Sư thầy và những đứa trẻ trên dòng Xa Mát

Những ngày cuối năm 2020, trời nắng như đổ lửa, chúng tôi băng qua cung đường tít tắp, trơn trượt của một phần lòng hồ Trị An (Đồng Nai) để đến nhà lồng 'trung tâm' trên dòng Xa Mát đỏ nặng phù sa. Tiếng ê a đánh vần của những đứa trẻ mặt đen nhẻm, tóc vàng hoe vang vọng một khúc sông.

Bình minh trên dòng Xa Mát

5 giờ 30 sáng, những căn nhà bè trên dòng Xa Mát (tổ 13, ấp 5, xã Thanh Sơn, Định Quán, Đồng Nai) bập bùng ánh lửa hắt ra từ các khe cửa, tiếng gọi í ới của người lớn, trẻ nhỏ vang cả khúc sông. Bé Nguyễn Trọng Nghĩa (10 tuổi) gương mặt còn ngái ngủ, tỉ tê: “Cho con ngủ thêm chút nhé ba”. Lay con dậy, anh Nguyễn Văn Vàng ôn tồn nhắc: “Con quên, sáng nay thứ hai phải tới lớp sớm hơn mọi ngày để chào cờ đầu tuần à?”. Nghĩa bật dậy, chạy vào nhà tắm, nói vọng ra: “Ba chọn cho con bộ quần áo đẹp nhất nha”.

Sư thầy Thích Chơn Nguyên chăm chút từ bữa ăn đến giấc ngủ cho trẻ ở lớp học trên nhà bè

Sư thầy Thích Chơn Nguyên chăm chút từ bữa ăn đến giấc ngủ cho trẻ ở lớp học trên nhà bè

41 tuổi đời, cũng ngần ấy năm anh Nguyễn Văn Vàng lênh đênh trên sóng nước, quần quật làm nghề “đi giỏ” (chài lưới). Lúc nhỏ ở Kiên Giang, sau đó cả gia đình dạt sang Campuchia làm ngư dân Biển Hồ (Tonle Sap). Sống giữa mênh mông sóng nước bằng con cá, con tôm, nhưng rồi dần tôm, cá cạn kiệt, gia đình anh cũng như hàng trăm con người khác đều gặp khó khăn.

Lay lắt mãi không khá nổi, năm 2005, anh Vàng dắt vợ và 6 đứa con quay về cố hương. Những ngày đầu về Việt Nam, anh dừng chân ở hồ Dầu Tiếng, tiếp tục nghề chài lưới. Cuộc sống trong túp lều hoang hoác tại thôn Bù Tam (Bù Gia Mập, Bình Phước) thiếu thốn đủ điều khiến 6 con người đói ăn, thiếu mặc triền miên. Không chấp nhận số phận, anh Vàng lần nữa quyết định dứt áo đi tìm “miền đất hứa”. Hồ Trị An (Định Quán, Đồng Nai) là điểm đến lý tưởng cho công cuộc mưu sinh của chuỗi hành trình theo con nước. Anh Vàng cùng 3 gia đình neo chiếc thuyền cũ nát ven hồ. Tích cóp được chút ít, anh mua căn nhà bè… rộng hơn 10m², cả gia đình có chỗ chui ra, chui vô.

Cách bè anh Vàng hơn chục sải nước, ông Nguyễn Văn Năm (69 tuổi) và con trai đang hối hả chuẩn bị ngư lưới cụ cho một ngày đánh bắt mới. Nước da đen sạm, tiếng nói oang oang, ông Năm hướng ánh mắt về lòng hồ Trị An, nơi thấp thoáng từng nóc nhà bè trong sương sớm, chia sẻ: “Ở đây, ai cũng khổ, như tàu lá rách, nhưng lá rách ít đùm bọc lá rách nhiều. May có địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện cho sinh sống, làm ăn và ông trời cũng thương nên cũng đắp đổi qua ngày”.

Khổ là vậy, nhưng theo anh Vàng, đã có ánh sáng le lói trong cuộc sống tối tăm lâu nay. Anh khoe rằng, gần 5 năm qua, trẻ con, người lớn và cả người già xóm chài được học xóa mù chữ ngay trên dòng Xa Mát. “Người “gieo” con chữ cho chúng tôi là sư thầy Thích Chơn Nguyên. Đến nay, cả xóm có khoảng 20 đứa đi học phổ thông, học nghề, vào đại học… Nhiều gia đình cũng theo con lên bờ lập nghiệp, cuộc sống dần ổn định”, anh Vàng hồ hởi kể.

6 giờ 30, cu Nghĩa đã tươm tất trong bộ đồ mới, anh Vàng cũng chuẩn bị xong sách tập cho con và đồ nghề cho một ngày đánh bắt hải sản, tiếng chào hỏi chộn rộn khi hai ba con bước lên xuồng máy.

Biết ơn sư thầy

15 phút lạch tạch trên sông, chiếc xuồng máy của anh Vàng tấp vào bè, lần lượt mấy chiếc khác cũng rẽ nước tới. Gần 40 đứa trẻ, đủ mọi lứa tuổi, nhỏ nhất mới 6 tuổi, lớn nhất 15 tuổi, quần áo sạch sẽ, bước lên bè chạy giỡn rôm rả. Vừa kêu học trò không được chạy nhảy trên bè, sư thầy Thích Chơn Nguyên vừa hối trò nhanh chóng ổn định để chuẩn bị chào cờ đầu tuần. Xong nghi thức chào cờ, cu Nghĩa và các bạn bắt đầu buổi học mới. Lúc này, sư thầy Thích Chơn Nguyên như “con thoi” lúc dạy toán, khi dạy tiếng Việt tùy theo độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 5.

Sư thầy kể, duyên “gieo con chữ” cho các em đến trong một lần ông ghé thăm cuộc sống người dân và làm thiện nguyện. Ông chạnh lòng khi thấy nhiều trẻ ở đây ngày qua ngày theo gia đình lênh đênh mưu sinh trên mặt hồ. Cha mẹ mù chữ, nên chúng cũng mù chữ theo, sư thầy bắt đầu nghĩ chuyện mở lớp dạy cho bọn trẻ.

Việc đầu tiên, sư Nguyên rời TPHCM về tu tập tại tịnh thất Liên Sơn (ấp 5, xã Thanh Sơn, Định Quán), tiếp đó sư thầy tìm tới từng chiếc bè, con thuyền, vận động cha mẹ cho con tới tịnh thất để sư thầy dạy chữ. Lúc đầu được 5 - 7 đứa trẻ xóm chài theo học, dần lên gần 30 đứa. Tuy nhiên, phương án này chỉ duy trì được một thời gian, nhóm trẻ bỏ học giữa chừng vì từ lòng hồ đến tịnh thất quá xa (khoảng 10km). Vào mùa nước dâng, việc đi lại bằng ghe, xuồng cũng không đảm bảo an toàn cho trẻ.

Không bỏ cuộc, sư thầy lặn lội ngược về TPHCM tìm nguồn kinh phí, rồi mua lại 1 nhà bè rộng khoảng 30m2, neo đậu ngay trên dòng Xa Mát làm nơi dạy chữ. Các bé được học 6 ngày/tuần, trừ chủ nhật, bắt đầu từ 7 giờ sáng. Buổi trưa ở lớp, thầy Nguyên chuẩn bị sẵn cơm, canh và sữa cho học sinh, ăn trưa xong chúng ngủ tại bè để chiều học đến 4 giờ. Mọi chi phí ăn uống, sách vở, khám chữa bệnh... cho trẻ đều do sư thầy và nhà hảo tâm đóng góp.

Không chỉ xóa mù chữ, sư thầy còn đào tạo thêm một số kỹ năng cơ bản, giúp trẻ phát huy thế mạnh của bản thân. Mỗi tháng 2 lần các bé được chở lên chùa để học và thực hành các kỹ năng sống. Cứ như vậy một thời gian, hầu hết các bé đều ổn về đọc, viết, tính toán cơ bản cùng kỹ năng sống. Khi lớp học dần ổn định với sĩ số gần 50 trẻ, sư mua thêm 2 căn nhà bè, kết nối lại làm một, rồi kết hợp với Đoàn Thanh niên Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai mở thêm lớp xóa mù cho gần 100 người lớn, người già đang sinh sống trên lòng hồ Trị An với 2 buổi học/tuần vào chiều tối. Nhiều gia đình, cha mẹ, dâu rể, sáng quần quật trên sông nước, chiều mặt trời lặn là có mặt tại nhà bè học chữ. Chị Nguyễn Thị Bé Hai (51 tuổi - người dân xóm chài) bày tỏ: “Tôi đang theo học lớp xóa mù. 4 đứa lớn sau khi học hết lớp 5 tại nhà bè được thầy đưa về tịnh thất ở để theo học THCS và học nghề. 4 đứa nhỏ còn lại cũng đang theo hành trình của anh chị chúng. Nhìn con khôn lớn, trưởng thành, người làm mẹ như tôi thật ấm lòng và biết ơn sư thầy”. Sự biết ơn của chị Bé Hai cũng là tình cảm của bà con xóm chài dành cho sư thầy Thích Chơn Nguyên, họ cảm kích vì từ ngày con cháu được học chữ, chúng ngoan ngoãn, có ý thức với bản thân và gia đình. Họ cũng hy vọng rằng, con cháu nhờ biết chữ sẽ thoát khỏi cảnh lênh đênh sông nước như ông bà, ba mẹ.

Tiễn chúng tôi ra về lúc trời nhọ mặt người, sư thầy Thích Chơn Nguyên tất bật đóng cửa bè lên chiếc ghe nhỏ về lại tịnh thất. Sư thầy nói: “Ở tịnh thất hiện cũng đang cưu mang gần 70 đứa trẻ nên dù ngoài này bận bịu đến mấy, tôi cũng phải về cho an tâm”.

Xóm chài trên dòng Xa Mát nằm trong lòng hồ Trị An, hơn chục năm trước chỉ có 4 - 5 hộ, đến nay đã có 46 hộ với trên 300 người sinh sống. Tất cả các hộ dân đều sống lênh đênh trên những lồng bè cũ. Người dân quanh vùng vẫn quen gọi là xóm chài “Việt kiều”, bởi đa số họ là người Campuchia gốc Việt hồi hương. Không quốc tịch, không giấy tờ tùy thân, nhiều người trong số mấy trăm “Việt kiều” này cũng chẳng biết họ sinh ra ở đâu, bao nhiêu tuổi. Họ chỉ biết, ngay từ khi sinh ra đã là người Campuchia gốc Việt, sống trên Biển Hồ, mưu sinh bằng nghề chài lưới, con cái không được tới trường. Khổ quá, họ lại quay ngược về quê cha đất tổ.

QUANG HUY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/su-thay-va-nhung-dua-tre-tren-dong-xa-mat-711354.html