Sự thật lịch sử và tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc

41 năm đã trôi qua nhưng cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân ta bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc những ngày tháng 2-1979 vẫn là dấu mốc hào hùng, mãi mãi khắc ghi trong lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 của Tổ quốc đã khẳng định sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 của Tổ quốc đã khẳng định sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam

Khẳng định ý chí và sức mạnh bền bỉ của nhân dân Việt Nam

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc diễn ra trong bối cảnh nhân dân Việt Nam vừa kết thúc 30 năm kháng chiến giải phóng và thống nhất đất nước không lâu, hậu quả chiến tranh để lại còn rất nặng nề. Chưa kể, nhân dân Việt Nam lại vừa phải trải qua cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam chống lại bè lũ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary.

Vào 3 giờ 30 phút rạng sáng 17-2-1979, quân Trung Quốc sử dụng pháo binh bắn phá một số mục tiêu trong lãnh thổ của nước ta, sau đó huy động 600.000 quân, trên 500 xe tăng, xe bọc thép, hàng ngàn khẩu pháo các loại tấn công toàn tuyến biên giới Việt Nam dài hơn 1.400km.

Số quân Trung Quốc tham chiến lúc đó được cho nhiều hơn các đạo quân xâm lược Việt Nam trong lịch sử. Thời điểm cao nhất, quân Mỹ huy động trên chiến trường Việt Nam gần 550.000 quân, Pháp 250.000 quân... Hướng tấn công chủ yếu của quân Trung Quốc là Lạng Sơn và Cao Bằng; hướng quan trọng là Lào Cai (Hoàng Liên Sơn); hướng phối hợp là Phong Thổ (Lai Châu); hướng nghi binh, thu hút lực lượng ta là Quảng Ninh và Hà Tuyên.

Những người bình thường trên thế giới không ai nghĩ rằng một dân tộc vừa phải trải qua 30 năm chiến tranh với thương tích đầy mình và có biết bao nhiêu công việc phải làm để xây dựng lại đất nước, lại đi khiêu khích, rồi xâm lược một nước khác, lại là nước lớn hơn, thậm chí là nước đã từng ủng hộ và giúp đỡ to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trước đó, như một số người Trung Quốc nói rằng cuộc chiến tranh chống Việt Nam của họ chỉ là một “cuộc phản công tự vệ”.

Trước tình cảnh Tổ quốc lâm nguy, thêm một lần nữa, quân và dân Việt Nam không còn con đường nào khác là buộc phải cầm súng chiến đấu để bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mình. Đây là thử thách đầy khắc nghiệt với dân tộc Việt Nam trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ.

Nhưng với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân ta, nhất là ở các tỉnh Việt Bắc và Tây Bắc, một lần nữa đã phát huy cao độ truyền thống cách mạng, sát cánh cùng các lực lượng vũ trang, kiên quyết chiến đấu, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Nhìn lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc năm 1979, chúng ta một lần nữa thấy rõ sự thật lịch sử: Nhân dân Việt Nam không bao giờ chịu quỳ gối trước bất kỳ thế lực xâm lược ngoại bang nào. Nó khẳng định ý chí, sức mạnh bền bỉ của nhân dân Việt Nam quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc,

Thế nhưng, để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh khắc nghiệt này, nhân dân Việt Nam đã phải chịu những tổn thất nặng nề: hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ thương vong; hàng chục nghìn dân thường bị thiệt mạng. Các thị xã Cao Bằng, Lạng Sơn, Cam Đường, Lào Cai gần như bị hủy diệt hoàn toàn; tổng cộng có 320 xã, 735 trường học, 41 nông trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ và 38 lâm trường bị tàn phá; 400 nghìn gia súc bị giết, bị cướp. Khoảng 50% trong tổng số 3,5 triệu người ở 6 tỉnh biên giới bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống.

Tiếp tục sự nghiệp chính nghĩa

Quá khứ bi hùng đó nhắc nhở chúng ta, tất cả các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, phải luôn tăng cường đoàn kết, xây dựng đất nước giàu mạnh để đủ sức đối phó với mọi tình huống trong một thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bất trắc. Trên cơ sở đó, có chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột; phát huy truyền thống “giữ nước từ khi nước chưa nguy”.

Trong thực hiện nhiệm vụ giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”, phải quán triệt quan điểm “Kiên quyết, kiên trì”. Quan điểm này vừa thể hiện quyết tâm cao độ, ý chí sắt đá, bản lĩnh trước sau như một của nhân dân ta, vừa thể hiện tính chất lâu dài, phức tạp của cuộc đấu tranh. Đây cũng là đối sách mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo, không chủ quan, manh động trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh lịch sử mới.

41 năm đã trôi qua, đất nước đã hòa bình và đang trên đà hội nhập, phát triển mạnh mẽ. Nhắc lại sự thật lịch sử về Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, bên cạnh việc khẳng định sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, đây còn là dịp để chúng ta tôn vinh, tri ân những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường và quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, 41 năm là khoảng thời gian đủ dài để hai nước có điều kiện nhìn lại cuộc chiến này một cách khách quan, khoa học để tìm ra phương thức xử lý tối ưu các vấn đề do lịch sử để lại. Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ với lòng biết ơn sâu sắc sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc anh em dành cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và sự nghiệp xây dựng đất nước sau này. Lịch sử cho thấy, việc không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước là hoàn toàn phù hợp với lợi ích căn bản và lâu dài của nhân dân hai nước, góp phần củng cố hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.

Hoàng Sơn

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/su-that-lich-su-va-tinh-chinh-nghia-cua-cuoc-chien-dau-bao-ve-to-quoc/843029.antd