Sự thật không ngờ về tiêm kích thế hệ 6 MiG-37

Mô hình chiếc tiêm kích tàng hình MiG-37 'vô tình' xuất hiện trên sóng Kênh truyền hình Zvezda hoàn toàn không phải chiến đấu cơ thế hệ 6 như vẫn lầm tưởng.

Vừa qua trong một phóng sự do Kênh truyền hình Zvezda của Nga thực hiện nói về quá trình phát triển của tiêm kích thế hệ 5 Su-57 thì nhân vật chính lại không được chú ý bằng một chi tiết bên lề.

Lọt vào trong ống kính máy quay là mô hình của một chiếc chiến đấu cơ rất lạ mắt chưa từng được nhìn thấy trước đó, ngay lập tức nó đã tạo nên một cơn sốt trong giới truyền thông.

Theo phán đoán ban đầu thì đây chính là nguyên mẫu tiêm kích tàng hình thế hệ 6 của Nga, được chế tạo nhằm thay thế cho Su-57 khi dự án này còn đang gặp phải nhiều vướng mắc.

Mô hình máy bay chiến đấu lạ xuất hiện trên Kênh truyền hình Zvezda

Mặc dù mô hình trên là khá mờ nhạt và khó quan sát, tuy nhiên qua con mắt của những chuyên gia quân sự thì họ vẫn nhận ra được các đường nét đặc trưng của một chiếc máy bay bí ẩn từng được nhắc đến, đó chính là MiG-37 Ferret-E.

Có một điều cần lưu ý chính là những tin đồn xung quanh tiêm kích tàng hình MiG-37 của Nga không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã có từ khá lâu trước đó.

Đồ họa tiêm kích tàng hình MiG-37 của Nga

Thông tin đầu tiên về sự tồn tại thực sự của chiến đấu cơ MiG-37 xuất hiện trên báo chí Anh, khi nhà báo Nick Cook tuyên bố rằng các chuyên gia Liên Xô đã chế tạo thành công máy bay thế hệ thứ 5.

Cây bút này còn chỉ rõ rằng MiG-37 được trang bị động cơ phản lực đốt sau, ngoài ra xuất hiện cả nhận định về việc áp dụng cơ chế hướng lực đẩy đa trục, bài viết này nhanh chóng được đăng tải trên nhiều tạp chí khoa học.

Phương tiện truyền thông Mỹ khi nói về chiếc F-117A của mình đã nhắc tới máy bay tàng hình MiG-37 và đăng tải bức ảnh nó hạ cánh trong hoàng hôn, tuy nhiên hình dáng không rõ ràng vì dưới khung cảnh trên chỉ có thể quan sát cái bóng.

Giới quân sự nhận thấy sự giống nhau giữa F-117A và MiG-37 nhưng cũng phát hiện sự khác biệt.

Ví dụ các động cơ không liền với đôi cánh và nắp trên như máy bay Mỹ, cánh của MiG-37 không có dạng hình thang mà được kéo dài ra.

MiG-37 thực chất chỉ là một chiến đấu cơ lý thuyết ra đời từ cách đây rất lâu

Những người tin vào sự tồn tại của MiG-37 thì chia sẻ rằng nó cất cánh lần đầu tiên vào năm 1988.

Nhiều chuyên gia nước ngoài cũng tuyên bố rằng chiếc máy bay bí hiểm đã được thiết kế dựa trên cơ sở Su-37 và MiG-29.

Thông số kỹ thuật cơ bản của chiếc MiG-37 được ước tính bao gồm: chiều dài 13,56 m; chiều cao 3,28 m; sải cánh 10,21 m; trọng lượng cất cánh tối đa 16 tấn.

MiG-37 có thể đạt tới vận tốc 5.310 km/h. Vũ khí trang bị gồm 2 khẩu pháo 30 mm, tên lửa không đối không R-23; tên lửa không đối đất Kh-23, Kh-28, Kh-25 cùng các loại bom hàng không khác.

Dự án MiG-37 liệu có đứng trước cơ hội "hồi sinh"

Như vậy rất nhiều khả năng mô hình xuất hiện trong phóng sự của Kênh truyền hình Zvezda chỉ là một chiếc chiến đấu cơ lý thuyết của Liên Xô trước kia.

Tuy vậy cũng không thể loại trừ khả năng Nga đang phát triển tiêm kích thế hệ 6 dựa trên việc khôi phục lại dự án MiG-37 do nhận thấy trình độ khoa học công nghệ lúc này đã đáp ứng yêu cầu.

Sẽ cần thêm một khoảng thời gian cũng như phát ngôn chính thức từ giới chức quân sự Nga về vũ khí mới của họ, tuy nhiên cần lưu ý rằng gần đây rất nhiều vụ việc "cố tình rò rỉ thông tin" về vũ khí Nga đã trở thành hiện thực sau đó không lâu.

Chí Linh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/su-that-khong-ngo-ve-tiem-kich-the-he-6-mig-37-3369726/