Sự thật sốc khiến Mỹ tiếp tục mua Trophy

Việc Mỹ tiếp tục phải mua thêm hệ thống phòng vệ APS Trophy của Israel cho thấy Mỹ đã thất bại với chương trình APS nội địa.

Thông tin Mỹ tiếp tục mua thêm Trophy được trang web Calcalist của Israel ngày 9/10 cho biết, nước này sẽ bán thêm cho quân đội Mỹ hệ thống Trophy bảo vệ các phương tiện bọc thép. Hợp đồng này trị giá 500 triệu USD.

Được biết, hồi tháng 6/2017, quân đội Mỹ đã đặt hàng nhiều hệ thống Trophy để bảo vệ các xe tăng Abrams, với giá trị hợp đồng khoảng 193 triệu USD, và hiện Mỹ dự kiến đặt hàng bổ sung do tăng thêm số xe tăng được bảo vệ.

Xe chiến đấu Mỹ thử nghiệm với Iron Curtain.

Xe chiến đấu Mỹ thử nghiệm với Iron Curtain.

Ngoài ra, nhà sản xuất Israel cũng đang cạnh tranh với các công ty khác để cung cấp cho quân đội Mỹ phiên bản Trophy loại nhẹ để trang bị trên các xe thiết giáp chở quân Bradley và Stryker.

Trước khi tiếp tục mua thêm Trophy, Mỹ đã nhiều lần thử nghiệm thành công hệ thống APS của riêng mình là Iron Curtain - sản phẩm do Tập đoàn Artis của Mỹ nghiên cứu phát triển, nó có một số điểm khác biệt so với Trophy của Israel và phù hợp hơn cho việc lắp đặt trên xe thiết giáp chở quân bánh lốp.

Tổ hợp APS này đã được Quân đội Mỹ triển khai thử nghiệm từ cách đây gần 10 năm, những kết quả thu về là rất khả quan. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì khiến Mỹ vẫn phải mua hệ thống tương tự Trophy - sản phẩm của Tập đoàn Israel Aerospace Industries (IAI).

Và việc Mỹ mua thêm Trophy khiến chính truyền thông Mỹ cho rằng, chương trình APS Iron Curtain đã chết yểu dù chúng hội tụ tất cả những tính năng của một hệ thống APS mẫu mực.

Đặc điểm nổi bật của Iron Curtain là nó sử dụng radar CrossCue hoạt động trên băng tần C, có khả năng phát hiện, phân loại và xác định chính xác quỹ đạo đạn rocket hay tên lửa chống tăng đối phương bắn tới.

Quá trình đánh chặn của Iron Curtain được tiến hành khi đầu đạn tiếp cận mục tiêu. Cụ thể, đạn đánh chặn được bố trí trên nóc xe sẽ đánh chụp trực tiếp vào đạn chống tăng bắn tới để giảm khả năng công phá hoặc phá hủy hoàn toàn nó.

Do biện pháp đánh chặn là dựng rào cản bằng áp lực thuốc nổ theo hướng từ trên xuống dưới và sát với mục tiêu cần bảo vệ, cho nên binh sĩ đứng ngay gần xe thiết giáp không hoặc khó bị tổn hại.

Nhà sản xuất tự tin tuyên bố ưu điểm của Iron Curtain nằm ở khả năng phòng thủ vòng tròn, trọng lượng nhẹ, bố trí đơn giản, có nhiều đạn, xác suất kích hoạt nhầm rất nhỏ và rẻ tiền. Nó tiêu diệt được cả tên lửa chống tăng sử dụng nhiều phương pháp tấn công khác nhau.

Xe thiết giáp chở quân M1126 Stryker đang phục vụ trong biên chế Quân đội Mỹ vốn có thế mạnh về độ cơ động cao, cung cấp tiện nghi cũng như độ an toàn cho binh sĩ trước hỏa lực chống tăng lẫn phương tiện nổ tự chế của đối phương.

Nếu phát triển thành công và trang bị thêm hệ thống phòng vệ chủ động nội địa Iron Curtain, những chiếc Stryker này càng trở nên lợi hại hơn, không quá lời khi cho rằng đây là chiếc taxi chiến trường tốt nhất thế giới thời điểm hiện tại.

Theo kế hoạch trang bị, cùng với xe chiến đấu Stryker, xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams, hệ thống Iron Curtain cũng sẽ được tích hợp trên xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley. Tuy nhiên, mọi kế hoạch của Mỹ với Iron Curtain chỉ dừng lại ở tuyên bố không hơn.

Clip Mỹ thử thành công Iron Curtain hồi năm 2008

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/su-that-soc-khien-my-tiep-tuc-mua-trophy-3367061/