Sự thật đắng về cây keo: Đất nghèo trả giá?

Theo chuyên gia, cây keo có bộ rễ cạn, dày đặc, hút nước nhiều, tác dụng giữ đất không nhiều, chỉ có giá trị kinh tế trước mắt.

Để phòng chống và ứng phó với các loại hình thiên tai có thể xảy ra, ông Hồ Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi vừa đề xuất cần có chính sách hỗ trợ, đầu tư trồng rừng gỗ lớn; chuyển từ trồng keo sang trồng cây quế; tăng kinh phí hỗ trợ khoán chăm sóc bảo vệ rừng.

Chia sẻ với ý kiến của lãnh đạo huyện Trà Bồng, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam), cây keo lai được Việt Nam nhập từ nước ngoài về sau đó ươm, phát triển ở nhiều địa phương như Quảng Ngãi, Quảng Nam... và được coi là cây thoát nghèo.

Tuy nhiên, cây keo chỉ có giá trị kinh tế trước mắt, không giữ được đất, không đóng góp nhiều cho môi trường, mà chỉ khi thiên tai ập đến, sự thực này mới được phơi này.

Trong những vụ sạt lở dọc miền Trung, hàng loạt diện tích keo bị ngã đổ. Lý do là vì keo có bộ rễ cạn, không bám sâu vào đất, hễ có gió bão, đất mềm là cây có thể bị gẫy đổ ngay, thiệt hại cả về kinh tế.

"Cây keo chỉ là cây trồng trước mắt. Trong lúc diện tích rừng bị phá hoại nhiều, một thời gian khá dài, nhiều địa phương tập trung vào ươm, phát triển cây keo do đây là loài cây phát triển nhanh, dễ thích nghi với nhiều loại đất, đặc biệt là đất cát, đất đồi núi cằn cỗi. Không thể phủ nhận loài cây này có giá trị kinh tế nhất định, góp phần xóa đói giảm nghèo trong thời gian qua.

Tuy nhiên, như đã nói, rễ keo là rễ cạn, dày đặc vừa không bền vững vừa hút nước nhiều. Khi rễ khô mục, tạo thành những ống dẫn nước vào lòng đất, làm tăng nguy cơ sạt núi. Cho nên, keo không có tác dụng phòng hộ hay chống sạt lở", GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh chỉ rõ.

Bởi vậy, thay vì phát triển diện tích trồng keo, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho rằng, các địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi... nên tăng cường hỗ trợ kinh phí khoán chăm sóc, bảo vệ rừng.

Một khu vực trồng keo ở miền núi Quảng Nam bị xảy ra sạt lở đất. Ảnh: Tuổi trẻ

Một khu vực trồng keo ở miền núi Quảng Nam bị xảy ra sạt lở đất. Ảnh: Tuổi trẻ

"Hiện kinh phí khoán chăm sóc rừng chỉ khoảng 400.000 đồng/ha, cần xem xét tăng lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Các cơ quan quản lý có thể nói rằng không có tiền, nhưng nếu cứ để như hiện nay là không suy nghĩ lâu dài, thậm chí còn phải vay mượn để bảo vệ và phát triển rừng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến nghiêm trọng.

Bên cạnh đó cần bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên, tăng trường trồng nhiều cây gỗ bản địa.

Cây gỗ bản địa trước mắt có thể chưa có giá trị kinh tế nhưng về lâu dài, đến đời con cháu giá trị của nó sẽ được phát huy. Cây bản địa cũng chính là những cây có bộ rễ ăn sâu, thích hợp với vùng. Trồng cây bản địa vừa bảo đảm được hệ sinh thái vừa giúp cho môi trường ở đó tốt hơn.

Cần lưu ý rằng, rừng phải là một hệ sinh thái thì việc chống sạt lở đất mới hữu hiệu, còn rừng trồng để che phủ như cách tính chúng ta hiện nay thì khả năng chống chịu sạt lở, lũ quét rất kém.

Do vậy, cần khuyến khích các công ty lâm nghiệp ở địa phương ươm cây giống bản địa. Đây là chiến lược lâu dài, không phải làm trong một, hai năm là xong", GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh đặt vấn đề, đồng thời dẫn ví dụ, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi có cây đặc sản là cây quế cần giữ gìn, phát triển.

Dù vậy, vị chuyên gia cho rằng, các chuyên gia ngành lâm nghiệp cần hướng dẫn bà con cách trồng để vừa giữ được nước, vừa giữ được đất, chống xói mòn, tránh như thời gian qua nhiều nơi để trồng keo mà phá rừng tự nhiên.

"Cần tính toán để đầu tư rừng căn cơ, lâu dài. Phát triển rừng gỗ lớn không chỉ tốt cho môi trường mà còn có tác dụng giữ đất, chống sạt lở rất tốt bởi rễ cây gỗ lớn cắm sâu, bám chặt và có độ bền dài, vừa tạo mạng lưới xanh bao bọc đồi núi.

Cán bộ địa phương cần có nhìn lâu dài để bảo vệ "mẹ thiên nhiên", tránh tư duy nhiệm kỳ, chạy theo lợi ích trước mắt. Muốn vậy phải có tri thức và cái tâm", GS.TS Đặng Huy Huỳnh nhấn mạnh.

Phát biểu trước Quốc hội ngày 5/11/2020, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, tới đây phải có chính sách khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên, phải tăng hơn nữa định mức để cho người dân tham gia chăm sóc ngày càng đảm bảo độ giàu về đa dạng sinh học và tăng lên về trữ lượng.

Kể cả với 4,3 triệu ha rừng trồng, tới đây phải thay bằng cơ cấu cây rừng lâu năm, kết hợp với nhóm cây bản địa. Chiến lược phát triển rừng 2021 - 2030 sẽ cố gắng để có rừng ngày càng chất lượng.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/su-that-dang-ve-cay-keo-dat-ngheo-tra-gia-3426270/