Sự thống trị của các công ty khổng lồ có thể kìm hãm kinh tế Mỹ

Thị phần tập trung trong tay một số ít các công ty dẫn đầu sẽ dẫn làm suy yếu sự cạnh tranh, sáng tạo cũng như đầu tư và điều này có thể kìm hãm nền kinh tế Mỹ, theo hãng tin Bloomberg.

Sự tập trung thị trường vào tay các công ty dẫn đầu trong lĩnh vực của họ như Amazon đang kìm hãm sự cạnh tranh. Ảnh: The Business Journals

Tiêu diệt cạnh tranh của công ty nhỏ

Diapers.com, công ty bán các sản phẩm dành cho trẻ em trực tuyến, đã phạm một sai lầm nghiêm trọng. Doanh thu của công ty Quidsi, công ty mẹ của Diapers.com tăng nhanh chóng lên mức 300 triệu đô la vào năm 2010, đẩy Quidsi vào cuộc chiến giá bán tốn kém nhưng không thể thắng với Amazon. Vì thế, khi được ông lớn thương mại điện tử này chào mua, Marc Lore và Vinit Bharara, hai người đồng sáng lập Quidsi không thể từ chối. Họ trở nên giàu có nhờ bán lại công ty Quidsi cho Amazon với mức giá hơn 500 triệu đô la. Song năm 2017, Amazon lặng lẽ đóng cửa Diapers.com và sa thải 260 nhân viên vì công ty này làm ăn thua lỗ. Sự cạnh tranh mà Diapers.com tạo ra đối với Amazon đã biến mất mãi mãi.

Sự thành công của Diapers.com có lẽ là một trường hợp điển hình được nói nhiều ở các trường dạy kinh doanh. Nhưng cái chết của nó sau khi bị Amazon thâu tóm cung cấp một bài học khác: Trong hàng loạt ngành kinh doanh, lẽ phải thuộc về kẻ mạnh. Khi thị phần của một lĩnh vực kinh doanh tập trung trong tay của một nhóm ít công ty khổng lồ, các nhà kinh tế cho rằng tính hiệu quả của chủ nghĩa tư bản phát huy tác dụng. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cảnh báo rằng sự thiếu cạnh tranh ngày càng gia tăng, động lực sáng tạo ngày càng giảm, tăng trưởng lương chậm và lợi nhuận cao hơn dành cho một số ít công ty lớn sẽ khiến nhiều công ty nhỏ khác tụt lùi.

Một số nhà kinh tế phê phán tình trạng này là do các thất bại về mặt quản lý hoặc do các quy định chống độc quyền đã lỗi thời. Họ cho rằng những công ty khổng lồ không tốt cho nền kinh tế.

Thị phần tập trung trong tay một số công ty lớn

Tại một hội nghị ở bang Wyoming (Mỹ) vào mùa hè này, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã dành nhiều giờ để thảo luận về tình trạng thị phần tập trung trong tay một số công ty dẫn đầu. Bất cứ người tiêu dùng Mỹ nào cũng thấy sự tập trung của thị trường (market concentration) trong tay một số công ty lớn. Amazon xử lý khoảng 50% doanh thu thương mại điện tử ở Mỹ. Người Mỹ sử dụng Google cho 60% lượt tìm kiếm của họ. Apple và Samsung chiếm hơn 70% lượng điện thoại di động tiêu thụ ở Mỹ mỗi năm.

Sự tập trung của thị trường không chỉ diễn ra trong lĩnh vực công nghệ mà còn ở lĩnh vực hàng không (American Airlines, Delta Air Lines, United Airlines), thẻ tín dụng (Visa, Mastercard), chuỗi nhà thuốc (CVS, Walgreens), thậm chí giấy vệ sinh (Georgia-Pacific, Procter & Gamble, Kimberly Clark). Trong hơn 20 năm qua, mức thị phần của các công ty khổng lồ trong một số ngành kinh doanh ở Mỹ đã tăng lên hơn 75%.

Jan Eeckhout, Giáo sư kinh tế ở Đại học Pompeu Fabra ở Barcelona (Tây Ban Nha) chỉ ra rằng nếu chỉ có hai cây xăng hoạt động tại một thị trấn, họ vẫn có thể cạnh tranh đẩy giá bán xuống thấp hơn. Theo ông, thước đo cạnh tranh quan trọng nằm ở mức chênh lệch giữa giá thành sản xuất và giá bán sản phẩm cho người tiêu dùng.

Eeckhout và các nhà nghiên cứu khác thấy rằng từ năm 1950 đến 1980, mức chênh lệch này ở các công ty Mỹ duy trì tương đối ổn định ở mức trung bình 18%. Nhưng kể từ sau năm 1980, mức chênh lệch này tăng vọt lên 67%, đẩy lợi nhuận trung bình của các công ty Mỹ tăng mạnh. Trong một nghiên cứu khác, họ thấy rằng có mối tương quan giữa lợi nhuận của các doanh nghiệp và sự tập trung thị trường trong một số ngành nghề kinh doanh. Giáo sư Eeckhout cho rằng: “Nếu một thị trường thực sự cạnh tranh, một công ty không thể nâng mức chênh lệch giá bán so với giá thành sản phẩm lên cao và không thể kiếm được các khoản lợi nhuận khổng lồ”.

Đầu tư suy yếu khi thiếu sự cạnh tranh

Tốc độ các công ty mới thành lập và đóng cửa là những chỉ số quan trọng để đo lường sự năng động trong nền kinh tế. Song cả hai chỉ số này đang suy giảm ở Mỹ. Số công ty mới thành lập ở Mỹ giảm 40% trong giai đoạn 1977-2014.

Các nhà kinh tế cũng phàn nàn về mức độ đầu tư yếu rõ trong một thập kỷ qua khi các công ty lớn ít cảm thấy áp lực duy trì sức mạnh cạnh tranh khi họ đã chiếm lĩnh thị trường. “Các công ty sáng tạo không phải làm hài lòng chúng ta mà là vì họ muốn duy trì vị thế dẫn trước các đối thủ tiềm năng. Nếu họ cảm thấy không có mối đe dọa thực sự nào khi có đối thủ mới nhảy vào lĩnh vực kinh doanh của họ, các động lực để đầu tư và sáng tạo sẽ bị suy yếu”, Loana Marinescu, Giáo sư kinh tế ở Đại học bang Pennsylvania, nhận định.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/281393/su-thong-tri-cua-cac-cong-ty-khong-lo-co-the-kim-ham-kinh-te-my.html