Sự thật cà phê tươi đang đánh lừa người dùng?

Việt Nam chưa có quy chuẩn công nhận cà phê tươi nhưng có doanh nghiệp đã quảng cáo mập mờ khiến người tiêu dùng bị đánh lừa cảm xúc.

Thế nào được gọi là cà phê tươi?

Thị trường cà phê ở Việt Nam trị giá mỗi năm khoảng 1 tỷ USD, trong đó 65% thị phần cà phê rang xay và 35% còn lại là thị phần cà phê hòa tan khiến cho nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành lương thực - thực phẩm không ngừng nuôi mộng tưởng chiếm lĩnh.

Vào cuối tháng 8/2018, thị trường cà phê tại Việt Nam lại đón thêm một thương hiệu mới mang tên NutiCafé Cà Phê Sữa Đá Tươi của Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood.

Với thế mạnh lâu năm trong lĩnh vực sữa, NutiFood mang tham vọng phát triển dòng sản phẩm cà phê hòa tan không chỉ trong nước mà còn đưa ra ngoài thế giới.

Trong bối cảnh an toàn thực phẩm đang được cả nước quan tâm, đồ ăn thức uống tươi ngày càng lên ngôi thì sản phẩm NutiCafé Cà Phê Sữa Đá Tươi đã có sự tác động mạnh mẽ đến người tiêu dùng Việt Nam khi nhiều người hiểu rằng đây là một sản phẩm tươi, nguyên chất từ hạt cà phê.

Người tiêu dùng đang bị đánh lừa cảm xúc khi sử dụng NutiCafé Cà Phê Sữa Đá Tươi?

Theo quảng cáo của NutiFood, thành phần dinh dưỡng của trong 1 gói cà phê NutiCafé Cà Phê Sữa Đá Tươi 24 gram, có 14% là cà phê hòa tan, 0,5% là cà phê rang xay nhuyễn và còn lại là bột kem thực vật, chất tạo màu, chất tạo ngọt ổn định, chất nhũ hóa…

Như vậy, trong một gói 24gram có 0,12 gam cà phê xay nhuyễn và 1,196 gram cà phê hòa tan.

Chỉ chiếm 14% nhưng cà phê sữa đá đã được gọi là “tươi” và cùng với 0,5% cà phê rang xay nhuyễn (tức tổng lượng cà phê chiếm 14,5%) đã đủ tạo nên một hương vị “tươi” khác biệt, nếu đối chiếu theo những dòng tiếp thị của Nutifood?

Một điểm đáng chú ý trong thành phần dinh dưỡng của gói cà phê 24 gram, nhà sản xuất sử dụng hương cà phê giống tự nhiên.

Trong khi thành phần cà phê rang xay trong NutiCafé Cà Phê Sữa Đá Tươi chỉ có 0,5% thì thành phần tạo nên hương cà phê tự nhiên chính là hương liệu được làm từ các chất gì?

Trao đổi với Đất Việt ngày 10/10, ông Nguyễn Viết Vinh - Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cũng khẳng định, hiện nay Việt Nam chưa có bộ quy chuẩn cụ thể để xác định thế nào là cà phê tươi.

Từ đó, khái niệm "cà phê tươi" chưa được một cơ quan có thẩm quyền nào định nghĩa mà chỉ là quan niệm riêng của mỗi người.

"Hiện nay Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đang phối hợp cùng với Bộ NN&PTNT sớm đưa ra một bộ quy chuẩn về cà phê tươi để các doanh nghiệp, người tiêu dùng xác định rõ về khái niệm này" - ông Vinh cho rằng.

Trong quãng thời gian chờ đợi điều ông Vinh nói, có người cho rằng "cà phê tươi" là sản phẩm không bị pha trộn nhiều, có thành phần chủ yếu là hạt cà phê rang khô và pha ngay sau khi xay.

Chính vì thế, "cà phê tươi" không có độ sánh, không quá ngậy, bọt có màu nâu - nhanh tan, hương cà phê được hình thành từ chính những hạt cà phê chứ không phải là hương liệu tổng hợp

Vào năm 2012, khi Trung Nguyên tung ra thị trường dòng sản phẩm mới định vị là "cà phê tươi" định nghĩa rằng, cà phê tươi là nước cốt cà phê được trích ly từ những hạt cà phê ngon nhất, đóng chai sẵn.

Khi dùng, chỉ cần mở nắp chai Cà Phê Tươi, rót ra ly một lượng vừa phải, pha với đường hoặc sữa và đá để thưởng thức ngay.

Lễ ra mắt sản phẩm NutiCafé Cà Phê Sữa Đá Tươi của NutiFood,

Đừng để cảm xúc lấn át hành vi tiêu dùng

Để đạt được tiêu chí của cà phê tươi thì phải đủ 3 điều: Tươi từ nguyên liệu, tươi từ công nghệ chế biến và tươi bởi luôn giữ được hương vị như một ly cà phê nguyên chất vừa pha.

Theo một giám đốc doanh nghiệp chuyên về thẩm định cà phê ở Đắk Lắk, với thành phần trong một gói sản phẩm NutiCafé Cà Phê Sữa Đá Tươi thì chưa thể được coi là "tươi". Bởi tỷ lệ cà phê nguyên chất quá ít và còn bị pha bởi nhiều chất liệu khác, hương được tạo lên từ hương vị tổng hợp.

"Thông thường với cà phê tươi thì tỷ lệ cà phê nguyên chất càng nhiều càng tốt, thậm chí khi rang không được tẩm thêm nhiều sản phẩm khác vào hạt cà phê. Có nơi sử dụng 100% hạt cà phê tự nhiên, rang mộc.

Vì chưa có quy chuẩn cụ thể nên cà phê tươi được hiểu thế nào là tùy vào mỗi doanh nghiệp, người tiêu dùng lên tỉnh táo trước khi đưa ra quyết định lựa chọn của mình. Đừng để cảm xúc lấn át mà thiếu tỉnh táo ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng" - vị giám đốc này đưa ra lời khuyên.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Thực phẩm cũng cho rằng, từ "tươi" trong ngành thực phẩm được hiểu theo nghĩa cạnh tươi sống, chưa qua chế biến. Còn với những đồ đã qua chế biến thì không thể được gọi là "tươi".

Chính vì thế, ông Thịnh khẳng định không có khái niệm cà phê tươi. "Đã là cà phê qua chế biến, dù có giữ lại hương vị bằng công nghệ trích ly, cô đặc cũng không thể gọi là cà phê "tươi" được. Công nghệ cao và sản phẩm hữu cơ là hoàn toàn khác nhau mà chỉ có thể được gọi là cà phê an toàn, cà phê sạch, cà phê hưu cơ..." - ông Thịnh nói.

Việc dùng từ "tươi" để quảng cáo cà phê khiến nhiều người hiểu lầm, hiểu sai về một sản phẩm được làm từ hạt cà phê tươi vẫn còn chứa nước và chưa qua chế biến. Nhiều nhà sản xuất đã lợi dụng điểm mập mờ này để "lừa" cảm xúc người tiêu dùng nên ông Thịnh đề nghị Việt Nam cần sớm có quy định để quản lý chặt việc quảng cáo này, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cũng cần có ý kiến để người dân không bị nhầm lẫn.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/su-that-ca-phe-tuoi-dang-danh-lua-nguoi-dung-3367152/