Sự thật về các 'câu thả thính' của dàn 'soái ca' Văn học Việt Nam

Hàng nghìn người chia sẻ bài tổng hợp các câu văn tình tứ, hay các bạn trẻ gọi là 'câu thả thính' của các nhà thơ, nhà văn Việt Nam xưa. Song bản gốc các câu thơ, câu văn này lại hoàn toàn khác.

Bài viết chế thơ/văn của Trần Bình Trọng được đông đảo cộng đồng mạng, trang tin điện tử chia sẻ

Bài viết chế thơ/văn của Trần Bình Trọng được đông đảo cộng đồng mạng, trang tin điện tử chia sẻ

Những ngày gần đây, một bài viết tổng hợp lại các câu thơ "tình" thời xưa của các nhà thơ, nhà văn lớn trong nền văn học Việt Nam được cư dân mạng chuyền tay nhau với tốc độ chóng mặt.

Bài viết "chế" nhiều câu thơ, câu văn về tình yêu của 10 nhà thơ, nhà văn lớn trong nền văn học Việt Nam như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Nam Cao, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng…

Chẳng hạn, bài viết liệt kê câu thơ được coi là của "ông trùm" thơ tình Xuân Diệu: "Nàng cả đời này sẽ mãi là người của ta, vì ta đã chôn nàng vào tim mình rồi". Của Huy Cận: "Nếu như hạnh phúc cũng có thể để dành giống như chiếc bánh mẹ cho ngày bé, để những lúc buồn đói lấy ra nhâm nhi, thì nhất định, anh sẽ để dành lại những ngày bên em".

Hay câu được cho là của Hàn Mặc Tử: "Đi khắp thế gian ta mới nhận ra chỉ có hai thứ dù đứng bất cứ đâu ta cũng có thể thấy. Ánh trăng và khuôn mặt em - người ta yêu", của Nguyễn Bính: "Nếu nói nỗi nhớ của anh nhiều như sao trên trời thì thật vô lý! Vì sao trời còn có ngày không mọc, nhưng anh thì không có đêm nào không nhớ về em", của Chế Lan Viên: "Ta nhớ nàng như đông về nhớ rét".

Bài viết xuất phát từ trang cá nhân Tr.Bình, rất nhanh được 13.000 like và 14.000 chia sẻ. 1 fanpage công khai về học sinh khác cũng copy lại. Chỉ sau 2 ngày, bài viết nhận được 29.000 like, 2.000 và gần 18.000 chia sẻ.

Một số trang báo, trang tin điện tử đăng lại nguyên văn bài viết này, dẫn đến nhiều bình luận tiêu cực về môn văn, như "Chỉ là một câu thả thính nhân ngày đẹp trời, tâm trạng phơi phới của các bậc tiền bối, ấy mà giờ đây vẫn chỉ câu nói ấy, nhưng thế hệ này phải trải ra 4 mặt giấy", hay "Chỉ là thơ tán gái mà khi phân tích phải đào đến tận xã hội thực tế bấy giờ, rồi ý nghĩa nhân văn và cả chục cái liên quan khác"...

Nhiều bạn đam mê văn học Việt Nam đã tìm ra những điểm nghi vấn của bài viết, và bức xúc khi biết bản gốc khác xa bản chế. Việt Hà Kikyou đưa bằng chứng: Câu trong bài thơ Anh đã giết em của của Xuân Diệu, lời không phải vậy. Bản gốc phải là: "Anh đã giết em, anh chôn em vào trái tim anh/ Từ đây anh không được yêu em ở trong sự thật".

Câu gốc của nhà văn Nam Cao: "Bọn trẻ con tưởng rằng, người ta có thể sống bằng tình yêu mà chẳng cần ăn. Hỡi những cô gái quê rất có thể đáng yêu nếu không đói cơm kia! Các cô đã dạy khôn Hàn. Bây giờ Hàn mới biết rằng, trước khi nghĩ đến việc đặt những cái hôn lên cái miệng hoa của người yêu, cũng nên nghĩ đến việc đổ cơm vào đấy đã" (Một câu chuyện Xuvơnia).

Tác phẩm của Huy Cận: "Anh mang thầm em trong hồn anh/ Như đứa trẻ thơ mãi để dành/ Chiếc bánh mẹ cho từ sáng sớm/ Anh chờ hạnh phúc những giờ xanh" (Anh mang thầm em).

Nguyễn Bính viết trong Đêm sao sáng: "Giời còn có bữa sao quên mọc / Anh chẳng đêm nào chẳng nhớ em". Nguyễn Đình Thi có câu: "Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt/ Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời/ Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực/ Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người" (Nhớ). Chế Lan Viên viết trong Tiếng hát con tàu: "Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét"…

Hà đánh giá: "Không cần phải chế lại như vậy, bản gốc cũng đủ "tình" rồi. Bản chế cần phải ghi là chế, đừng để mở ngoặc như trích dẫn, tội tác giả".

Người trong cuộc nhận sai, xin lỗi cộng đồng mạng

Trả lời Tuổi Trẻ Online, chủ nhân bản chế, bạn Tr. (1997, TP.HCM) thừa nhận viết bài này chỉ để giải trí, dù thực lòng "làm một cái gì đó khiến các bạn trẻ có cảm hứng học môn văn hơn".

"Ban đầu em đã sai khi dùng dấu ngoặc kép, làm nhiều người hiểu nhầm là em dẫn lời trực tiếp của tác giả. Thực tế em có sửa lời tác giả, nhưng về tinh thần và ý nghĩa vẫn giữ nguyên. Một số page, trang tin điện tử đã copy bài viết bị sai của em, làm nhiều người hiểu lầm là bài viết xuyên tạc tác giả, thêm thắt bậy bạ.

Bài viết lan truyền quá nhanh, em không kiểm soát được. Nhưng em xin nhấn mạnh là bài viết chỉ mang tính giải trí, tăng sự quan tâm và thu hút của các bạn trẻ với văn học nước nhà thôi ạ!", Tr. nói.

Chia sẻ thêm về lý do "chế" lại bản gốc, Tr. cho biết: "Lời văn gốc của các tác giả vốn dĩ rất hay, rất lãng mạn. Em thấy một số bạn có ấn tượng không tốt với những bài phân tích dài ngoằng và những bài giảng buồn chán trên lớp. Em làm như vậy không phải để chê bai, hay nói là thơ văn nước nhà chưa đủ lãng mạn, mà chỉ như là một cách để tạo sự hứng khởi để các bạn hứng thú hơn trong việc đọc và học các tác phẩm văn học nước nhà".

Tr. cũng rất hối hận về hành động này, và gửi lời xin lỗi: "Mình đã sai. Mình rất xin lỗi mọi người. Mình sẽ rút kinh nghiệm và cẩn thận hơn khi viết bài. Mạng xã hội đúng là con dao hai lưỡi, không có chỗ cho sự sai sót", Tr. nói.

Theo Tuổi trẻ

Từ khóa: thả thính cực chất các câu văn tình tứ câu thả thính của nhà thơ nhà văn Việt Nam thơ tình xuân diệu thơ hàn mặc tử thơ chế lan viên

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/su-that-ve-cac-cau-tha-thinh-cua-dan-soai-ca-van-hoc-viet-nam-post291390.info