Sự thật trang trại lợn xả thải vào nhà máy sông Đà

Ông Lê cho rằng, điểm xả thải của trại lợn Japfa Dũng Huyền ra sông Đà nằm phía hạ nguồn, còn điểm lấy nước của nhà máy nằm phía thượng nguồn.

Sự cố nước sông Đà nhiễm dầu thải làm ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người dân Hà Nội. Đặc biệt khi xảy ra sự cố này, người dân lại xôn xao về hồ chứa nhà máy nước sông Đà nhiễm cả chất thải của một trang trại lợn lớn.

Theo đó, trại lợn Japfa Dũng Huyền mà dư luận phản ánh nằm trên một quả đồi tại xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, hiện được chuyển nhượng cho chủ mới là ông Lê Xuân Hoàng (Hà Nội).

Ngày 18/10, trao đổi với báo Đất Việt, ông Nguyễn Trọng Lê, Chủ tịch UBND xã Phú Minh (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) khẳng định hoàn toàn không có chuyện nước thải của trang trại lợn Japfa Dũng Huyền chảy vào hồ chứa nhà máy nước sông Đà.

Tran trại lợn bị tố xả thải thẳng xuống hồ cấp cho Nhà máy nước sông Đà. Ảnh: TNO

Tran trại lợn bị tố xả thải thẳng xuống hồ cấp cho Nhà máy nước sông Đà. Ảnh: TNO

Theo ông Lê, sau khi trang trại xử lý chất thải bằng các biện pháp lắng, lọc, nguồn nước thải sẽ chảy qua xóm Bu Chằm – xóm Cuốc – Xóm Tân Lập (xã Hợp Thịnh) và sau đó đổ ra sông Đà.

"Trang trại lợn Japfa Dũng Huyền nằm ở quả đồi bên này nên không có một đường nào có thể xả chất thải vào hồ chứa nhà máy sông Đà.

Điểm xả ra sông Đà nằm phía hạ nguồn, còn điểm lấy nước của nhà máy nằm phía thượng nguồn, cách nhau khoảng 4km. Hơn nữa, những chất thải của trang trại lợn đã qua hệ thống xử lý xong mới được phép xả ra môi trường, ra suối", ông Lê nói.

Cũng theo ông Lê, trước khi cấp phép thành lập trang trại, chính quyền địa phương đã phối hợp với Sở TN-MT tỉnh Hòa Bình, Phòng TN-MT huyện Kỳ Sơn đánh giá tác động môi trường kỹ lưỡng.

Sau đó các đơn vị này mới cấp phép cho trang trại hoạt động, nên không có chuyện trang trại gây ảnh hưởng tới nguồn nước của Nhà máy nước sông Đà.

Nói về việc này, đại diện trại lợn Japfa Dũng Huyền cho rằng, để được phép hoạt động, trang trại đã đăng ký điểm xả thải và được UBND tỉnh, Sở TN-MT Hòa Bình phê duyệt.

"Nguồn thải của trang trại không liên quan tới hồ Đồng Bài cũng như Nhà máy nước sông Đà. Điểm xả thải phải đăng ký với tỉnh chứ không phải thích xả đâu thì xả, và trước khi xả chúng tôi phải xử lý bởi nhiều quy trình.

Nếu như đường xả thải vào nhà máy nước sạch thì chắc chắn tỉnh đã không đồng ý cho chúng tôi làm trang trại ở đây rồi nên tôi khẳng định nước thải của trang trại lợn không hề ảnh hưởng đến nguồn nước của nhà máy nước sạch. Mọi quy trình xả thải chúng tôi đều làm theo đúng trình tự", đại diện trại lợn Japfa Dũng Huyền nói.

Trong khi đó, cùng ngày, đại diện xóm Bu Chằm cho rằng, mặc dù nước thải của trang trại lợn không chảy vào nhà máy nước sạch sông Đà nhưng vẫn chảy ra kênh rạch, đổ ra sông Đà.

Hơn nữa, do trang trại quá lớn nên nước thải ngày nào cũng nhiều, gây ô nhiễm môi trường khiến bà con xóm Bu Chằm không thể trồng lúa và sử dụng nguồn nước ở đó.

Đoạn nước thải của trại lợn chảy qua xóm Bu Chằm. Ảnh: Lao động

"Từ ngày có trang trại lợn này, dòng suối đó bị ô nhiễm nặng,cánh đồng bên dưới khoảng hơn 2 héc ta là không cấy được nữa do nước phân thải ra rất đặc. Mỗi lần bà con lội nước là chân tay ngứa ngáy.

Diện tích đó giờ chỉ để trồng màu thôi nhưng do nước phân nhiều, cây, lá phát triển tốt nhưng lại không có hạt, năng suất rất kém", đại diện xóm Bu Chằm cho biết.

Theo đại diện xóm Bu Chằm, mặc dù nước xả thải của trang trại lợn đã qua hệ thống xử lý nhưng nước xả ra môi trường vẫn đen kịt và mùi rất khó chịu, ruồi muỗi nhiều.

"Chỉ cần trời hơi mưa là trang trại lợn đó lại tranh thủ xả đen suối luôn. Trang trại lợn ở đây làm ảnh hưởng đến bà con địa phương rất nhiều", đại diện xóm Bu Chằm cho biết thêm.

Được biết trại lợn bị cư dân mạng “cáo buộc” xả thải xuống hồ Đồng Bài (hồ chứa nước của Nhà máy nước sông Đà) có quy mô 1.200 con lợn nái.

Theo tìm hiểu, nước thải từ trang trại theo quy trình được xử lý qua bể biogas, tiếp tục qua hai bể lắng, cuối cùng nước thải chảy xuống suối đầu nguồn, chảy qua khu dân cư và đồng ruộng đang canh tác của nhân dân xã Phú Minh. Điều này gây nên những bức xúc cho người dân ở đây.

Trước đó, ngày 9/10, người dân các xã Phúc Tiến và Phú Minh (huyện Kỳ Sơn) phát hiện việc đổ trộm dầu thải trên đường liên xã Hợp Thịnh.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có váng dầu tại suối Bằng ở địa phương này. Tiếp tục rà soát ngược theo dòng suối, đơn vị thấy trên đường liên xã của xã Hợp Thịnh và xã Phúc Tiến có đổ dầu thải. Dầu thải này chảy tràn xuống suối Trầm.

Vào cuộc điều tra, lực lượng liên ngành tỉnh Hòa Bình xác định có 2,5 tấn dầu thải bị đổ trộm vào đầu nguồn nước của Nhà máy nước sông Đà.

Ngày 18/10, Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Chương Đại (25 tuổi, trú huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (33 tuổi, trú huyện Văn Quan, Lạng Sơn) để làm rõ vụ đổ trộm dầu thải ra đầu nguồn gây ô nhiễm nước dẫn vào Nhà máy nước sạch sông Đà.

Liên quan vụ án, lực lượng đang truy bắt Lý Đình Vũ (37 tuổi, ở cùng địa phương với Đại) để làm rõ vụ án.

Thu Hoài

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/su-that-trang-trai-lon-xa-thai-vao-nha-may-song-da-3389783/