Sự thật không ngờ về 'tiêm kích MiG-35' gặp sự cố khi biểu diễn tại MAKS 2019

Chiếc máy bay chiến đấu bị bung một phần cánh khi bay biểu diễn tại Triển lãm hàng không quốc tế Moskva - MAKS 2019 không phải là MiG-35 như nhận định ban đầu.

 Hôm 29/8, trong khuôn khổ Triển lãm hàng không quốc tế Moskva - MAKS 2019 đã diễn ra một bài bay biểu diễn của tiêm kích đa năng MiG-35.

Hôm 29/8, trong khuôn khổ Triển lãm hàng không quốc tế Moskva - MAKS 2019 đã diễn ra một bài bay biểu diễn của tiêm kích đa năng MiG-35.

Nhưng một sự cố nhỏ đã xảy ra, khi một phần vỏ cánh của chiếc chiến đấu cơ này bị bung ra khi phi cơ thực hiện động tác nhào lộn.

Tuy nhiên chính vì sự cố đó mà chiếc tiêm kích trên đã được nhận diện chính xác không phải MiG-35 mà chỉ là MiG-29M2, do phần cấu kiện bị bung ra chính là chi tiết che phủ đường gấp của cánh.

Để hiểu rõ hơn về "gia phả" gia đình tiêm kích MiG-29 và MiG-35 thế hệ mới của Nga thì cần nhìn lại một chút về quá khứ.

Năm 2005, Ấn Độ và Nga ký hợp đồng sửa chữa, nâng cấp tàu sân bay Đô đốc Gorshkov cũ thành Vikramaditya sau nhiều năm thương lượng.

MiG-29K/KUB trở thành chọn lựa duy nhất bởi kích thước phù hợp không những cho Vikramaditya mà còn cho các tàu sân bay tương lai của Ấn Độ.

Tuy nhiên Ấn Độ cũng đặt ra loạt yêu cầu mới cho MiG-29K/KUB như máy bay phải nhẹ, độ bền khung thân cao; động cơ khỏe và có tầm hoạt động lớn.

Bên cạnh đó là thiết bị điện tử tiên tiến hơn, tương thích cả thiết bị của châu Âu; trang bị cần tiếp dầu; và đặc biệt máy bay huấn luyện 2 chỗ ngồi phải có đầy đủ tính năng như loại 1 chỗ ngồi.

Trước những yêu cầu từ phía Ấn Độ, các kỹ sư của Mikoyan đã thiết kế lại MiG-29K đời cũ thành một máy bay MiG-29K mới có phần đầu và buồng lái sửa đổi, với mũi to để có thể chứa radar lớn hơn và một cần tiếp dầu có thể thu vào ở bên mạn trái.

MiG-29KUB giống MiG-29K đến 99,99% và chỉ nhận biết được bằng cách khi nhìn vào buồng lái sẽ thấy ghế phi công phía sau trên MiG-29KUB được thay thế bằng một thùng nhiên liệu.

Buồng lái phía sau trên Mig-29KUB được cho là có đầy đủ 100% chức năng như buồng lái phía trước, điều này khiến cho việc hoán đổi vai trò của 2 phi công trở nên rất thuận tiện.

Trong khi đó MiG-29M2 chính là phiên bản 2 chỗ ngồi dành cho không quân được Mikoyan phát triển từ MiG-29K/KUB phiên bản hải quân dành cho Ấn Độ.

Công việc cũng khá đơn giản khi các kỹ sư chỉ việc lấy chiếc MiG-29M cũ rồi làm mới phần đầu và buồng lái như chiếc MiG-29KUB.

Có thể nói MiG-29M2 là em và giống MiG-29K/KUB tới 99,99% kể cả cái cánh có thể gấp vào được, đây chính là đặc điểm nhận dạng rõ nhất của MiG-29M2.

Khác biệt có lẽ là duy nhất để phân biệt chính là tiêm kích hạm MiG-29KUB có móc hãm gắn ở đuôi còn MiG-29M2 thì không có.

Đối với MiG-35, nó có khung sườn cơ bản là của chiếc MiG-29M2, được trang bị hệ thống điện tử nâng cấp tiên tiến hơn và động cơ thay đổi hướng phụt 3D dựa trên loại RD-33MK, khác biệt nữa nằm ở chỗ cánh máy bay là loại cố định.

Mặc dù vậy, nhìn bên ngoài rất khó có thể phân biệt được đâu là MiG-29M2 và đâu là MiG-35 nếu phần khớp nối vị trí gấp cánh của MiG-29M2 bị phủ lớp vỏ che đi.

Thực tế nếu không có vụ bị bong phần vỏ ngoài che đường gấp của cánh thì chiếc máy bay biểu diễn tại MAKS 2019 đã bị nhận lầm là MiG-35.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-su-that-khong-ngo-ve-tiem-kich-mig35-gap-su-co-khi-bieu-dien-tai-maks-2019/823816.antd