Sự thật về cái gọi là 'Nhà nước Khmer Krom'

Bất chấp sự thật lịch sử về vùng đất Tây Nam bộ mà đồng bào Khmer đang sinh sống là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay, thế lực thù địch, phản động đang đeo đuổi, làm rộ lên vấn đề Khmer Krom, vu cáo Việt Nam 'cướp đất' Campuchia, xuyên tạc trắng trợn chính sách của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề dân tộc, nhất là những vấn đề liên quan đến đồng bào dân tộc Khmer. Gắn liền với âm mưu và những hành động đó là sự ra đời của tổ chức phản động Khmer Krom phản động.

Cờ, biểu tượng “Nhà nước Khmer Krom” của tổ chức phản động lưu vong. Ảnh: Lê Xuân Trình

Thời gian gần đây, Tổ chức “Liên đoàn Khmers Kampuchea Krom - KKK - KKF” (Mỹ) triệt để lợi dụng việc tham gia các “diễn đàn” quốc tế, tiếp xúc các chính khách gia tăng các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo chống phá Việt Nam.

Chúng đã cử phái đoàn tham gia “Diễn đàn thường trực Liên hợp quốc về các vấn đề dân tộc bản địa (UNPFII) lần thứ 14”, “Diễn đàn nhân dân ASEAN 2015” AFP, tiếp xúc chính khách Mỹ về vấn đề tự do tôn giáo, tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam, bắt và xử lý số đối tượng vi phạm pháp luật ở trong nước là vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp sư sãi; yêu cầu Việt Nam, Campuchia chấm dứt phân biệt đối xử với người “Khmer Krom”; đề nghị Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các nước thành viên ASEAN can thiệp; yêu cầu thành lập Văn phòng nhân quyền bảo vệ quyền lợi cho người “Khmer Krom” tại Việt Nam.

KKF đã nộp đơn xin hưởng quy chế tư vấn của “Hội đồng kinh tế - xã hội Liên hợp quốc” (ECOSOC); tổ chức tụ tập nhiều người đến trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ đề nghị cử giám sát viên theo dõi nhân quyền tại Việt Nam; củng cố tổ chức, bầu Ban Chấp hành Hội sư sãi KKK tại Bắc Mỹ (nhiệm kỳ 2015-2020).

Sau khi cách chức Chủ tịch điều hành đối với Thạch Ngọc Thạch, KKF bổ nhiệm mới hàng loạt nhân sự cầm đầu các chi nhánh tại Mỹ, Australia, New Zealand; đề ra phương hướng hoạt động năm 2018, tập trung đào tạo những người trẻ, lôi kéo người dân tộc Khmer tham gia, cấp thẻ thành viên KKF, vận động các nước gây sức ép với Việt Nam về vấn đề “Khmer Krom”.

Tại Campuchia, đảng Cứu quốc Campuchia - CNRP sau khi bị giải thể (ngày 16-11-2017), số lãnh đạo lưu vong của đảng này ở nước ngoài chống đối quyết liệt hơn. Chúng thành lập “Phong trào cứu quốc Campuchia - CNRM” tại Mỹ (tháng 1-2018) để tiếp tục đấu tranh vì nền “dân chủ” Campuchia, khẳng định CNRP là đảng đối lập duy nhất đối trọng với đảng Nhân dân Campuchia CPP, nếu không có CNRP tham gia thì cuộc bầu cử là không dân chủ, kêu gọi người dân Campuchia tẩy chay bầu cử Quốc hội Campuchia khóa VI (ngày 29-7-2018).

Được sự dung túng của đảng Cứu quốc (CNRP), các đối tượng phản động người Khmer lưu vong tiếp tục lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền tiến hành nhiều hoạt động chống phá Việt Nam. Chúng đã tổ chức hội thảo “Nâng cao nhận thức và sự tham gia giải quyết vấn đề Khmer Krom” để xuyên tạc, vu cáo Việt Nam “xâm phạm” quyền tự do tín ngưỡng, phong tục tập quán, không tôn trọng sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer; thống nhất bố trí nhân sự lãnh đạo điều hành chùa Samaki Reangsay (thành phố Phnôm Pênh) thành nơi tập trung các hoạt động chống đối; trao học bổng cho số tăng sinh (do “Liên minh tăng sinh sinh viên KKK” tuyển chọn) đưa sang Thái Lan “tu học” nhằm đào tạo, huấn luyện phục vụ mục tiêu chống phá Việt Nam lâu dài.

Tổ chức “Liên minh sinh viên trí thức Campuchia” đưa hàng trăm người có các hội nhóm, đảng phái đối lập với đảng Nhân dân Campuchia - CPP khảo sát, phỏng vấn người dân sát cột mốc biên giới với Việt Nam mục đích tìm chứng cứ phản đối Việt Nam lấn chiếm đất đai, đưa vấn đề này ra diễn đàn Quốc hội Campuchia.

CNRP kích động nhân dân tham gia các cuộc biểu tình xuyên tạc Campuchia “cắt đất” cho Việt Nam, vu cáo Thủ tướng Hun Sen “bán đất” cho Việt Nam, chính quyền Việt Nam ngăn cản không cho người Campuchia canh tác trên phần đất của mình. Chúng còn đề nghị Thủ tướng Hun Sen thảo luận với Việt Nam “2 vấn đề”: (1) Đấu tranh với Việt Nam về hành vi xâm phạm lãnh thổ, chủ quyền Campuchia, cho rằng Việt Nam làm đường, đào sông tại các khu vực biên giới lấn vào lãnh thổ Campuchia; (2) Giải pháp giải quyết tình trạng nhập cư trái phép vào Campuchia, tiếp tục đẩy đuổi người nhập cư Campuchia bất hợp pháp để đảm bảo an ninh chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Campuchia.

Đáng chú ý, sau khi Bộ Nội vụ Campuchia cho phép thành lập đảng Quyền lực Khmer - KPP tham gia tranh cử Quốc hội Campuchia khóa VI (tháng 7-2018), Sourn Serey Ratha (Chủ tịch đảng KPP) đã tổ chức buổi họp mặt tại bang California, Mỹ với 100 người ủng hộ. Tại đây, Sourn Serey Ratha tuyên bố: “Chỉ có đảng KPP nắm quyền điều hành, đất nước Campuchia mới có khả năng giành lại đất nước Khmer Kampuchia Krom từ chế độ Cộng sản Việt Nam”.

Trong nước, qua công tác truy xét, ta đã phát hiện, thu hàng ngàn tài liệu có nội dung xuyên tạc lịch sử vùng đất Nam bộ, cho rằng, đất Nam bộ là của người “Khmer Krom” bị Việt Nam xâm chiếm. Lợi dụng Tuyên ngôn về quyền của người bản địa của Liên hợp quốc, chúng xuyên tạc chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta đối với dân tộc Khmer; vu cáo, kích động gây chia rẽ quan hệ Việt Nam - Campuchia; ủng hộ hoạt động của Đảng CNRP; tuyên truyền, khuếch trương thanh thế cho KKF.

Lực lượng an ninh còn phát hiện hàng chục đối tượng bên ngoài thường xuyên tác động, chỉ đạo, tài trợ, hướng dẫn các phần tử cực đoan trong nội địa thu thập tin tức bí mật chuyển ra ngoài, lợi dụng các vụ việc phức tạp, nhạy cảm để xuyên tạc, vu cáo chính quyền đàn áp tôn giáo, dân tộc thiểu số, kích động quần chúng gây rối, biểu tình đòi ly khai, tự trị.

Ta đã phát hiện, làm rõ các đối tượng phản động ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu có hoạt động thu thập, cung cấp thông tin ra bên ngoài; trả lời phỏng vấn, đưa tin xuyên tạc, bịa đặt; tán phát tài liệu phản động, tuyên truyền tư tưởng ly khai, tự trị cho người Khmer Krom. Số này chủ yếu là tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer trẻ, thiếu tu dưỡng rèn luyện, thường xuyên vi phạm giáo luật, có tư tưởng hướng ngoại.

Nổi lên là vụ khiếu kiện tranh chấp đất tại chùa Mỹ Văn, chùa Rùm Sóc (Trà Vinh); vụ việc phức tạp liên quan đến việc một số chùa tại An Giang không nhận con dấu khắc không có chữ Pali; vụ việc liên quan đến tượng Phật cổ bị số đối tượng có tư tưởng cực đoan lợi dụng xuyên tạc “Việt Nam đã chiếm vùng đất Tây Nam bộ của người Khmer Krom, nay lại muốn chiếm luôn tượng Phật cổ của người Khmer”.

Vụ mâu thuẫn nội bộ Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu đã kéo dài nhiều năm do tranh giành quyền lợi, địa vị dẫn đến không tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, ý đồ của chúng loại số cao tăng tiến bộ ra khỏi Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, từng bước đòi tách Phật giáo Nam tông Khmer ra khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhiều đối tượng cộm cán “Liên đoàn KKK - KKF” tại Mỹ và các hội, nhóm KKK cực đoan tại Campuchia, Thái Lan nhập cảnh vào địa bàn Tây Nam bộ thu thập tin tức bí mật, móc nối cơ sở, tiếp tục lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền tiến hành các hoạt động chống phá Việt Nam.

Với các thủ đoạn tinh vi, KKF chủ trương sử dụng hình ảnh 3 màu: Xanh - vàng - đỏ (màu cờ của KKF) làm biểu tượng tuyên truyền, vận động, lôi kéo, móc nối với số phần tử thù địch, phản động trong nội địa với mục tiêu mặc định sự tồn tại của tổ chức KKF trong vùng dân tộc Khmer tiến tới đòi quyền “dân tộc tự quyết” cho người Khmer, lập “Nhà nước Khmer Krom”.

Lê Xuân Trình

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/su-that-ve-cai-goi-la-nha-nuoc-khmer-krom/