Sự thật về con tàu 'bẩn' của 'Cường rác'

Nhiều người dân ở tổ dân phố Tân Bình, thị xã Thuận An, huyện Phú Vang Thừa Thiên Huế vẫn gọi anh Trần Văn Cường là 'thằng Cường rác' bởi sau những chuyến ra khơi trở về khoang tàu của anh lại đựng đầy rác thải biển.

Đến thị trấn Thuận An, một vùng biển của huyện huyện Phú Vang, cách trung tâm thành phố Huế hơn 10km hỏi “Cường rác” không ai không biết anh Trần Văn Cường (SN1991), Bí thư đoàn tổ dân phố Tân Bình. Biệt danh của anh xuất phát từ việc sau những chuyến ra khơi đánh bắt hải sản, lúc trở về trên khoan con tàu tiền tỷ luôn đựng đầy rác thải trôi nổi trên biển. Đó là những loại rác được anh vớt gom lại mang về bán lấy kinh phí gây dựng quỹ học bổng của Đoàn thanh niên giúp nhiều em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Anh Cường gom các vỏ lon, bình nước nhựa vớt được trên biển xếp vào bao lưới để bán sau những chuyến ra khơi trở về

Anh Cường gom các vỏ lon, bình nước nhựa vớt được trên biển xếp vào bao lưới để bán sau những chuyến ra khơi trở về

Gặp được anh Cường, đúng lúc anh đang hì hục gom những vỏ lon, bình nước nhựa vừa vớt được trên biển xếp gon gàng bỏ vào bao lưới trên tàu, chúng tôi vô cùng bất ngờ. Chàng trai với vẻ bề ngoài nhỏ con, mãnh khảnh ấy lại là người đang “nuôi dưỡng” những ước mơ của biết bao nhiêu trẻ em nghèo hiếu học.

Nở nụ cười tươi sau chuyến đi dài trên biển, anh Cường chia sẻ, anh là chủ một tàu cá đánh bắt xa bờ với công suất 1018 CV cùng với gia đình bám biển được hơn 15 năm nay. Mỗi lần đi biển, anh Cường chứng kiến cảnh nhiều người dân, khách du lịch... vứt rác bừa bãi xuống mặt nước khiến biển có nguy cơ ô nhiễm rất cao, tôm cá không sống được sẽ thất thu. Từ đó, cứ thấy vỏ lon bia, chai nhựa hay bao bì trôi là anh lại vớt lên tàu.

Anh Cường chỉ vào khoang tàu nơi anh thiết kế dành riêng để đựng rác thải vớt được.

“Nhiều người ở khắp nơi đã biết đến tôi không phải vì làm Bí thư tổ dân phố và cũng chẳng phải là chủ tàu cá “khủng” thuộc loại lớn nhất nhì tỉnh Thừa Thiên Huế mà bởi vì trên tàu của tôi lúc nào cũng chứa đầy rác sau những ngày trở về”, anh Cường nói.

Để vớt, gom rác trên biển, anh Cường đã tận dụng các vây lưới bỏ, rổ cá bị hư hỏng... để chế tạo thành cần vợt, rổ đựng. Trên chiếc tàu của mình anh đã bố trí một khoang riêng chỉ để dành cho việc gom thu và đựng rác thải nhựa.

“Mỗi năm, tôi đi biển hơn 6 tháng, mỗi tháng được 4 - 5 chuyến, có những chuyến kéo dài hơn 10 ngày. Trung bình một tháng thu gom, rồi đem bán được gần 400.000 đồng. Số tiền này, tôi sẽ đóng góp vào vào quỹ học bỗng của Đoàn thanh niên thị trấn Thuận An. Dù số tiền không nhiều nhưng cảm thấy rất vui, ý nghĩa”, anh Cường chia sẻ.

Từ khi bắt đầu hoạt động thiện nguyện này anh Cường chẳng thể nhớ rằng mình đã thực hiện được bao nhiêu lần, nhặt được bao nhiêu bao rác thải từ biển để bán hay quyên góp được bao nhiêu tiền vào quỹ học bỗng cho trẻ em nghèo ở địa phương. Dẫu vậy, điều này cũng chẳng làm anh bận tâm nhiều, bởi lẽ, giá trị của hành động thiện nguyện không đơn thuần là vật chất mang lại mà nó nằm ở ý nghĩa, ở nhận thức và đâu đó là sự vượt lên những nhận định không mấy tốt đẹp từ người khác.

“Lúc đầu em vớt vỏ chai nhựa về bán như vậy có nhiều người cũng hay nói này, nói kia. Họ bảo em là chủ của cái tàu tiền tỷ mà đi lượm lặt từng đồng ve chai như thế thì khó nhìn lắm”, anh Cường nhớ lại.

Giữa muôn ngàn khó khăn như vậy, chàng trai sinh năm 1991 vẫn tiếp tục thực hiện công việc thiện nguyện của mình. Theo anh dù việc gom nhặt rác thải nhựa trên biển để phục vụ cho hoạt động thiện nguyện dù chiếm thời gian, không gian của tàu nhưng cứ nghĩ đến chuyện các em học sinh, các tổ chức đoàn thể phải đi dọn dẹp rác thải nhựa trôi vào bờ trong vào dịp cuối tuần là anh lại không thể dừng lại.

Bằng khen của Đoàn thanh niên trao tặng cho những hoạt động thiện nguyện mà anh Cường thực hiện.

Theo anh Cường, rác thải nhựa phải hàng trăm, hàng nghìn năm mới phân hủy hết được nếu ngư dân các tỉnh cứ xả rác ra biển thì liệu có tôm, cá nào sống được. Mình không làm sợ đời sau không có cá, tôm để mà đánh bắt nữa.

“Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục những hoạt động của mình, mong muốn trang bị thùng rác cho các tàu cá, kêu gọi các tàu cùng tham gia nhặt rác để phục vụ hoạt động thiện nguyện tại địa phương và hướng đến mục đích làm cho biển xanh và sạch hơn”, Bí thư chi đoàn Tổ dân phố Tân Bình nhấn mạnh.

Sau những chuyến ra khơi bám biển, lúc trở về trên tàu của anh lúc nào cũng chở đầy rác.

Trao đổi với PV, ông Lê Hoành Thành - Bí thư Đoàn thanh niên thị trấn Thuận An cho biết, Cường là một tấm gương sáng trong hoạt động thiện nguyện tại địa phương, đáng được tuyên dương. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền, nhân rộng mô hình, việc làm này đến với các chủ tàu các khác trên địa bàn.

Với sự quan tâm, chỉ đạo của Chi bộ, của chính quyền địa phương và với sự chung tay của những tấm lòng thiện nguyện như anh Cường, Đoàn thanh niên thị trấn Thuận An đã thành lập được quỹ học bổng “Vì đàn em thân yêu” nhằm khuyến khích, động viên các em học sinh trên địa bàn.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/su-that-ve-con-tau-ban-cua-cuong-rac-d161920.html