Sự thật về bộ môn võ công khiến Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn điên loạn, giang hồ chỉ có một người luyện thành

Tạ Tốn chỉ là một vai phụ trong Ỷ thiên đồ long ký, nhưng là người võ công rất cao cường, song lại nuôi trong mình một nỗi đau khủng khiếp và làm những việc làm kinh thiên động địa.

Trong Ỷ thiên đồ long ký, cố nhà văn Kim Dung miêu tả, Tạ Tốn là người văn võ toàn tài. Không chỉ là một trong tứ đại hộ pháp Tử - Bạch - Kim - Thanh (Tử Sam Long Vương, Bạch Mi Ưng Vương, Kim Mao Sư Vương và Thanh Dực Bức Vương), Tạ Tốn còn tinh thông văn chương, kinh sử không thua kém gì một bậc đại khoa.

Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn.

Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn.

Điểm yếu duy nhất của ông là sự nóng nảy, cũng như tình nghĩa sâu đậm hơn người. Chính bởi điều này, ông đã trở thành nạn nhân của mưu kế trả thù hèn hạ và thâm độc bậc nhất dưới tay chính sư phụ.

Căm thù Minh Giáo và giáo chủ Dương Đỉnh Thiên vì đã cướp đi vị hôn thê của y, Thành Côn lập thệ sẽ san bằng Minh giáo để trả thù. Y nhắm tới Tạ Tốn để làm công cụ báo thù, bởi không những Tạ Tốn có vị trí rất cao trong giáo phái mà còn có võ công thượng thừa, suy nghĩ lại nóng nảy và có phần hung dữ.

Y bày trò hãm hiếp vợ Tạ Tốn, giết hại cả gia đình ông và để cho Tạ Tốn sống dở, chết dở chứng kiến mọi điều kinh khủng đó. Y đã thành công. Một Tạ Tốn văn nhã tài hoa, tiêu diêu khí khái không còn trên đời nữa. Chỉ còn một Sư Vương khát máu, luôn hừng hực cháy trong lòng ngọn lửa hận thù vô độ đã được ra đời...

Trong truyện, Tạ Tốn có thể coi như kẻ giết người hàng loạt, chẳng cần lý do, bởi theo chính ông suy nghĩ: Vợ con ta đã gây tội lỗi gì, tại sao vẫn phải chết thảm? Cái suy nghĩ điên loạn và đau đớn ấy khiến Tạ Tốn không chùn tay khi giết người và sau mỗi lần gây án, ông luôn để lại một dòng chữ: Hỗn Nguyên Phích Lịch Thủ Thành Côn làm. Phương thức ấu trĩ và đau đớn ấy là cách duy nhất ông có thể làm để tìm ra Thành Côn, bởi sau khi hãm hại cả nhà ông, y đã biến mất tăm mất tích không dấu vết.

Trương Quốc Lập là Thành Côn kinh điển nhất mọi thời đại.

Cách Tạ Tốn giết người cũng khiến người ta phải nhìn khác đi về ông. Trong lần đại hiển thần uy chiếm lấy Đồ Long Đao, Tạ Tốn quyết tâm giết tất cả những ai có mặt để bịt đầu mối về thanh thần binh có khả năng hiệu triệu thiên hạ này.

Nhưng dù võ công hơn xa tất thảy mọi kẻ có mặt tại đó, Tạ Tốn vẫn đồng ý tỉ thí bằng những phương pháp công bình nhất. Đối với những kẻ hải tặc thông thạo thủy tính, Tạ Tốn vẫn dám thi nhịn thở để đấu cùng. Đối với đám khấu tặc chuyên buôn muối lậu, Tạ Tốn không ngại ngần nuốt luôn thứ muối độc lợi hại mà chúng thường dùng để giết người. Không chỉ thể hiện một thân võ công, bản lĩnh thượng thừa, Tạ Tốn còn thể hiện thêm cả nét tính cách đặc thù trong đó. Không cậy sức ép kẻ yếu, luôn chiến đấu một cách quân tử nhất và đặc biệt, không bao giờ nói mà lại nuốt lời!

Chính nhờ sự quân tử của Tạ Tốn mà Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố đã không bị giết. Thua Thúy Sơn về bút pháp lồng trong kiếm pháp, Tạ Tốn giữ lời không giết họ, mà chỉ mang theo đi tới tận chân trời, góc bể để nghiên cứu bí mật của bảo đao Đồ Long. Chính nhờ vậy, đôi thần tiên quyến lữ ấy đã có những năm tháng như mơ trên tòa Băng Hỏa Đảo, cách xa những oán cừu, thù hận chốn giang hồ.

Trên hòn đảo nhỏ ấy, dù thiếu thốn đủ mọi bề, nhưng Tạ Tốn lại hoàn toàn hạnh phúc. Không còn những hận thù canh cánh, không còn những nỗi lo lắng bộn bề, chỉ có những người thân thương bên cạnh và cả một đứa con nuôi Vô Kỵ - trùng tên với đứa con trai đã chết dưới tay kẻ thủ ác Thành Côn.

Nhưng bi kịch của Tạ Tốn không dừng lại ở đó. Thanh bảo đao Đồ Long ông mang theo trên người lại khiến không biết bao nhiêu kẻ dòm ngó. Tới cả người từng một thời thân thiết, tình nghĩa với ông như Tử Sam Long Vương cũng bị sự cám dỗ làm cho mờ mắt. Vô số những âm mưu ngụy kế lại một lần nữa bày ra trước mắt con hùng sư đã mù lòa. Để rồi lại thêm một lần nữa, Tạ Tốn lại phải bước chân vào thế giới của đao kiếm, cạm bẫy giang hồ.

Cuối cùng Tạ Tốn cũng về Trung thổ. Do mù lòa, ông bị những kẻ thù xưa lập mưu bắt lại và nhốt vào trong một mật thất ở chùa Thiếu Lâm. Trương Vô Kỵ phải vượt qua rất nhiều gian khổ để giải cứu cho ông.

Trương Vô Kỵ và Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn.

Ở trong những chương cuối, Tạ Tốn được Vô Kỵ và Chu Chỉ Nhược giải thoát. Trong đám quần hùng, ông phát hiện ra kẻ thù xưa là Thành Côn, nay đã thành hòa thượng Viên Chân. Hai người đánh nhau một trận long trời lở đất, nửa chừng Thành Côn bị Tạ Tốn đâm mù mắt, trước mặt chỉ còn con đường chết. Song giữa phút giây đó, Tạ Tốn bỗng nhớ lại những tháng ngày chìm nổi của mình, thấy việc oán thù trên đời này thật là vô nghĩa, nếu giết Thành Côn cũng chẳng đủ để xóa hết những nỗi đau kia, thế là ông tha thứ cho Thành Côn. Nghĩ lại những việc ác của mình, lòng ông tràn đầy hối hận, tự phế võ công, xuôi tay chịu để người khác trả thù để chuộc tội với thiên hạ song Độ Ách đại sư, một thiền sư đắc đạo đã cảm hóa và thu nhận ông làm đồ đệ.

Từ đó, Tạ Tốn quy y cửa Phật, chấm dứt một quãng đời đầy những cơn cuồng nộ mà không có lối thoát.

Thất Thương Quyền môn võ công không phải ai cũng dám luyện

Bối cảnh giang hồ trong truyện kiếm hiệp Kim Dung luôn luôn có những bộ tuyệt học võ công uy lực mạnh mẽ, có thể khuynh đảo thiên hạ. Tuy nhiên vì chứa quá nhiều yêu cầu quái dị đối với người luyện nên dù có duyên kỳ ngộ cũng chẳng mấy ai dám học.

Thất Thương Quyền là môn quyền pháp trấn sơn của Phái Không Động, nổi tiếng cùng với nhân vật Tạ Tốn trong Ỷ thiên đồ long ký.

Tạ Tốn đoạt Đồ Long đao tàn sát võ lâm.

Theo truyện của Kim Dung, chiêu này đánh vào thân cây trông thì không thấy gì, song một lát sau lá cây héo dần, vì bên trong các thớ gỗ đã bị rã rời, người bình thường chỉ đẩy nhẹ thôi cũng ngã.

Đặc điểm của Thất Thương Quyền là bên trong một thế quyền bao hàm bẩy loại kình lực khác nhau không loại nào giống loại nào.Quyền lực trong cương có nhu, trong nhu có cương, thu vào nhả ra, lúc mạnh lúc yếu, huyễn ảo trăm chiều, địch thủ khó mà đề phòng chống đỡ.

Tuy nhiên môn quyền pháp này đòi hỏi người luyện, khi bắt đầu luyện phải có một nội lực cao cường thì mới có thể dẫn khí đến mọi huyệt đạo, thu phát tùy tâm tùy ý. Nếu nội công chưa đủ khi luyện sẽ hại đến chính bản thân người luyện. Luyện Thất Thương Quyền cao hơn một mức, thì chính nội tạng trong cơ thể mình lại bị tổn hại thêm một mức. Một lần luyện bảy lần tổn thương.

Môn quyền thuật này được Tạ Tốn làm nổi danh giang hồ sau khi đánh cắp và tu luyện. Nhưng Tạ Tốn vì nóng lòng trả thù đã vội vàng luyện Thất Thương Quyền nên tâm mạch bị tổn thương, thỉnh thoảng sẽ nổi điên không nhận ra người quen. Vì vậy ngay phái Không Động cũng rất ít người dám luyện, trong phái Không Động duy chỉ có tổ sư là Mộc Linh Tử luyện thành mà danh trấn thiên hạ. Trương Vô Kỵ do cơ duyên tu luyện thành Cửu Dương Thần Công nên có một thân công lực thâm hậu, vận dụng uy lực Thất Thương Quyền đạt tới mức cảnh giới cực kỳ cao thâm.

Theo Quốc Tiệp/Người Đưa Tin

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/su-that-ve-bo-mon-vo-cong-khien-kim-mao-su-vuong-ta-ton-dien-loan-giang-ho-chi-co-mot-nguoi-luyen-thanh/20190819091012236