Sự thật phía sau những video hướng dẫn thẩm mỹ triệu view trên Youtube

Những video chia sẻ kinh nghiệm hay hướng dẫn về phẫu thuật thẩm mỹ trên Youtube có thể không đáng tin như bạn tưởng.

Những video hướng dẫn phẫu thuật thẩm mỹ triệu view trên Youtube có thể không đáng tin như bạn nghĩ - Ảnh: Getty

Các video trên YouTube về thủ tục phẫu thuật thẩm mỹ đặc biệt thu hút hàng trăm triệu lượt xem từ nữ giới. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới được công bố cho thấy những thông tin này thường không chính xác.

Người xem thường nhận được những đánh giá thiên vị, che giấu các rủi ro và khoa trương những lợi ích của phẫu thuật thẩm mỹ. Ngoài ra, những beauty blogger có trình độ y khoa không rõ ràng nhưng chỉ cần gương mặt đẹp là đã có hàng triệu lượt theo dõi, các tác giả nghiên cứu của báo cáo JAMA Facial and Plastic Surgery cho biết.

"Khi trao đổi với một khách hàng về phẫu thuật nâng mũi, tôi thường xuyên nghe các cô gái kể lại những gì họ được xem trên Youtube nhưng đó hoàn toàn không phải quá trình diễn ra thủ thuật", tiến sĩ Boris Paskhover của Trường Y tế New Jersey ở Newark tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Tiến sỹ Paskhover và các đồng nghiệp đã đánh giá 240 video phổ biến nhất trên Youtube liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ, bao gồm cắt mí, tiêm chất làm căng da, phẫu thuật tai, sửa dáng cắm, bơm môi và nâng mũi.

Đối với mỗi video, các nhà nghiên cứu sẽ so sánh nội dung được beauty blogger trình bày với cơ sở dữ liệu của Cơ quan Y tế Đặc biệt của Mỹ. Các video cũng sẽ được phân loại theo nhóm đối tượng sản xuất bao gồm chuyên gia y tế, bệnh nhân hoặc bên thứ ba.

Một số tiêu chí đánh giá khác bao gốm thông tin sức khỏe của đối tượng, nguồn gốc thông tin, thái độ mô tả và các nguồn tin tham khảo. Trên thang điểm 1-5, các video có điểm trung bình chỉ ở mức 2,21.

Tiến sĩ Philip Miller của Viện phẫu thuật thẩm mỹ Gotham ở thành phố New York cho biết: “Tôi luôn nói với khách hàng của mình rằng chỉ 50% những gì có trên YouTube là chính xác và chúng hoàn toàn không liên quan đến sức khỏe cũng như gương mặt của bạn”.

"Bằng mọi cách, hãy tự nâng cao hiểu biết bản thân trước khi đưa ra quyết định thông qua sách báo, các nghiên cứu chính thống", ông nói với Reuters trên điện thoại. "Khi bạn thực hiện thủ thuật, người duy nhất có thể tư vấn và hướng dẫn cho bạn chính là bác sỹ".

Không chỉ phẫu thuật thẩm mỹ, nhiều thông tin sai lệch trong các chuyên ngành y tế khác cũng được lan truyền trên Youtube. Trong một nghiên cứu năm 2017, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các video YouTube quảng cáo về thuật bức xạ điều trị ung thư cũng có số lượt xem khá lớn.

Tiến sĩ Arpan Prabhu thuộc Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh ở Pennsylvania cho biết: “Nhiều người dùng thích xem các video trực tuyến như vậy hơn là đọc một cuốn sách hay tạp chí chuyên ngành có kiểm duyệt nội dung chính xác. Tôi hy vọng những thông tin về y tế nên được xem xét kỹ càng hơn trong tương lai”.

Nhìn chung, hầu hết các video về phẫu thuật thẩm mỹ không bao gồm các thông tin được xác thực bởi các chuyên gia y tế.

"Thông tin liên quan đến sức khỏe trên các website trực tuyến phần lớn không được kiểm duyệt và người dùng lại không mấy chú ý đến điều này. Ngược lại, họ đặc biệt tin vào những thứ được gọi là kinh nghiệm của người khác", Tiến sĩ Trevor Kwok thuộc Đại học New South Wales ở Sydney cho biết.

Thu Phương (Theo CNN)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/su-that-phia-sau-nhung-video-huong-dan-tham-my-trieu-view-tren-youtube-a242023.html