'Sự thù ghét người gốc Á đã lên đỉnh điểm'

Người gốc Á ngày càng có chỗ đứng ở Mỹ. Tuy nhiên, cùng với sự thành công, họ phải đối mặt với nỗi sợ. Vụ xả súng khiến 8 người thiệt mạng ở Georgia khiến cộng đồng này rúng động.

Khi Alex Wan chuyển đến Atlanta, bang Georgia vào năm 1971, ông là học sinh gốc Á duy nhất trong lớp.

Bà của ông phải trồng cải thảo và bí đao trong vườn vì không nơi nào bán các loại rau củ này.

Qua nhiều năm, người nhập cư gốc Á và con cháu không chỉ định cư ở Atlanta mà còn tại những vùng đất nhộn nhịp bên ngoài. Hơn 1/4 dân số của hai khu ngoại ô cao cấp gần Atlanta, Duluth và Johns Creek, là người gốc Á.

Ông Wan, người có cha mẹ từ Đài Loan đến Mỹ vào những năm 1960, cũng trở thành người gốc Á đầu tiên được bầu vào Hội đồng thành phố Atlanta, theo New York Times.

 Ông Alex Wan là người gốc Á đầu tiên được bầu vào Hội đồng thành phố Atlanta. Ảnh: New York Times.

Ông Alex Wan là người gốc Á đầu tiên được bầu vào Hội đồng thành phố Atlanta. Ảnh: New York Times.

Nỗi sợ của người gốc Á

Tốc độ và quy mô thay đổi người nhập cư gốc Á mang tới là ví dụ cho sự thành công của cộng đồng này ở Mỹ. Họ xây nhà thờ, cho con tới trường và tham gia vào hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, cùng với sự thành công, họ phải đối mặt với một thứ khác - nỗi sợ. Vụ xả súng khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á, khiến cộng đồng này ở Atlanta rúng động.

“Cho dù lý do là gì đi nữa, sự thật là phụ nữ gốc Á đã bị giết hại”, ông Wan, 53 tuổi, nói với New York Times.

Người đàn ông này cho biết một trong những hiện trường vụ án chỉ cách nhà ông chưa đầy 1,6 km.

“Sự thù ghét người gốc Á đã lên đến đỉnh điểm với thứ tồi tệ nhất - các vụ giết người”, ông Wan nói. “Cộng đồng gốc Á đã trở thành mục tiêu dễ dàng và rõ ràng”.

Cảnh sát thành phố Atlanta bên ngoài hiện trường vụ xả súng chết người ở Georgia ngày 16/3. Ảnh: Reuters.

Và nỗi sợ còn vượt ra ngoài Atlanta. Gần 3.800 vụ quấy rối người gốc Á, từ dùng lời nói đến bạo lực, được Stop AAPI Hate ghi nhận trên cả nước Mỹ từ 19/3/2020 đến 28/2/2021.

Báo cáo này được công bố cùng ngày vụ xả súng tại 3 tiệm massage ở Georgia diễn ra ngày 16/3.

Stop AAPI Hate đã gọi đó là “thảm kịch không lời nào diễn tả được” với gia đình nạn nhân và cộng đồng người Mỹ gốc Á vốn đang quay cuồng vì số vụ tấn công gia tăng đột biến.

Tổ chức này cũng nói vụ xả súng “tăng thêm nỗi sợ và nỗi đau mà cộng đồng người gốc Á tiếp tục gánh chịu”.

Sự tức giận đã bùng lên từ thủ đô Washington, D.C. đến bờ Tây nước Mỹ sau vụ tấn công này. Tài khoản Twitter của nhóm nghị sĩ người Mỹ gốc Á - Thái Bình Dương trong quốc hội viết họ "kinh hoàng trước vụ việc xảy ra vào thời điểm bạo lực chống người châu Á gia tăng đột biến".

Max Leung, người sáng lập SF Peace Collective, nhóm tình nguyện tuần tra đường phố San Francisco để bảo vệ người gốc Á, thừa nhận vụ xả súng ở Georgia vẫn còn nhiều thông tin chưa được làm rõ.

“Nhưng cho dù hung thủ nói động cơ là gì đi nữa, người Mỹ gốc Á đang bị sát hại vì nhiều lý do khác nhau. Nó như một dịch bệnh vậy”, ông Leung nói với New York Times.

Tham gia chính trị

Người gốc Á hiện chiếm 6% dân số Mỹ, thay đổi đáng kể so với 2% của năm 1980, theo William Frey, trưởng bộ phận nhân khẩu học tại Viện Brookings.

Người gốc Á ở Mỹ đến từ hàng chục quốc gia, nhưng theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, cộng đồng lớn nhất là người gốc Trung Quốc, Philippines, Ấn Độ, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ở Georgia, người gốc Á chiếm hơn 4% dân số. Năm 1980, cộng đồng này chiếm chưa đến 0,5%. Tại Atlanta, và trên cả nước Mỹ, người gốc Á là những cộng đồng có lịch sử và văn hóa riêng biệt chứ không phải một nhóm đồng nhất. Bốn nhóm đông nhất ở Georgia, theo ông Frey, là người gốc Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Tuy vậy, sự hiện diện của người gốc Á trong chính trị và văn hóa Atlanta ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Điều này dễ thấy nhất trên đường cao tốc Buford, khu trung tâm mua sắm và bãi đậu xe bắt đầu ở phía bắc của Midtown Atlanta trải dài qua thành phố theo hướng đông bắc đến các vùng ngoại ô gần đó. Khu vực này tập trung nhiều nhà hàng phục vụ phở Việt Nam, dim sum Trung Quốc và thịt nướng Hàn Quốc.

Đường cao tốc Buford, khu vực tập trung nhiều quán ăn của người gốc Á ở Georgia. Ảnh: Reuters.

Sự phát triển của cộng đồng người Mỹ gốc Á ở Atlanta gần đây đã chuyển thành quyền lực chính trị. Nghị viện bang Georgia hiện có 6 nghị sĩ người Mỹ gốc Á, bao gồm Michelle Au, bác sĩ người Mỹ gốc Hoa thuộc đảng Dân chủ được bầu vào Thượng viện bang vào năm ngoái.

Hai thập kỷ trước, không người gốc Á nào tham gia vào cơ quan lập pháp của bang.

Những người đại diện cho cộng đồng

Những tiếng nói mới ở nghị viện sẽ rất quan trọng trong bối cảnh bạo lực chống người gốc Á gia tăng, Cam Ashling, một nhà hoạt động Dân chủ đã giúp vận động tranh cử cho ghế Hạ viện tại Georgia vào năm ngoái, nói với New York Times.

“Chúng tôi đã nhắn tin với nhau cả đêm sau vụ xả súng và tối nay, nhóm vận động sẽ gặp nhau tại nhà tôi”, bà Ashling, 40 tuổi, từ Việt Nam đến Georgia vào năm 1988, cho biết.

Bà cho biết các nhà hoạt động đang chuẩn bị thúc đẩy hạ nghị sĩ mới được bầu khởi xướng các biện pháp bảo vệ và những hành động khác.

“Chúng tôi cần những người mà chúng tôi đã dành tất cả thời gian và sức lực giúp thắng cử đứng lên chống lại sự phân biệt chủng tộc, chứ không chỉ đưa ra tuyên bố”, bà Ashling nói thêm.

Bà Cam Ashling, 40 tuổi, cho biết các nhà hoạt động đang chuẩn bị thúc đẩy các nghị sĩ hành động để bảo vệ người Mỹ gốc Á. Ảnh: New York Times.

Nhìn chung, người nhập cư gốc Á có trình độ văn hóa cao hơn người Mỹ gốc bản xứ. Tuy vậy, cha mẹ bà Ashling lại là tầng lớp lao động.

“Cha mẹ tôi chỉ kiếm được 5-7 USD mỗi giờ. Họ không giống những người Mỹ gốc Á tài giỏi đông đảo trong cộng đồng ở hiện tại”, bà Ashling chia sẻ.

Người nhập cư gốc Á sinh ra trong những thập kỷ gần đây có trình độ cao hơn. Họ thường làm bác sĩ, giáo sư và kỹ sư.

Ông Frey của Viện Brookings cho biết 45% người nhập cư độ tuổi từ 25 trở lên đến Mỹ vào giai đoạn 2010-2019 có trình độ cao đẳng. Trong khi đó, chỉ 1/3 người Mỹ gốc bản xứ đạt đến trình độ này.

Baoky Vu, cựu ủy viên Ủy ban Cố vấn của George W. Bush về người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương, cho biết con cái của những người nhập cư gốc Á, hiện ở độ tuổi 30-40, quan tâm đến chính trị nhiều hơn cha mẹ của họ.

Cha mẹ của những người này thường tập trung vào việc kinh doanh và nuôi sống gia đình, ông Vu nói thêm.

“Họ nghĩ đó không phải vấn đề của họ, vì vậy, họ không cần quan tâm”, ông Vu, một người Mỹ gốc Việt, cho biết.

Tuy nhiên, người đàn ông này nói rằng giới trẻ người Mỹ gốc Á hiện đã khác. Họ tình nguyện tham gia các chiến dịch chính trị, tranh cử vào các chức vụ công và thành lập các nhóm giải quyết các vấn đề chung.

Sự thay đổi đó đặc biệt quan trọng trong bối cảnh căng thẳng và bất an hiện nay.

“Không thể tiếp tục thu mình trong sợ hãi nữa”, ông Vu nói. “Bạn phải đứng lên đấu tranh cho công lý. Đây không chỉ là vấn đề của người Mỹ gốc Á. Đây là vấn đề của nước Mỹ”.

'Thật đáng sợ khi là phụ nữ Mỹ gốc Á' Vụ xả súng tại 3 spa ở Atlanta cướp đi sinh mạng của 8 người, gồm 6 người gốc Á. Hàng trăm cuộc biểu tình nổ ra ở Mỹ để chống lại nạn phân biệt chủng tộc.

Như Trần

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-thu-ghet-nguoi-goc-a-da-len-dinh-diem-post1194632.html