Sự thật ít người biết về đệ nhất khai quốc công thần của chúa Nguyễn

Chỉ làm quan tám năm nhưng Đào Duy Từ đã đưa ra những kế sách quan trọng giúp chúa Nguyễn Phúc Nguyên xây dựng cơ nghiệp họ Nguyễn ở Đàng Trong. Ông còn được nhiều nơi tôn thờ là ông tổ của một loại hình nghệ thuật đặc sắc.

Đào Duy Từ sinh năm 1572, người xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, xứ Thanh Hoa (nay là huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Ông nổi tiếng thông minh, học rộng, biết nhiều, lại có tài thao lược, từng đỗ á nguyên khoa thi Hương năm 1593, dưới đời vua Lê Thế Tông, khi đó mới 21 tuổi. Dù thi đỗ dưới thời vua Lê nhưng Đào Duy Từ lại chỉ làm quan tám năm dưới thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Ông đã giúp họ Nguyễn xây dựng cơ đồ vững chắc, quân đội hùng mạnh, nên được coi là đệ nhất khai quốc công thần của họ Nguyễn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đào Duy Từ thi đỗ á nguyên dưới thời vua Lê Thế Tông. Ông thi Hội, bài luận rất tốt, được quan chánh chủ khảo là Thái phó Nguyễn Hữu Liêu đánh giá cao. Tuy nhiên, Bộ Lễ đã đưa ra chứng cứ ông đổi họ, khai man lý lịch và truyền lệnh xóa tên ông khỏi vị trí á nguyên, lột mũ áo và tống giam. Nguyên nhân bố của Đào Duy Từ là Đào Tá Hán, trước làm lính cấm vệ trong triều, sau bị đuổi về quê làm nghề xướng ca rồi mất sớm. Lúc bấy giờ, ở Đàng Ngoài, xướng ca bị cho là "vô loài", con cái không được phép dự thi, không được làm quan. Đào Duy Từ đã đổi tên thành Vũ Duy Từ (theo họ mẹ) để đi thi. Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 2) chép rằng năm 1593, "Thanh Hoa có kỳ thi Hương, quan Hiến ti cho Duy Từ là con phường chèo nên tước bỏ tên, không cho vào thi. Duy Từ bực tức trở về, nhân nghe tiếng chúa (Nguyễn) yêu dân và quý học trò, các bậc hào kiệt đều quy phục, nên quyết chí vào Nam một mình để theo".

Đào Duy Từ có tiếng là thông minh, học rộng biết nhiều. Tuy thế, Đào Duy Từ không được đi thi do thời đó, kép hát được cho là “xướng ca vô loài” mà cha của ông là quản giáp một phường chèo. Tiếc tài học của con, mẹ ông đã nhờ vả viên xã trưởng cho đổi họ Đào thành họ Vũ (theo họ mẹ) để đi thi Hương. Năm 21 tuổi (1593), ông đỗ Á nguyên khoa thi Hương. Đến kỳ thi Hội, bài luận của Đào Duy Từ rất xuất sắc. Thế nhưng, viên xã trưởng không ép duyên được mẹ Đào Duy Từ nên đã tố cáo việc khai man xuất thân. Ông bị lột mũ áo, tước bỏ giải Á nguyên rồi bị tống giam. Mẹ ông uất ức nên tự vẫn.

Mùa đông năm 1627, Đào Duy Từ trốn được vào xứ Đàng Trong. Đầu tiên, ông ở huyện Vũ Xương hơn một tháng để nghe ngóng tình hình. Sau khi biết Khám lý huyện Hoài Nhân là Trần Đức Hòa, người có mưu trí được chúa Nguyễn Phúc Nguyên tin dùng, ông vào Hoài Nhân, đi ở chăn trâu cho một phú ông ở xã Tùng Châu. Phú ông thấy Đào Duy Từ học rộng tài cao, biết không phải người thường, liền đem nói với Trần Đức Hòa. Trần Đức Hòa cho gọi Đào Duy Từ đến hỏi, thấy mọi chuyện ông đều thông hiểu, liền giữ ông lại và gả con gái cho. Khi Trần Đức Hòa xem bài Ngọa Long cương của Đào Duy Từ liền nói rằng "Đào Duy Từ là Ngọa Long đời này chăng"? Một hôm, Trần Đức Hòa đem bài Ngọa Long cương cho chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên xem. Đọc xong, chúa Nguyễn biết Đào Duy Từ là người có chí lớn liền cho gọi tới. Mấy hôm sau, Duy Từ và Trần Đức Hòa cùng vào ra mắt Nguyễn Phúc Nguyên. Đào Duy Từ cao đàm hùng luận, tỏ ra rất am hiểu việc đời. Nguyễn Phúc Nguyên mừng lắm, liền sau đó họp bàn đình thần phong cho Đào Duy Từ làm Nha úy Nội tán, tước Lộc Khuê Hầu, trông coi việc quân cơ trong ngoài và dự bàn việc lớn.

Sau thất bại ở cuộc chiến thứ nhất (năm 1627) với họ Nguyễn, họ Trịnh luôn nghĩ cách, tìm cớ đem quân vào đánh. Ngược lại, chúa Nguyễn, theo kế sách của Đào Duy Từ, cho lính sở tại đắp lũy Trường Dục để phòng thủ. Theo sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 2), năm 1630 Đào Duy Từ đã nói với chúa Nguyễn Phúc Nguyên: "Muốn mưu đồ bá vương, phải có kế vẹn toàn. Người xưa nói rằng, nếu không có một lần khó nhọc thì không thể ngơi nghỉ lâu dài, nếu không chịu phí tổn nhất thời thì không thể có yên ổn mãi. Thần xin được hiến bản vẽ, đem quân dân hai trấn đến đắp một cái lũy dài, trên nối với núi Trường Dục, dưới kéo đến bãi cát Hạc Hải, nhân theo thế đất mà đặt chỗ hiểm để giữ vững biên cảnh, quân địch dẫu có đến cũng không làm gì được". Chúa Nguyễn Phúc Nguyên theo kế ấy, huy động quân dân đắp lũy Trường Dục, hơn một tháng thì xong. Đến năm 1631, trước quyết tâm gây chiến khó bề lay chuyển của họ Trịnh, Đào Duy Từ tiếp tục xin chúa đắp thêm lũy Nhật Lệ. Ông cùng Nguyễn Hữu Dật trông coi việc đắp lũy. Năm sau nữa, lũy khác được dựng lên là Trường Sa. Hệ thống ba lũy này được đắp bằng đất, tùy vị trí cao 4-6 m, tổng đoạn lũy dài 34 km xen kẽ nhiều ụ súng, vọng gác. Lũy sau này được người dân gọi là lũy Đào Duy Từ, dân gian gọi là lũy Thầy với hàm ý kính trọng, tôn vinh Đào Duy Từ, người có công tạo ra hệ thống lũy, giữ yên bờ cõi Đàng Trong.

Cuốn Văn hóa Việt Nam tổng hợp do Ban Văn hóa - Văn nghệ Trung ương xuất bản năm 1989 có đoạn viết: "Đào Duy Từ xứng đáng là một nhà văn hóa toàn diện ở Việt Nam đầu thế kỷ 17". Ngoài những kế sách giúp chúa Nguyễn Phúc Nguyên xây dựng cơ đồ, Đào Duy Từ còn là nhà quân sự, nhà thơ lớn. Theo cuốn Đào Duy Từ - Con người và tác phẩm, ông là soạn giả cuốn Hổ Trướng khu cơ, tài liệu dùng cho các vị chỉ huy quân sự, các vị chủ soái, gồm những chỉ dẫn về binh pháp, trận đồ, cách điều hành, tổ chức quân đội, khí giới. Ở lĩnh vực thơ ca, ông là tác giả của nhiều bài thơ như Ngọa Long cương, Tư Dung văn. Đặc biệt, Đào Duy Từ còn được một số nơi tôn thờ là ông tổ nghệ thuật sân khấu tuồng. Có ý kiến cho rằng ông là người đầu tiên lập ra các đội múa hát, huấn luyện chuyên môn cho các nghệ nhân. Cơ quan phụ trách hát múa chính thức của Đàng Trong đã ra đời dưới thời chúa Sãi do ông sáng lập và phụ trách. Đào Duy Từ cũng là tác giả của nhiều điệu ca, vũ khúc.

Theo Châu Anh/Tiền phong

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/su-that-it-nguoi-biet-ve-de-nhat-khai-quoc-cong-than-cua-chua-nguyen/20190826111641834