Sự thật nước Anh

Giống như series bom tấn đình đám 'Game of Thrones' trước đó, phần tiền truyện 'House of the Dragon' đã vay mượn một vài sự kiện lịch sử có thật của nước Anh.

Cho tới hiện tại, không ngạc nhiên khi George RR Martin lại trở thành biên kịch nổi tiếng như vậy. Không ai có thể viết nên những câu chuyện viễn tưởng hấp dẫn mà xa rời lịch sử thực tế, bởi lịch sử là một nguồn cảm hứng dồi dào vô tận, và Martin đã tận dụng nó khi viết bộ tiểu thuyết danh tiếng này.

"Tôi lấy cảm hứng và lựa chọn những yếu tố từ lịch sử, sau đó chuyển hóa chúng lên màn ảnh bằng mọi cách có thể", ông chia sẻ trong buổi họp báo tại San Diego Comic - Con 2022.

Lấy bối cảnh thời gian khoảng hai thế kỷ trước những sự kiện của Game of Thrones, House of the Dragon kể về câu chuyện của dòng họ Targaryen chinh phục và thống trị lục địa Westeros trong thời gian dài nhờ khả năng điều khiển loài rồng. Tuy nhiên, cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài để tranh giành Ngôi Báu Sắt đã khiến gia tộc này ngày càng suy yếu và đi đến bờ vực của sự diệt vong.

Chiến tranh hoa hồng (War of the Roses)

Tác giả bộ sách A Song of Ice and Fire, nguyên tác của hậu truyện House of the Dragon từng chia sẻ việc ông lấy cảm hứng viết lách từ những sự kiện có thật trong lịch sử, mà nổi bật nhất là chiến tranh hoa hồng trong lịch sử nước Anh. Đây là cuộc chiến kéo dài rải rác những năm 1455 - 1487 nhằm tranh giành ngai vàng vương quốc giữa hai gia tộc lớn nhất thời bấy giờ.

Cuộc chiến này xuất phát từ Henry VI, một người văn minh, hào hiệp, ghét giới quý tộc hiếu chiến nhưng không phù hợp với xã hội đương thời. Vì lẽ đó, giới quý tộc bắt đầu đặt ra câu hỏi ai sẽ là người trị vì đất nước. Họ chia thành hai phe, một bên trung thành với Henry VI gọi là nhà Lancaster, và một bên ủng hộ công tước xứ York gọi là nhà York.

Sở dĩ, tên gọi của cuộc chiến xuất phát từ gia huy của hai dòng họ đều có hình hoa hồng: hoa hồng trắng là đại diện nhà York và hoa hồng đỏ là của nhà Lancaster. Kết cục, công tước xứ York giành được ngôi báu. Sau khi qua đời, con trai ông là Edward IV tiếp bước cha và lên ngôi năm 1461. Hắn nhốt Henry VI ở tháp London nhưng 9 năm sau, quân đội của Lancaster giải cứu ông và đuổi hắn ra khỏi lãnh thổ.

 Đằng sau tình tiết phim là những câu chuyện lịch sử có thật của Anh. Ảnh: HBO.

Đằng sau tình tiết phim là những câu chuyện lịch sử có thật của Anh. Ảnh: HBO.

Edward sau đó xây dựng quân đội mới và trở về Anh đánh bại quân đội của Lancaster. Khi Edward IV qua đời, hai đứa con trai còn nhỏ của ông bị chú ruột Richard nhốt ở tháp London. Hắn chiếm ngôi và trở thành vua Richard III nhưng lại không có được lòng dân và cả hai nhà Lancaster lẫn York. Kết cục, một người dòng họ xa con trai thứ của Edward III đến Anh để chinh phạt ngai vị nhận được đông đảo sự ủng hộ của giới quý tộc. Đó là Henry Tudor, công tước xứ Richmond.

Hai bên đánh nhau tại Bosworth và nửa số lính của Richard “phản chủ”, đầu quân theo phe của Henry. Cuộc chiến nhanh chóng kết thúc và Henry Tudor lên ngôi với tên gọi Henry VII. Ông kết hôn với Elizabeth của xứ York, hợp nhất hai gia tộc đối địch. Vương triều Tudor được thành lập và trị vì nước Anh trong vòng 120 năm với gia huy là sự kết hợp của hai nhà: một bông hồng đỏ pha trắng.

Trong phim, chiến tranh hoa hồng là nguồn cảm hứng để viết lên cuộc chiến giữa nhà Stark và Lannister ở Westeros. Bên cạnh đó, Martin cũng dựa trên các sự kiện lịch sử đơn lẻ khác. Đơn cử, vụ việc khét tiếng bậc nhất phim, Đám cưới Đỏ (Red Wedding), dựa trên thảm sát Glencoe diễn ra ở Scotland năm 1692 và Bữa tối đen (Black Dinner) năm 1440, trong đó bá tước trẻ tuổi của Douglas và anh trai của ông được Vua James II mời ăn tối tại lâu đài Edinburgh và bị sát hại.

Tương tự, vụ việc nhà Frey tàn sát nhà Stark trong đám cưới của Edmure Tully và con gái lãnh chúa Walder Frey được lấy ý tưởng từ sự kiện các thành viên MacDonald bị thảm sát vì không thề trung thành với William III, quốc vương mới của Scotland.

Thời kỳ hỗn mang (The Anarchy)

Martin sáng tạo nên Dance of the Dragons, theo chân cuộc chiến đầu tiên trong một loạt các cuộc nội chiến do nhà Targaryen gây ra. Điều này lấy cảm hứng từ một giai đoạn diễn ra tại Anh Quốc trong thế kỷ 12, từ năm 1135 đến năm 1154, được gọi là Anarchy (Thời kỳ hỗn mang). Giống như việc House of the Dragon là phần tiền truyện của Game of Thrones, thời kỳ này cũng diễn ra hàng thế kỷ trước cuộc chiến hoa hồng.

Xuất phát điểm từ việc vua Henry I có khoảng 27 người con nhưng chỉ có hai người được thừa kế hợp pháp, đó con gái Matilda của ông và em trai cô, William. Chế độ quân chủ Anh giai đoạn đó tuân theo quy tắc nam quyền, vì vậy, William sẽ là người thừa kế của Henry, trong khi đó, Matilda kết hôn với hoàng đế La Mã Thần thánh và trở thành hoàng hậu.

Vào năm 1120, William chết đuối vì cố gắng cứu một người chị em cùng cha khác mẹ khi con tàu chở họ bị đắm ngoài khơi. 5 năm sau đó, chồng của Matilda cũng qua đời và cô trở về Normandy. Lo sợ cho tương lai của con gái và gia tộc, Henry I buộc các lãnh chúa và nam tước phải tuyên thệ trung thành với Matilda sau khi kế nhiệm mình. Điều này hoàn toàn có cơ sở, bởi nếu không bị ép buộc, họ sẽ khó lòng chấp nhận việc một người phụ nữ thừa kế ngai vàng.

Câu chuyện của Matilda có khá nhiều điểm tương đồng với nhân vật Rhaenyra Targaryen. Ảnh: HBO.

Thời điểm Henry I qua đời (1135), Matilda trước đó đã tái hôn với Geoffrey của Anjou từ năm 1128 và có với nhau hai người con trai. Trước khi cô kịp quay trở lại London để kế nhiệm ngai vàng, người anh họ Stephen xứ Blois đã đi trước một bước và tự xưng vương với tư cách là người thừa kế nam tiếp theo. Mặc dù đã tuyên thệ trung thành với Matilda từ trước, hắn cho rằng bản thân mình mới là sự lựa chọn tốt hơn cho vị trí trên ngai vàng.

Thời gian sau đó, cuộc nội chiến nổ ra nước Anh lâm vào cảnh khốn cùng. Năm 1139, Matilda quay trở lại Anh nhằm dùng vũ lực đoạt lại ngai vàng. Quân đội của bà đã đánh bại và bắt sống Stephen trong trận Lincoln, nhưng khi dự lễ đăng quang tại tu viện Westminster, Matilda bị dân chúng London phản đối kịch liệt. Bà không bao giờ chính thức nhận vương vị Nữ hoàng nước Anh mà chỉ được gọi với danh xưng Nữ chúa.

Câu chuyện của Matilda có khá nhiều điểm tương đồng với nhân vật Rhaenyra Targaryen trong phim, người được vua cha công nhận quyền thừa kế nhưng lại bị các nam tước phản đối. Trong House of the Dragon, khán giả chứng kiến các lãnh chúa của Westeros quỳ gối trước Rhaenyra, nhưng họ rõ ràng ủng hộ việc hoàng tử trẻ Aegon II lên ngôi hơn. Chính vì vậy, địa vị của Rhaenyra có thể bị lung lay, nhưng chắc chắn, cô chính là hình mẫu phản chiếu của Nữ chúa Matilda trong lịch sử.

Martin đã chia sẻ: “Tôi không nghĩ Westeros chống lại phụ nữ hoặc phản cảm hơn cuộc sống thực và cái mà chúng ta gọi là lịch sử. Vì vậy, việc hiểu biết về lịch sử của chúng ta luôn luôn đáng giá, bởi vì nó có thể là nguồn cảm hứng cho nhiều điều vượt trên cả những chương trình truyền hình viễn tưởng tuyệt vời”.

Tống Khang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-that-nuoc-anh-post1356512.html