình thắp hương viếng mộ bà ăn mày rất đông. Nhiều người đến vì hiếu kì nhưng cũng có rất nhiều người đến thắp hương tỏ lòng thành kính.

Mộ bà ăn mày nằm cạnh bờ sông Gianh, tiếp giáp với thôn Minh Trường (làng Cồn Vượn, xã Quảng Minh). Ông Hoàng Văn Hiếu, 82 tuổi, ở thôn Minh Trường cho biết mộ của bà có từ trước cách mạng tháng Tám 1945. Bố của ông và một vài người nữa trong làng đã chôn cất bà. Nhiều người dân buôn bán qua đây hay những người đi rú trầm, những sĩ tử trước lúc đến trường thi thường thắp hương, đắp thêm cho bà vài hòn đất, hòn đá. Họ nói bà rất thiêng.

Ông Hoàng Văn Thực ở thôn Minh Trường cho biết cách đây hai chục năm, có mấy người ở làng Thọ Hạ (xã Quảng Sơn) đến đây đào bới tìm hài cốt nhưng không thấy. Anh Mai Văn Chương người làng La Hà (cán bộ dầu khí) về xây cho bà ngôi mộ và dựng am thờ. Mỗi người đến thắp hương thường mang theo hòn đá đặt lên cho mộ cao thêm. Ngày 23/2/2018 vừa qua có một con rắn nằm khoanh trên đống đá ngôi mộ không chịu đi. Con rắn rất mềm, khi có tay người đặt lên mới chịu ngo ngoe đuôi.

Ông thầy cúng làng La Hà cho rằng hồn bà ăn mày đã nhập vào con rắn và cho kéo điện từ trại ( cồn giữa sông) vào cho bà con đến thắp hương. Từ ngày đầu tiên (24/2/2018) đến ngày 28/2/2018 số tiền cúng thu được đã trên 250 triệu đồng. Có người nhiều người đi xe con tới cúng đến tiền triệu.

Ông Bình người canh giữ hòm công đức nói số tiền này sẽ xây cho bà một cái lăng, được ủy ban nhân dân xã Quảng Văn đồng ý và cho người giám sát, quản lí. Đây là một việc làm mang ý nghĩa nhân văn nên người dân cũng rất đồng tình.

Rắn là loài bò sát lột xác nhưng không biến thái. Rắn lột xác để lớn lên. Câu chuyện “Rắn già rắn lột, người già người tuột vào săng” đã phản ánh điều đó. Rắn thường lột da nhiều về mùa hè hơn và là động vật máu lạnh, ngủ đông. Sau khi nở từ trứng ra, cứ 2 tuần rắn lột xác một lần. Rắn trưởng thành trung bình mỗi năm lột xác 2 lần. Các loài khác như tôm, cua, ốc, sò, bò cạp, rết, ve sầu, cào cào, châu chấu …vv đều có sự lột xác. Nói chung là các động vật có lớp vỏ cứng, ít đàn hồi đều phải lột xác.

Trước lúc lột xác rắn phải nhịn ăn cho cơ thể nhỏ lại rồi thường cọ vào thân cây hoặc đá cho rách lớp da cũ đi để chui ra. Do thiếu độ ẩm hoặc cơ thể mất nước việc lột da có khi chỉ hoàn thành một phần. Bởi vì lớp da cũ tích tụ lại che mất mắt nên có khi con rắn bị mù cả đời.

Lột da xong cơ thể rất yếu, rắn phải tìm nơi ẩn nấp để tránh các loài khác đến ăn thịt. Con rắn bị mù trong tự nhiên gần như là một con rắn chết. Đây là con rắn nước không có nọc độc và khi mất nước cơ thể rắn bị dẹp lại bởi vậy người canh giữ ở ngôi mộ phải lấy chai nước đổ lên mình rắn và lúc đó cơ thể rắn mới phồng lên. Việc con rắn nằm trên mộ bà ăn mày ở làng La Hà xã Quảng Văn mấy ngày liền là một hiện tượng tự nhiên không có gì lạ.

Sau đây là các hình ảnh người dân đến thắp hương trên mộ bà ăn mày:

Hoàng Minh Đức

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/su-thuc-ve-con-ran-tren-mo-ba-an-may-o-la-ha-3917384-c.html