Sự thật phía sau kiến nghị của cử tri tại tỉnh Quảng Bình

Tại kỳ họp thứ 5 HDND của tỉnh Quảng Bình Khóa XVII, cử tri kiến nghị cho rằng chủ dự án đã đền bù cho nhà ông Trần Xem khi thực hiện Dự án kè Kênh Kịa tại thị xã Ba Đồn nhưng gia đình ông Xem vẫn không di dời mà tiếp tục lấn chiếm; việc xây dựng 10 bậc thang cho người đi bộ.... Tuy nhiên, khi đến xác minh tại các ban, ngành thì kết quả hoàn toàn ngược lại.

Ông Nguyễn Văn Ninh, Trưởng phòng quản lý đô thị thị xã Ba Đồn trả lời báo chí. Ảnh: Cao Cường

Ông Nguyễn Văn Ninh, Trưởng phòng quản lý đô thị thị xã Ba Đồn trả lời báo chí. Ảnh: Cao Cường

Sau khi có ý kiến của cử tri nêu về vụ việc trên, chúng tôi đã nhanh chóng vào cuộc làm việc với một số ban, ngành, cơ quan chức năng thì thấy sự việc không đúng như cử tri Nguyễn Đức Luyên ở xã Quảng Thọ nêu.

Cụ thể, theo kế hoạch của Dự án đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở bờ sông Kênh Kịa ngày 22/3/2013, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Công văn số 296/UBND-KTTH xin chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở cấp bách đoạn từ cầu Kênh Kịa đến chợ cũ Sông Danh. Trước khi dự án đi vào hoạt động, có một số hộ dân ở khu vực ven sông Kênh Kịa ảnh hưởng buộc phải đền bù giải tỏa trong đó có nhà ông Trần Xem ở tổ dân phố Thủy Sơn, phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn.
Theo Báo cáo số 01/BC-TXM tổ xác minh liên ngành ngày 19/01/2018 của UBND thị xã Ba Đồn đã đưa ra kết luận như sau: “Trên cơ sở các quy định của pháp luật, các văn bản, hồ sơ, tài liệu… tổng diện tích của hộ ông Trần Xem sử dụng trước khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi là 1.454,7m2. Tổng diện tích thu hồi của ông Xem là 288,3m2 và diện tích còn thiếu chưa bồi thường của ông Xem là 168,2 m2. Như vậy, tổng diện tích đất của ông Xem sau khi trừ diện tích đã bồi thường và chưa bồi thường là 998,2m2, cho đến nay Ban bồi thường giải phóng mặt bằng còn thiếu của ông Xem 168,2m2 đất và tài sản trên đất.

Ông Lê Tuấn Anh, Trưởng Phòng kế hoạch kỹ thuật Công ty TNHH tư vấn đầu tư xây dựng Hà Nội – Quảng Bình. Ảnh: Cao Cường

Năm 2015, ông Xem làm tờ trình mua thêm 101,9m2 đất ở phía Đông còn bỏ trống sát nhà ông tại thửa đất số 111, tờ bản đồ số 18. Ngày 14/07/2015, UBND thị xã Ba Đồn ban hành Quyết định số 1341 giao đất bổ sung cho hộ ông Trần Xem tại phường Quảng Long với diện tích 101,9m2 đất ở và tổng số tiền ông Xem phải nộp vào ngân sách Nhà nước ngày 04/08/2015 là 404.517.500 đồng. Như vậy việc cử tri cho rằng nhà ông Trần Xem không thực hiện di dời, tiếp tục lấn chiếm đất công là hoàn toàn không có cơ sở.

Còn về việc ý kiến xây 10 bậc thang cho người đi bộ thì ngày 07/07/2014, UBND tỉnh Quảng Bình có Quyết định số 1768 về việc Dự án đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở bờ sông Kênh Kịa, chủ đầu tư là UBND huyện Quảng Trạch. Ngày 16/01/2015, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Quyết định về việc phê duyệt Thiết kế bản vẽ thi công – Dự toán xây dựng công trình kè chống sạt lở khu vực cầu Kênh Kịa thị xã Ba Đồn.

10 bậc thang được thiết kế chỉ dành cho người đi bộ nhằm nghiêm cấm các phương tiện tham gia giao thông vì đâm thẳng ngay trên mố cầu Kênh Kịa thuộc Quốc lộ 12. Ảnh: Cao Cường

Sau khi dự án được hoàn thành, hai bên bờ sông Kênh Kịa nằm ở khu vực phường Quảng Long trở thành địa điểm thoáng mát và khu vui chơi giải trí, nhà hàng. Tại sao ở phía Đông đầu cầu Kênh Kịa điểm tiếp giáp bờ sông nơi đường Quốc lộ 12 đi qua lại không có đường cho các phương tiện giao thông qua lại mà chỉ làm 10 bậc đường bê tông đi bộ lên Quốc lộ 12 nằm ngay cạnh ở mố cầu.

Để làm sáng tỏ vấn đề này PV có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Ninh, Trưởng phòng quản lý đô thị thị xã Ba Đồn, ông Ninh cho biết: “Trước khi thực hiện dự án kè chống sạt lở trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đương bộ, khu vực cầu Kênh Kịa đã có nhiều cuộc họp diễn ra trong đó có Sở Giao thông vận tải, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thị xã Ba Đồn, Công ty cổ phần sữa chữa đường bộ và xây dựng tổng hợp II Quảng Bình và một số ban ngành khác có liên quan… Vì đây là hệ thống đường thủy lợi kết nối với giao thông đường bộ. Đặc biệt bờ kè của sông Kênh Kịa có sự chênh lệch về độ cao là hơn 1,5 m, quá dốc so với đường Quốc lộ 12 làm khuất tầm nhìn của các phương tiện tham gia giao thông ngay đầu mố cầu Kênh Kịa và bên cạnh cầu có ngã tư đèn xanh, đèn đỏ nên các sở ban ngành quyết định không mở đường cho các phương tiện giao thông tham gia trước đầu cầu Kệnh Kịa và thay thế vào đó là làm 10 bậc thang dành cho người đi bộ để đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân. Chính vì vậy, trong phần thiết kế ở giáp mố cầu phải thu hẹp diệt tích”.

Chênh lệch về độ cao giữa đê kè Kênh Kịa so với đường Quốc lộ 12 là điểm dễ gây tai họa cho các phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: Cao Cường

Còn làm việc với đại diện bên Công ty TNHH tư vấn đầu tư xây dựng Hà Nội – Quảng Bình, ông Lê Tuấn Anh, Trưởng Phòng kế hoạch kỹ thuật cho biết: “Trước khi xây dựng dự án, công ty chúng tôi đã mở ra nhiều cuộc họp, chúng tôi đã làm việc với các ban, ngành, sở và nhất là ý kiến của Sở giao thông vận tải. Còn việc đơn vị tư vấn thiết kế chúng tôi quyết định thiết kế 10 bậc tầng cấp cho người đi bộ và không cho các phương tiện giao thông tham gia đâm thẳng lên đầu cầu nằm trên đoạn đường Quốc lộ 12 là có sự tính toán kỹ lưỡng, khoa học. Vì, bờ kè Kênh Kịa thấp không có lan can, chênh lệch địa hình sẽ che khuất tầm nhìn khi các phương tiện giao thông lưu hành trên đường Quốc lộ 12. Việc chỉ xây 10 bậc thang dành cho người đi bộ là nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân”.

Thiết nghĩ với những tư liệu và câu trả lời của các cơ quan chức năng cơ bản đã làm sáng tỏ sự việc trên. Thời gian tới, các cơ quan chức năng của Quảng Bình cần nhanh chóng có các văn bản trả lời cho cử tri được rõ.

Nguyễn Cao Cường

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/dieu-tra-qua-don-thu/su-that-phia-sau-kien-nghi-cua-cu-tri-tai-tinh-quang-binh_t114c39n137064