Sự thật về đường dây tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép tại Tây Nguyên (Bài 2)

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Phạm Quang Hùng, Chỉ huy trưởng BĐBP Đắk Lắk nói: 'Chúng tôi đã nhận định việc Công ty TNHH Thảo Trúc mà đằng sau đó là Phan Hữu Phượng, hồi tháng 3 vừa qua có văn bản xin kéo dài thời gian vận chuyển số gỗ mua đấu giá từ biên giới ra ngoài là hành vi tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh. Vậy nên, ngày 27-3, BĐBP Đắk Lắk ra quyết định trả lời buộc Công ty này phải di chuyển toàn bộ số tài sản này ra khỏi rừng trước ngày 30-4, thì ngày 27-4, họ bị bắt giữ'. Có thể nói, việc để gỗ lậu được tàng trữ, vận chuyển từ rừng ra là hệ quả của hàng loạt những sơ sểnh của các cấp, các ngành.

Đại tá Phạm Quang Hùng, Chỉ huy trưởng BĐBP Đắk Lắk trả lời báo chí về vụ việc ngày 27-4. Ảnh: TTH

Bài 1: Xác minh chặt chẽ và xử lý nghiêm sai phạm

Bài 2: Bài học sâu sắc

Chỉ một hợp đồng mua tài sản bán đấu giá, nhưng sự chờ đợi thủ tục hồ sơ mà Sở Tài chính Đắk Lắk hoàn thiện với Công ty TNHH Thảo Trúc đã mất khá nhiều thời gian. Bảng kê lâm sản do Hạt Kiểm lâm Buôn Đôn kiểm kê lập tháng 10 năm 2015. Biên bản nghiệm thu do nhiều bên liên quan chứng thực cũng được lập ra năm 2015, nhưng hợp đồng mua bán đấu giá phải đến tháng 1 năm 2017 mới được ký. Bãi gỗ này đã từng bị cháy, bị di chuyển vị trí và ở tình thế chưa đủ thủ tục để giải tỏa khỏi khu vực biên giới.

Chính vì vậy, Công ty Thảo Trúc và Phan Hữu Phượng mới có cơ hội xin dựng lán trại cho nhân viên trông coi, nhờ đồn Biên phòng để kéo điện từ trạm bơm dưới suối Đắk Đam để thắp sáng. Phía đồn Biên phòng Bo Heng đã đồng ý trên danh nghĩa là cho doanh nghiệp kinh doanh trong khu vực biên giới dùng nhờ nguồn điện, chứ không chủ ý dung chứa lâm tặc. Hiện nay, các doanh nghiệp thi công đường biên giới đóng lán trại gần đó cũng đang dùng nhờ nguồn điện duy nhất ở khu vực biên giới này.

Địa bàn của Đồn Biên phòng Bo Heng quản lý không có dân cư và thời gian này, các xe tải nặng của các doanh nghiệp thi công đường tuần tra biên giới hoạt động cả ngày đêm. Lợi dụng tình hình, Phan Hữu Phượng và đồng bọn mới có thể trà trộn gỗ lậu vào số gỗ chính phẩm tại bãi tập kết, sau đó vận chuyển bằng xe tải về Cư Jut, Đắk Nông.

“Đây là bài học sâu sắc cho công tác giám sát, kiểm tra của BĐBP Đắk Lắk” - Đại tá Phạm Quang Hùng nói. Đã có nhiều cuộc họp, văn bản, chỉ đạo, phối hợp liên ngành nhưng thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ nên các đồn Biên phòng vẫn không nhận thức đúng tầm quan trọng, mức độ nguy hiểm khó lường của hoạt động buôn bán vận chuyển gỗ lậu. Vùng biên giới không phải là vùng cấm các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ của mình. “Tất cả các cá nhân, các lực lượng đều phải tuân thủ Nghị định 34/2014/NĐ-CP và quy chế bảo vệ biên giới” - Đại tá Phạm Quang Hùng khẳng định thêm.

Vì vậy, có thể nói, tăng cường công tác kiểm soát liên ngành tại khu vực quốc lộ 14C luôn là yêu cầu bức thiết. Trong tình hình bình thường, lực lượng BĐBP không có chức năng nhiệm vụ, không đủ thẩm quyền để lập chốt trạm, hàng rào chắn barie trên quốc lộ, nhưng có thể phối hợp liên ngành.

Với đặc thù khu vực biên giới Đắk Lắk và Đắk Nông, 14C là quốc lộ chạy song song gần đường biên giới và đi qua khu vực đóng quân của các đồn Biên phòng. Trên thực tế, công tác kiểm soát người và phương tiện trên quốc lộ 14C gặp rất nhiều trở ngại. Đã có không ít vụ việc lực lượng BĐBP yêu cầu dừng phương tiện nghi vấn để kiểm tra, kiểm soát, song người điều khiển không chấp hành, tăng tốc bỏ chạy. Gặp những tình huống này, nếu rượt đuổi xử lý đến cùng sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng của lực lượng thực thi nhiệm vụ và người dân. Từ yêu cầu cấp bách này, đã nhiều lần BĐBP Đắk Lắk đề xuất thành lập lực lượng liên ngành để kiểm tra, kiểm soát trên Quốc lộ 14C, song đến thời điểm này vẫn chưa được triển khai.

Công tác phối hợp giữa hai lực lượng Biên phòng và Kiểm lâm trong tuần tra bảo vệ rừng từ trước đến nay luôn được triển khai chặt chẽ, thường xuyên và có sự đồng thuận cao. Tại thời điểm này, công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát, quản lý bảo vệ rừng được lực lượng Kiểm lâm và các đồn Biên phòng nằm trên lâm phần Vườn quốc gia Yok Đôn đẩy mạnh với tần suất dày hơn. Nỗ lực này đã góp phần bảo vệ nghiêm ngặt vườn quốc gia, không để xảy ra tình trạng lâm tặc chặt phá rừng.

Thế nhưng, xuất phát từ một hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, gỗ lậu đã bị trà trộn để đưa từ biên giới vào nội địa. Phía đối diện với Đồn Biên phòng Bo Heng, cách biên giới 50km trên lãnh thổ Cam-pu-chia mới có người dân cư trú. Khu vực này rừng dày và sâu. Nước bạn cũng đang trong quá trình làm đường vành đai biên giới của họ.

Đại tá Tống Anh Tuấn, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Đắk Lắk cho hay, lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm của BĐBP đã đấu tranh ngăn chặn nhiều vụ manh nha móc nối từ phía các nhân viên làm đường bên nước bạn muốn tuồn gỗ sang Việt Nam bán, thời điểm trước Tết Nguyên đán 2018 đến nay. Thậm chí có cả những tin nhắn “chào hàng” từ bên kia biên giới với số lượng hàng trăm, hàng ngàn mét khối gỗ. Điều đó cho thấy nguy cơ thẩm lậu gỗ qua biên giới là vô cùng lớn, nếu lực lượng chức năng sơ hở sẽ rất dễ xảy ra những thương vụ làm ăn phi pháp.

Quốc lộ 14C chạy sát Đồn Biên phòng Yok Đôn. Ảnh: TTH

Trên thực tế, trong thời gian gần đây, không một tay lâm tặc nào cả gan sang bên kia biên giới mua gỗ trái phép để vận chuyển qua mặt hàng loạt các đồn Biên phòng, trạm Kiểm lâm để vào được nội địa, ngoài Phan Hữu Phượng và đồng bọn. Vì Phan Hữu Phượng có sẵn “lá bùa hộ mệnh” mang tính hợp pháp, từ đó, thường đề nghị các cơ quan chức năng gia hạn, cho phép vận chuyển gỗ. Theo hồ sơ của cơ quan Công an, vì muốn đánh lớn chuyến hàng cuối cùng với “lá bùa” hợp pháp mang tên hàng đấu giá trước thời hạn 30-4, nên Phượng và đồng bọn mới liều lĩnh lợi dụng sơ hở của các lực lượng, mang gỗ lậu về xưởng.

Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk khẳng định, sẽ xử lý nghiêm các cá nhân và tập thể có liên quan đến vụ việc này và có phương án ổn định tổ chức, đưa hoạt động các đơn vị trở lại bình thường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thực hiện nhiệm vụ.

Nhóm PV

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/su-that-ve-duong-day-tang-tru-van-chuyen-lam-san-trai-phep-tai-tay-nguyen-bai-2