Sự suy sụp của đế chế General Electric dưới thời CEO Jeffrey Immelt

Cuốn 'Lights Out: Pride, Delusion, and the Fall of General Electric' đã tái hiện bức chân dung 16 năm Immelt lãnh đạo General Electric (GE).

Thomas Gryta và Ted Mann đã viết trong cuốn Lights Out: Pride, Delusion, and the Fall of General Electric (tạm dịch: Đèn đã tắt: Niềm kiêu hãnh, những dối lừa và sự sụp đổ của General Electric” rằng: “Lợi nhuận chắc chắn… chỉ còn là điều hão huyền. Các thủ thuật kế toán giúp công ty này giống như mang lại lợi nhuận thực chất chỉ là vay từ thu nhập tương lai của công ty”.

 Cuốn sách được ra mắt ngày 21/7. Ảnh: Newyork Post.

Cuốn sách được ra mắt ngày 21/7. Ảnh: Newyork Post.

Được thành lập năm 1892 dưới tay Thomas Edison, J.P. Morgan và một số đối tác khác, con đường phát triển của GE là vô tiền khoáng hậu.

Tập đoàn này xuất hiện từ những ngày đầu trong bảng Chỉ số Công nghiệp Dow Jones, được lập vào năm 1907 và là tập đoàn duy nhất tồn tại trên bảng này 110 năm sau đó.

GE đã phát triển từ công ty điện và chiếu sáng hàng đầu nước Mỹ thành một tập đoàn khổng lồ. Vào đầu thế kỷ 21, GE được định giá 600 tỷ USD, bao gồm hoạt động trong giới truyền thông, nhựa, hàng không vũ trụ, năng lượng, kỹ thuật số, dịch vụ tài chính và nhiều mảng khác.

Nhưng trong khoảng thời gian sau khi Jeffrey Immelt, người tiền nhiệm của Flannery, nghỉ hưu, tất cả tài sản của GE bắt đầu bốc hơi.

Trong năm đầu tiên Flannery bắt đầu làm việc, giá cổ phiếu của GE đã sụt giảm, tương đương hơn 140 tỷ USD giá trị công ty đã biến mất. Con số thiệt hại lớn hơn nhiều sự sụp đổ kinh hoàng của các công ty như Enron và Lehman Brothers.

Suốt nhiều năm, lợi nhuận của GE là một ảo ảnh được xây dựng dựa trên những vụ sáp nhập như vũ bão và sự khôn ngoan trong thủ tục kế toán.

Các khoản tiền được chia cho cổ đông và chi trả cho các đặc quyền và lương thưởng xa hoa của các nhà quản lý phần lớn là các khoản vay dựa trên niềm tin vào sức mạnh tín dụng vàng của công ty từ thời Immelt lãnh đạo GE.

Immelt đã để lại những dấu ấn rất khó khắc phục tại GE. Ảnh: Getty Images; Alamy.

Đế chế GE ra sao dưới thời Immelt?

Các tác giả của cuốn sách đã vẽ nên bức chân dung 16 năm Immelt lãnh đạo GE, khoảng thời gian ông chi tiền hầu như không bị kiểm soát.

Immelt mới chỉ 45 tuổi khi lên vị trí hàng đầu GE vào tháng 9/2001, kế nhiệm huyền thoại kinh doanh Jack Welch. Là một nhân viên bán hàng bẩm sinh, lôi cuốn, sự lạc quan vô bờ bến của Immelt đã thúc đẩy ông liên tục mở rộng tập đoàn và hướng đến những dự án mới gây tiếng vang lớn.

Dưới sự thúc giục của Immelt, nhiều chi nhánh của GE “trả quá nhiều tiền để mua những doanh nghiệp mà họ không hiểu và sau đó bị thị trường đè bẹp”, Gryta và Mann viết.

Tiếp đó, GE đã lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh thế chấp dưới chuẩn ngay trước khi khủng hoảng toàn cầu xảy ra vào năm 2008, điều phần nào dẫn đến việc GE tiếp tục thua lỗ sâu.

Trong khi đó, cấu trúc tập đoàn của GE đặt Immelt ở vị trí cao nhất trong ban giám đốc, về cơ bản biến ông trở thành ông chủ của chính mình.

“Hội đồng quản trị không hoàn toàn hiểu cách GE hoạt động, và… Immelt rất thích điều đó”, sách viết. Các thành viên hội đồng quản trị được đền bù xứng đáng vì họ sẵn sàng cổ vũ Immelt và ông ta cũng sẵn sàng loại bỏ các giám đốc phản đối kế hoạch của mình.

“Dưới thời Immelt, tập đoàn này tin rằng việc sẵn lòng thực hiện mục tiêu đặt ra có thể thay thế các số liệu thực tế”, Gryta và Mann viết rõ.

Đó là công thức cho một thảm họa. Nhà quản lý cấp trung hiểu rằng việc không đạt được các mục tiêu đặt ra có thể cản trở họ leo lên bậc thang cao hơn trong GE. Các trưởng bộ phận "không cần biết cách những người dưới quyền đến đích và điều đó không thực sự quan trọng", các tác giả viết.

Những cách làm này đã dẫn đến kết quả trống rỗng mà Flannery đã phát hiện ra tại GE Power. Công ty này kiếm tiền không phải nhờ vào các máy phát điện và tua-bin chế tạo được mà dựa vào các hợp đồng dịch vụ họ bán về việc bảo trì máy móc.

CEO GE John Flannery (bên trái) cùng CFO Jeff Bornstein (ở giữa) đã phát hiện ra những lỗ hổng tài chính tại đế chế từng gắn với cái tên kinh doanh huyền thoại Jack Welch (bên trái). Ảnh: Newyork Post.

GE suy sụp

Ở tuổi 61, sau 35 năm làm việc tại GE, Immelt tuyên bố nghỉ hưu. Từ lâu Immelt đã lên kế hoạch rời đi vào cuối năm 2017. Hội đồng quản trị đã tiến hành quá trình tìm người nội bộ trong nhiều tháng.

Nhưng sau một hội nghị gây tranh cãi vào tháng 5/2017, khi Immelt buộc phải thừa nhận rằng chi nhánh GE Power có khả năng sẽ làm giảm lợi nhuận hàng năm của GE, ông đã đẩy nhanh tiến độ nghỉ hưu.

Vào tháng 8/2017, Flannery đã nắm quyền và phải mất nhiều tháng để kiểm kê toàn bộ sổ sách. Sau đó, ông tiết lộ công khai tình hình tại một cuộc họp với các nhà đầu tư vào tháng 11 năm đó.

Flannery thú nhận: “Chúng tôi đã trả cổ tức vượt quá dòng tiền tự do của chúng tôi trong một số năm nay”. Ông tiết lộ rằng Immelt đã chi hơn 150 tỷ USD cho các khoản mua lại cổ phiếu khiến giá trị trên mỗi cổ phiếu của GE tăng cao hơn một cách giả tạo.

Trước tình thế không được cải thiện, ban giám đốc mới đã bỏ phiếu sa thải Flannery chỉ sau 14 tháng làm việc, thay thế ông bằng Larry Culp - một CEO mới đến từ bên ngoài vào tháng 10/2018.

Larry Culp nhanh chóng chia tách một số bộ phận nhưng tình trạng chậm chạp của GE vẫn tiếp diễn. Vào tháng 10 năm ngoái, Culp đã đóng băng các khoản hỗ trợ lương hưu cho 20 nghìn nhân viên.

Vào tháng 3 năm nay, đánh dấu nỗ lực cố gắng lèo lái GE, Culp cam kết sẽ từ bỏ mức lương năm 2020 trong khi tuyên bố sa thải 10% bộ phận hàng không.

Cổ phiếu của GE vẫn được giao dịch công khai trên Sàn giao dịch chứng khoán New York, nhưng ở mức thấp hơn một phần tư giá trị cũ.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-suy-sup-cua-de-che-general-electric-duoi-thoi-ceo-jeffrey-immelt-post1126798.html