Sự thật Gia Cát Lượng chỉ dùng 'Không trận kế' chứ không phải là 'Không thành kế'

'Không thành kế' được coi là một trong những kế sách cho thấy tài năng dụng binh, mưu lược hơn người của Gia Cát Lượng.

Tuy nhiên, theo ghi chép của sử liệu, Gia Cát Lượng không phải tác giả của “Không thành kế”, thậm chí chưa từng dùng kế này trong cuộc đối đầu với Tư Mã Ý. Theo Tam quốc chí của sử Trần Thọ, Gia Cát Lượng đúng là đã có lần ngồi trước doanh trại quân Ngụy rồi ung dung chơi cờ, xung quanh không có binh sĩ hộ vệ mà chỉ có mấy tiểu đồng phục vụ, nhưng quân Ngụy sợ phục binh nên không dám ra đánh chứ không phải là Gia Cát Lượng ngồi trên thành gảy đàn khi quân Ngụy tới tấn công. Như vậy thì đó chỉ là "Không trận kế" chứ không phải là "Không thành kế".

Gia Cát Lượng chưa từng dùng "Không thành kế".

Gia Cát Lượng chưa từng dùng "Không thành kế".

Trong Tam quốc diễn nghĩa của nhà văn La Quán Trung, sau khi Mã Tốc để mất Nhai Đình, Gia Cát Lượng chỉ còn có 2500 quân sĩ đóng ở huyện Tây Thành. Bỗng có thám mã phi về báo: “Tư Mã Ý mang mười lăm vạn đại quân đang kéo đến Tây Thành”. Lúc ấy, không có vị đại tướng nào ở bên Gia Cát Lượng, mà chỉ có một tốp quan văn. Nghe tin này, các quan đều tái mặt đi vô cùng lo sợ. Gia Cát Lượng bước lên mặt thành quan sát, quả nhiên xa xa bụi cuốn mịt mờ, quân Ngụy đang xông tới Tây Thành. Gia Cát Lượng lập tức truyền lệnh:

“Đem giấu hết cả cờ quạt đi, binh lính ai nấy đều vào giữ lấy chòi gác tuần tiễu của mình trên mặt thành, nếu có kẻ nào tự ý ra vào cổng thành hoặc nói lớn, sẽ bị giết. Mở rộng hết bốn cổng thành ra, ở mỗi cổng thành lấy hai chục người cải trang làm dân thường, quét ở đường phố. Nếu quân Ngụy đến, không được nhốn nháo, ta khắc có mưu kế để đối phó”.

"Không thành kế" của Khổng Minh trong phim Tam quốc diễn nghĩa.

Truyền lệnh xong Gia Cát Lượng khoác đạo bào lông hạc, vấn khăn nhiễu trên đầu, dẫn hai tiểu đồng mang theo một cây đàn, đi lên mặt thành, đốt hương gảy đàn.

Nghe thám báo về báo lại tình hình, Tư Mã Ý ra lệnh cho quân sĩ lập tức dừng lại, tự phi ngựa lên phía trước nhìn lên, quả nhiên thấy Gia Cát Lượng ở trên mặt thành vẻ mặt tươi cười ngồi tựa lan can, đốt hương gảy đàn, bên trái có một tiểu đồng, tay bưng một thanh gươm báu, bên phải cũng có một tiểu đồng tay cầm phất trần. Trong ngoài cổng thành chỉ có chừng hai chục người dân thường, cắm cúi quét đường cứ như thể không có ai ở bên mình. Sau khi nhìn thấy thế, Tư Mã ý nghi ngờ rằng trong thành có mai phục, vội vàng ra lệnh lui binh.

Tư Mã Ý cảm nhận tiếng đàn của Gia Cát Lượng.

Sau này khi biết được trong thành chỉ có lại ít binh sĩ già yếu, mà một mình Gia Cát Lượng có thể đẩy lui được đại quân của mình, Tư Mã Ý rất khâm phục và cho rằng mình còn kém tài ông rất nhiều.

Tam quốc diễn nghĩa có bài thơ khen Khổng Minh rằng:

“Gảy đàn ba tấc thắng quân hùng

Gia Cát Tây thành đuổi giặc hung

Hơn chục vạn quân lo tháo chạy

Thổ dân chỉ điểm ở nơi cùng”.

Trên thực tế thì giữa Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý không xảy ra vụ việc này mà chỉ là hư cấu của La Quán Trung. "Không thành kế" thực sự trong lịch sử xảy ra tại chiến tranh Lưu Tống-Bắc Ngụy thời Nam Bắc triều. Khi quân Ngụy đuổi theo quân Tống đến Lịch Thành, Thái thú Tế Nam của Lưu Tống là Tiêu Thừa Chi chỉ có vài trăm quân, liệu chừng không thể chống lại đại quân Ngụy, bèn áp dụng "Không thành kế", cho mở toang cổng thành. Quân Bắc Ngụy sợ có phục binh không dám vào thành.

Quốc Tiệp (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/su-that-gia-cat-luong-chi-dung-khong-tran-ke-chu-khong-phai-la-khong-thanh-ke-a489477.html