Sự thật về 'bảng chữ cái' mới trên báo điện tử Hòa Bình

Mấy ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền đường link trên báo Hòa Bình điện tử với phông chữ khá kỳ quặc, không ai có thể đọc được. Phần lớn các ý kiến tỏ vẻ ngạc nhiên hoặc liên hệ với bảng chữ cái mới của Giáo sư Bùi Hiền để chế giễu. Vậy sự thật trong câu chuyện này là gì?

Manchette báo Hòa Bình điện tử được thể hiện bằng phông chữ lạ

Manchette báo Hòa Bình điện tử được thể hiện bằng phông chữ lạ

Một bài báo trên báo Hòa Bình điện tử tại địa chỉ http://baohoabinh.com.vn/mu/ được dẫn ra cho thấy, các phông chữ hiển thị theo cách hoàn toàn khác với tiếng Việt. mặc dù đều là các ký tự La tinh nhưng hoàn toàn không đọc được. Nhiều ý kiến cho rằng, báo Hòa Bình đã công khai áp dụng bảng chữ cái tiếng Việt mới của Giáo sư Bùi Hiền được công bố cách đây ít lâu.

Ví dụ, trên trang báo Hòa Bình điện tử hiển thị các ký tự sau “Thư̠c hiê̠n thẳng lơ̠i Ngi̠ kwiết Da̠i hô̠i Dáng to̒n kuốc lâ̒n thử XII. Thư̠c hiê̠n thẳng lơ̠i Ngi̠ kwiết Da̠i hô̠i Dáng bô̠ tính lâ̒n thử XVI nhiê̠m ki̒ 2015 - 2020”. Hiển nhiên là các dòng ký tự này hoàn toàn không thể được đọc theo cách thông thường và cực kỳ vô nghĩa.

Ngay lập tức, một làn sóng chế giễu báo Hòa Bình lại bắt đầu sôi động trên mạng xã hội như cách nhiều người từng chế giễu Giáo sư Bùi Hiền này. Thậm chí có ý kiến còn công khai nói rằng, báo Hòa Bình đã tiên phong trong việc sử dụng bảng chữ cái mới để dần dần tiến tới cải cách chữ Việt.

Rất tiếc, trong sự việc này, thêm một lần nữa, nhiều người đã trở thành những “con cừu” trên mạng xã hội khi không đọc cho kỹ và tìm hiểu tường tận thông tin.

Các ký tự kỳ lạ trên báo Hòa Bình điện tử. Ảnh chụp màn hình.

Báo Hòa Bình điện tử hiện tại có ba phiên bản ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Mường. Việc triển khai ngôn ngữ bằng tiếng Mường ở tờ báo này rất dễ hiểu bởi lẽ, Hòa Bình từ lâu đã là thủ phủ của người Mường (tỷ lệ người Mường tại tỉnh này là 63,3%).

Đây là vùng đất trù phú, giàu văn hóa, người Mường ở đây có lịch sử lâu đời, cộng đồng người Mường ở Hòa Bình nói riêng và các dân tộc anh em cả nước luôn tự hào với “Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động”.

Một tờ báo lớn của tỉnh Hòa Bình có phiên bản tiếng Mường là điều tất yếu, vừa là gìn giữ bản sắc văn hóa bản địa, vừa góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới cộng đồng người Mường, và là kênh thông tin quan trọng để lãnh đạo địa phương lắng nghe những phản hồi từ đời sống của đông đảo nhân dân trong tỉnh.

Hướng dẫn chọn thực hiện khi phông chữ thể hiện chưa chính xác. Ảnh: V.H

Bản thân trong thiết kế điện tử của báo Hòa Bình cũng có các lựa chọn về ngôn ngữ và ghi rất rõ: “Để khắc phục máy bạn không đọc được tiếng Mường (thấy ô vuông). Với máy cài Windows XP. Tải trình duyệt Chim Lạc, hoặc FireFox về cài vào máy tính. Với máy cài Windows 7 hoặc cao hơn hãy cập nhật trình duyệt mới nhất”.

Nếu thực hiện đúng, dòng ký tự “Thư̠c hiê̠n thẳng lơ̠i Ngi̠ kwiết Da̠i hô̠i Dáng to̒n kuốc lâ̒n thử XII. Thư̠c hiê̠n thẳng lơ̠i Ngi̠ kwiết Da̠i hô̠i Dáng bô̠ tính lâ̒n thử XVI nhiê̠m ki̒ 2015 - 2020” có ý nghĩa là “Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015-2020”.

Tuy nhiên, những “con cừu của mạng xã hội” thì hoàn toàn không chú ý tới những điều này.

Dù vô tình hay hữu ý, việc phát tán thông tin trên, có gán ghép với bảng chữ cái cải tiến của Giáo sư Bùi Hiền để chế giễu, có nhận định mang hàm ý tiêu cực là việc không thể chấp nhận được. Điều này vừa làm hỏng dụng ý tốt đẹp của tập thể ban biên tập, cán bộ, phóng viên báo Hòa Bình, vừa cố ý phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Đây là một hành vi phản văn hóa, cần thiết phải làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tử Hưng

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/giao-duc/su-that-ve-bang-chu-cai-moi-tren-bao-dien-tu-hoa-binh-33780