Sự thật F-35 xuất hiện tại Baltic dễ dàng bị radar S-300 'bắt sống'

Báo chí Nga tuyên bố các hệ thống phòng không S-300, S-350 và S-400 đã dễ dàng nhận biết tiêm kích tàng hình F-35 của NATO khi chúng hiện diện tại Baltic, nhưng sự thật có phải như vậy?

Truyền thông Nga vừa đăng tải thông tin cho biết, quân đội nước này đã thử nghiệm đầy đủ các hệ thống phòng không của mình, bao gồm cả những tổ hợp mới nhất trên máy bay chiến đấu tàng hình F-35 thực thụ.

Truyền thông Nga vừa đăng tải thông tin cho biết, quân đội nước này đã thử nghiệm đầy đủ các hệ thống phòng không của mình, bao gồm cả những tổ hợp mới nhất trên máy bay chiến đấu tàng hình F-35 thực thụ.

Căn cứ dữ liệu được đưa ra, điều này trở thành khả thi sau khi các tiêm kích F-35 của Không quân Italia triển khai trên lãnh thổ Estonia nhiều lần tiếp cận biên giới Nga từ Biển Baltic.

Giới phân tích cho rằng việc nhận diện và đánh chặn thành công đối với chiến đấu cơ thế hệ thứ năm cho thấy radar của S-300, S-350 và S-400 đã thành công trong nhiệm vụ phát hiện máy bay tàng hình.

Cho đến nay, vùng trời trên Biển Baltic liên tục được giám sát bởi các tổ hợp S-300, S-350 cùng với S-400. Do ý định vội vã của NATO trong việc điều động F-35 tới sát biên giới Nga, chiếc tiêm kích này đã cho thấy tính dễ bị tổn thương khi gặp phải đối thủ mạnh.

“Một bước đi hấp tấp như trên của NATO đã dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng cho Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, khi Nga hiện đã biết chính xác hệ thống phòng không nào phù hợp để chống lại các máy bay như vậy".

"Thực tế rất nhiều vụ đánh chặn F-35 trên vùng trời Baltic khiến chúng ta có thể đánh giá điều đó, tình hình hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Quân đội Nga”, một chuyên gia giấu tên lưu ý.

Tuy vậy có thực sự tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II - một "kỳ quan công nghệ" của Mỹ dễ dàng bị vô hiệu hóa bởi những hệ thống radar cảnh giới không phải tối tân nhát của Nga?

Nguyên nhân khiến F-35 bị phát hiện được giải thích rằng trong các chuyến bay trinh sát hoặc luyện tập, F-35 luôn hoạt động ở độ cao lớn và đeo thiết bị làm tăng diện tích phản xạ radar (RCS) có tên Luneberg Lens, khiến chỉ số RCS của nó chẳng khác gì tiêm kích thế hệ 4.

Luneburg Lens cấu tạo bởi một ống đối xứng hình cầu có thể phản xạ hoặc hội tụ sóng tùy theo hướng phát, có chức năng năng giả lập diện tích phản xạ radar để đánh lừa đối phương.

Nói cách khác, khi đeo khí tài trên tức là máy bay tàng hình đã thực hiện thao tác "chấp điểm lợi thế", bởi vì khi đó chỉ số RCS của nó đã tăng vọt. Việc làm trên không nhằm mục đích nào khác ngoài che giấu tham số mật để bảo toàn lợi thế cho mình và gây bất ngờ cho kẻ địch khi lâm trận.

Khi tác chiến thực tế, F-35 sẽ tháo bỏ thiết bị Luneberg Lens, thực hiện đường bay thấp bám địa hình, lợi dụng địa hình địa vật để lẩn tránh radar và còn mang theo khí tài tác chiến điện tử, khiến việc phát hiện ra nó là điều khó khăn hơn rất nhiều.

Thực tế chiến trường Syria là minh chứng rõ nhất, khi radar của S-400 Nga thường xuyên phát hiện tiêm kích F-35 của NATO bay trên biển Địa Trung Hải, cách xa căn cứ không quân Hmeimim hàng trăm km.

Tuy vậy trong tình huống thực chiến, cả radar cảnh giới của S-400 Nga lẫn S-300 Syria đều không thể nhận biết F-35I Adir của Israel mà chỉ biết nó tham chiến khi tìm thấy mảnh bom đường kính nhỏ GBU-39 SDB trong đống đổ nát.

Chính vì vậy trong khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra tại Biển Baltic, việc tiêm kích F-35 của Italia bị radar phòng không Nga phát hiện không bảo đảm lợi thế của Moskva nếu xảy ra tình huống đối đầu thực sự.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-su-that-f-35-xuat-hien-tai-baltic-de-dang-bi-radar-s-300-bat-song-post470514.antd