Sự thật đáng sợ về Facebook (kỳ 2)

Năm 2018, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của FacebookZuckerberg đã xuất hiện trước Quốc hội Mỹ. Trong quá trình điều trần, ông đã phải đối mặt với những câu hỏi khó khăn về quyền riêng tư.

Hồ sơ bóng tối

Thêm vào đó, Zuckerberg cũng phải trả lời nhiều chất vấn xung quanh các “hồ sơ bóng tối” thu thập dữ liệu của những người thậm chí không sử dụng Facebook. Mặc dù chủ đề này đã trở thành chủ đề nổi cộm, Zuckerberg tuyên bố không quen với cụm từ “hồ sơ bóng tối”.

Tính năng này chỉ ra các mối quan hệ xã hội cùng chi tiết liên hệ của những người tránh sử dụng Facebook, nhưng có bạn bè sử dụng nền tảng này. Khi những người bạn đăng tải số điện thoại của chính họ, thì một “hồ sơ bóng tối” đã được tạo ra cho mỗi số liên lạc trong điện thoại của họ, cho dù những người này có không sử dụng Facebook đi nữa. Dần dần, những người sử dụng có bạn chung sẽ cung cấp một cái nhìn hoàn hảo về nhóm xã hội của họ.

Khi một người đã có hồ sơ bóng tối gia nhập Facebook, thì mạng xã hội này sẽ gửi tới họ những gợi ý kết bạn dựa trên các mối quan hệ xã hội của họ mà Facebook đã thu thập được. Ý tưởng này có vẻ như hợp pháp khi Facebook lý giải rằng, họ muốn cố gắng kết nối mọi người với mạng xã hội. Tuy nhiên, một số người không hề thích thú với việc một công ty, cho dù là công ty nào đi nữa, sử dụng số điện thoại của họ sau khi lấy trộm từ một người bạn của họ, để tạo nên một tư cách thành viên ảo cho họ.

Hồ sơ mật

Năm 2019, một nhóm các nhà phiên âm bên thứ ba đã phá vỡ sự yên lặng của họ. Facebook đã thuê họ để dịch các bản ghi âm, hầu hết đều dựa trên các đoạn hội thoại giữa những người sử dụng Facebook Messenger. Công việc này khá lạ lùng, vì một số đoạn hội thoại chứa những chủ đề và ngôn ngữ thô tục. Thêm vào đó, mạng xã hội khổng lồ này chưa bao giờ đưa ra bất cứ lời giải thích nào về việc vì sao họ cần một số lượng lớn đến vậy các bản phiên âm này.

Vụ việc này vỡ lở ra trước công chúng. Facebook không còn chọn lựa nào khác ngoài việc thừa nhận rằng, những người dùng đã bị bí mật ghi âm qua microphone điện thoại của họ, nhưng cũng thêm rằng đã được cho phép. Dù sao đi nữa, sự cho phép này là cần thiết, và được giấu trong những hàng chữ nhỏ li ti, đối với bất kỳ ai muốn sử dụng hộp thư thoại.

Khi các nhà điều tra rà soát tất cả các chính sách, họ không tìm thấy bất cứ điều khoản nào mà khách hàng cho phép ghi âm các cuộc hội thoại của họ và chuyển cho bên thứ ba để phiên âm. Nói cách khác, người dùng Facebook có thể không đồng ý, ngay cả khi họ muốn.

Công ty này nói rằng họ đã kết thúc dự án này và việc phiên âm chỉ có mục đích thử khả năng nhận biết giọng nói của trí tuệ nhân tạo Facebook. Dù thật hay giả dối, lời lý giải này là sự thú nhận rành rành về việc Facebook đã vi phạm quyền riêng tư.

(Còn tiếp)

Nano

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/su-that-dang-so-ve-facebook-ky-2-4046068-b.html