Sự thật về người đàn ông được đàn chó sói nuôi suốt 15 năm ở Tây Ban Nha

Lần đầu tiên chạm mặt lũ sói là khi Rodríguez khoảng 7 tuổi. Lúc trốn bão, cậu bé chui vào một cái hang. Cậu bé chui sâu vào hang và ngủ ngon lành với lũ sói con.

Bị cha đem bán và sống trong rừng sâu

Rodríguez chào đời vào ngày 8 tháng 6 năm 1946 tại một ngôi nhà sơn tường trắng tại làng Anora (Andalusia, Tây Ban Nha). Cha ông là Melchor, còn mẹ là Araceli, họ có 2 người con trai. Kinh tế nông thôn sụp đổ sau khi kết thúc cuộc nội chiến, đời sống trở nên ngột ngạt hơn. Bà Anastasia Sanchez, em họ của ông Rodríguez, kể: "Hồi đó, nhà anh ấy nghèo lắm, họ rời đến Madrid để kiếm kế sinh nhai. Ở Madrid, người cha Melchor làm trong một xưởng gạch, và một thời gian ngắn sau đó thì mẹ của Rodríguez đã qua đời.

Và cũng rất nhanh chóng, người cha đi bước nữa và Rodríguez sống với gia đình ông ở Barcelona, còn người em trai đến sống với họ hàng ở Madrid. Cha ông làm công việc sản xuất than đá, còn Rodríguez khi đó mới 4 tuổi đảm nhận việc chăm sóc đàn lợn của gia đình. Cậu bé phải học cách ăn cắp ngô (bắp) từ chủ đất để có thức ăn nuôi lợn.

Ông Marcos Rodríguez Pantoja trong bộ phim công chiếu năm 2010 mang tựa đề Entrelobos (Sống giữa bầy sói). Ảnh: Antonio Heredia.

Ông Marcos Rodríguez Pantoja trong bộ phim công chiếu năm 2010 mang tựa đề Entrelobos (Sống giữa bầy sói). Ảnh: Antonio Heredia.

Ông kể: "Nếu tôi không đem đủ ngô về cho lợn ăn, mẹ kế sẽ không cho tôi ăn cơm". Rồi có một ngày, như ông Rodríguez nhớ mang máng đó là năm ông lên 6, có một người đàn ông cưỡi ngựa đến nhà. Ông ta trao đổi chốc lát với cha ông, rồi bắt Rodríguez đi cùng với mình.

Từ nhỏ đến khi đó, Rodríguez chưa từng ở trong ngôi nhà nào to như thế. Trong căn bếp rực rỡ màu sắc, cậu bé được người lạ cho ăn món thịt hầm và nói rằng cha ông đã bán con trai cho ông ta. Từ đó, Rodrídge phải làm việc, chăm sóc 300 con dê. Rodríguez thở dài: "Tôi chưa từng biết cha tôi nhận bao nhiêu tiền khi đem bán con".

Sáng hôm sau, người đàn ông đặt cậu bé Rodríguez lên lưng ngựa rồi cùng đi vào núi, đến một hang động nhỏ nằm sâu trong rặng núi Sierra Morena, nơi có rất nhiều sói và lợn rừng sinh sống. Ở đó Rodríguez một người đi chăn chăm sóc. Cậu bé ngủ ngoài hang và sợ hãi khi nghe tiếng thú hoang kêu. Người đi chăn cho cậu bé uống sữa cừu, dạy cách bẫy thỏ và đánh lửa.

Nhưng một ngày sau khi Rodríguez đến, người đi chăn nói với cậu bé rằng ông ta sẽ đi bắn thỏ, và rồi không quay lại nữa. Người mua Rodríguez vẫn thường xuyên tới giám sát lũ dê, nhưng cậu bé lẩn tránh ông ta. Cậu bé sợ quay lại nhà ông ta vì nghĩ tới những năm bị đánh đập. Ông Rodríguez giải thích: "Ngay cả những năm tháng khốn khó nhất đời, tôi vẫn thích lấy núi làm nhà mình".

Ông Rodríguez trong căn nhà ở Rante, Galicia, Tây Ban Nha vào tháng 3-2018. Ảnh: El Pais/Óscar Corral.

Để sinh tồn trong rừng sâu, cậu bé cố gắng vắt sữa dê, và tìm cách bắt gà lôi và cá hồi. Rồi cậu bé quan sát lũ lợn rừng đào củ, và chim chóc hái quả trong bụi cây. Nhờ học lỏm người đi chăn thả mà cậu bé có thể đặt bẫy bắt thỏ, nhỏ máu thỏ xuống sông để dụ cá tới. Lớn hơn một chút cậu bé đã học cách để săn và lấy da hươu. Lần đầu tiên chạm mặt lũ sói là khi Rodríguez khoảng 7 tuổi. Lúc trốn bão, cậu bé chui vào một cái hang. Cậu bé chui sâu vào hang và ngủ ngon lành với lũ sói con.

Lúc sói mẹ đi săn về, thấy hơi người và người lạ, thay vì cắn cậu bé thì nó lại thả trước mặt cậu một miếng thịt. Không những sống chung với bầy sói, Rodríguez còn nói rằng ông đã làm bạn với cáo và rắn. Kẻ thù của cậu bé là lợn rừng. Và tất nhiên ngôn ngữ nói là rặt của loài sói, như ông khẳng định: "Tôi không biết nó là ngôn ngữ gì, nhưng tôi có thể nói chuyện với sói".

Đầu năm 1965, một kiểm lâm viên nói với cảnh sát rằng ông có nhìn thoáng thấy một người lạ mặt trong rừng với mái tóc dài, khoác da hươu, lang thang ở Sierra Morena. 3 cảnh sát tuần núi được phái tới đã điều tra thực hư. Rodríguez nhớ rằng các cảnh sát đã phát hiện ra ông lúc ông đang ăn trái cây dưới một tán cây trong rừng.

Ông nhớ cảnh đám người phi ngựa tới, họ nói gì đó với ông nhưng ông không biết cách phản ứng lại. Ông hiểu thứ mà họ nói nhưng lại không thể trả lời bởi 12 năm sống trong rừng già không có con người. Các cảnh sát dễ dàng tóm được Rodríguez và đưa xuống núi. Đầu tiên cảnh sát đã đưa "sói nhân" tới thị trấn Fuencaliente, và buộc ông phải hớt tóc. Cha ông cũng không bị phạt tội bán con làm nô lệ.

Nhưng thay vì đón con trở về thì người cha thờ ơ. Chỉ vài ngày sau khi bị bắt giữ, Rodríguez lại quay về thế giới hoang dã. Mùa xuân năm 1966, người con trai của một vị bác sĩ địa phương tên là Juan Luis Galvez đã chạm mặt với "sói nhân" Rodríguez khi đó vẫn luôn sợ sệt và không nói được. Rồi Galvez đưa "sói nhân" đến sống ở nhà mình ở Lopera, nơi đây vị bác sĩ đã dạy cho "người rừng" cách mặc quần áo, cách ăn uống, cách phát âm. Rodríguez có thể nô đùa với đám trẻ con địa phương. Nhưng Rodríguez vẫn muốn về núi vì "cảm thấy ngột ngạt khi sống với con người".

Một phụ nữ địa phương tên là Maria Antonia Cerillo Uceda nhớ lại rằng Rodríguez "rất thô lỗ và hoang dã" song cũng "thông minh và tò mò". Cuối mùa hè 1966, Galvez đưa Rodríguez tới bệnh viện. Ở đó các bác sĩ đã cắt những vết chai ở chân cho ông, còn các bà sơ dạy cho "sói nhân" học nói. Rodríguez hiểu ngôn ngữ tốt, nhưng vấn đề là ông đã không nói tiếng người quá lâu nên mất luôn kỹ năng phát âm.

Đầu năm 1967, Rodríguez được đưa đi nghĩa vụ quân sự ở Córdoba và ông cũng bị đuổi sớm vì khi ông bắn súng trong một buổi huấn luyện thao trường, viên đạn suýt giết chết một người lính trong trung đội của Rodríguez. Ông phải quay trở lại khám bệnh ở Madrid. Rồi thì Rodríguez tới đảo Mallorca, khi đó nơi nào đón khá nhiều khách du lịch từ Châu Âu. Các năm sau đó, Rodríguez đã làm phụ bếp, rồi làm nhân viên quầy bar, thợ xếp gạch và cả người quét đường.

Nhưng giới chủ thường "xù" lương của Rodríguez và thậm chí còn lợi dụng người nhân viên khốn khổ này. Ông Rodríguez nhớ lại: "Có lần, tôi bán cần sa mà không hề hay biết, trong khi ông chủ nói rằng đó là thuốc dạ dày. Khách tới bar hỏi "thuốc" và rồi tôi vô tư trao cho họ".

Ở Mallorca vào năm 1975, Rodríguez được giới thiệu để gặp gỡ với Gabriel Janer Manila, một nhà Nhân chủng học, ông này đã nghiên cứu cuộc đời của Rodríguez trong thiên nhiên hoang dã và ảnh hưởng của nó tới đời sống sau này của "sói nhân". Suốt 6 tháng, sáng nào Janer Manila và Rodríguez cũng gặp nhau và nhà nhân chủng học càng tin rằng những câu chuyện về "sói nhân" kể là có thật.

Ông Marcos Rodríguez Pantoja bên một hình vẽ chó sói.

Từ chuyện đời của Rodríguez, ông Janer Manila đã viết nên luận án tiến sĩ. Sau hàng loạt bài kiểm tra về trí thông minh, ông Janer Manila kết luận rằng những cảm xúc và phát triển xã hội của Rodríguez đã bị "đóng băng" ngay tại thời thơ ấu lúc cậu bé Rodríguez bị bỏ rơi. Thay vì học cách giao tiếp với con người, nhà nhân chủng học Janer Manila viết về Rodríguez rằng "Ngay cả bây giờ, Marcos Rodríguez vẫn cố gắng dùng các hành vi động vật để ứng xử trong xã hội loài người".

Câu hỏi ở đây là liệu Rodríguez có thật sự giao tiếp với động vật như một cách thức mà ông nhớ rõ về nó? Đối với các nhà khoa học, câu hỏi về việc có hay không các loài động vật có thể cho phép con người sống với chúng vẫn tiếp tục là một câu hỏi gây tranh cãi.

Chuyện kể rằng năm 1991, tại một cánh rừng gần Kampala (Uganda), người ta đã tìm thấy một đứa bé có mái tóc phủ toàn thân và mất một ngón chân cái. Cậu bé được đặt tên là John Ssebunya, cậu bé dần dà được tập nói tiếng người và có thể kể cho mọi người về chuyện gì đã xảy ra với mình. Ssebunya nói đàn khỉ đã nuôi nấng mình, chúng mang thức ăn và nước đựng trong lá cây, cậu bé chơi trốn tìm với đám khỉ con.

José Espana, một nhà Sinh thái học và là chuyên gia về hành vi của loài sói, đã khẳng định: "Rất có khả năng người và sói cùng đồng hành tồn tại. Nhưng vấn đề gây tranh cãi là Rodríguez có thật sự chung ngôn ngữ giao tiếp với loài sói không. Làm thế nào ông ấy có thể phân biệt giữa các hành vi giao tiếp với loài sói, có vẻ như bộ nhớ đã có cơ chế chọn lọc". Rodríguez rời đảo Mallorca vào thập niên 1980 và chuyển tới phía Nam Tây Ban Nha. Rodríguez cảm thấy rất khó nhớ lại ngày tháng cũ, ngoại trừ cái ngày mà ông gặp người đàn ông mà Rodríguez gọi là "ông chủ của tôi".

Người nổi tiếng bất đắc dĩ

Năm 1998, một cảnh sát về hưu ở Galicia tên là Manuel Barandela, đã phát hiện ra cảnh Rodríguez đang sống dưới tầng hầm của một ngôi nhà bỏ hoang. Khi đọc được cuốn sách của nhà Nhân chủng học Janer Manila viết về Rodríguez, Barandela bèn quyết định đưa "sói nhân" đến Rante. Ở Rante, cựu cảnh sát Barandela đã dạy cho Rodríguez cách đọc, vì thế ông có thể gọi điện thoại và nhận biết tên các loại thuốc.

Nhà Nhân chủng học Gabriel Janer Manila đã nghiên cứu về cuộc đời lúc còn nhỏ của "sói nhân" Rodríguez.

Và dĩ nhiên, "đứa trẻ người sói" Rodríguez giờ đây đã trở thành một đề tài của sự mê hoặc. Suốt hàng thế kỷ, các nhà văn và nhà tư tưởng luôn bị ám ảnh bởi những câu chuyện về "trẻ em hoang dã" khi chúng đã sống mà không tiếp xúc với con người.

Victor of Aveyron có lẽ là "đứa trẻ người rừng" nổi tiếng nhất vào thời hiện đại, cậu bé được tìm thấy trong một cánh rừng ở miền Nam nước Pháp vào năm 1800 (lúc 12 tuổi) sau 7 năm sống trong hoang dã. Victor trở thành đề tài để các nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm về ngôn ngữ và giáo dục.

Đạo diễn Gerardo Olivares, người đã đem câu chuyện của "sói nhân" Rodríguez lên màn ảnh.

Năm 2010, đạo diễn người Tây Ban Nha-Gerardo Olivares đã phát hành bộ phim Entrelobos ("Sống giữa bầy sói") dựa trên cuộc đời của Rodríguez lúc sống trong hoang dã. Bộ phim Entrelobos gây được tiếng vang ở Tây Ban Nha. Rodríguez trở thành một siêu sao: Đài truyền hình Tây Ban Nha tuyên bố ông là "con trai của đàn sói".

Mỗi tháng, lại có một bài viết mới về Rodríguez xuất hiện trên các mặt báo. Tò mò, công chúng đổ xô tới Rodríguez với mong muốn nghe nhiều hơn về ông. Người hâm mộ ở khắp nước Đức, Mỹ và Tây Ban Nha viết thư cho Rodríguez. Ông trở thành "sói nhân" nổi tiếng nhất vùng núi Sierra Morena. Cũng có người đàn bà tìm tới "sói nhân" để ngỏ lời yêu ông, nhưng Rodríguez nghĩ rằng đây là âm mưu "làm tiền" ông mà thôi.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/su-that-ve-nguoi-dan-ong-duoc-dan-cho-soi-nuoi-suot-15-nam-o-tay-ban-nha-509931/