Sự sụp đổ nhanh chóng của Virgin Australia gióng lên hồi chuông cảnh báo với cả ngành hàng không: Làn sóng phá sản sắp kéo đến, khoản hỗ trợ của chính phủ cũng chỉ mang tính cầm chừng

Việc Virgin Australia đệ đơn phá sản sau một thời gian ngắn chật vật cho thấy những hãng hàng không có vị thế yếu nhất trên thế giới sẽ không đủ thời gian để huy động thêm vốn, trước khi đầu hàng hàng với Covid-19.

Cho đến nay, Virgin Australia đã trở thành hãng hàng không lớn nhất sụp đổ do Covid-19, khi quyền kiểm soát được trao cho công kiểm toán Deloitte. Chưa đầy 2 tháng qua, doanh thu đến từ dịch vụ phục vụ hành khách của công ty có trụ sở tại Brisbane đã giảm gần 1 nửa.

Volodymyr Bilotkach– giảng viên ngành quản lý vận tải hàng không tại Viện Công nghệ Singapore cho biết: "Chúng ta nên dần quen với những thông tin như thế này. Sắp tới, nhiều hãng hàng không cũng đi theo xu hướng tương tự."

Tốc độ "ngã quỵ" nhanh của Virgin Australia cho thấy các công ty trong ngành hàng không không hề phóng đại mức độ đáng báo động của tình trạng sụp đổ ngày càng tăng. Trước đó, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc (IATA), đại diện cho 300 hãng hàng không, cho biết 1 nửa công ty trong ngành sẽ phá sản trong 2 đến 3 tháng nếu không có hỗ trợ từ chính phủ. Nhiều hãng bay đã phải sa thải nhân viên, ngừng hoàn toàn hoạt động của máy bay. Hơn nữa, có 25 triệu việc làm trong ngành và những ngành liên quan sẽ gặp rủi ro.

Tại Australia, chính phủ nước này đã từ chối đề xuất ban đầu về hỗ trợ khoản vay 1,4 tỷ AUD (884 triệu USD) của Virgin Australia. Theo CEO Paul Scurrah, một số đề xuất khác về việc xin viện trợ cũng nhận được phản ứng tương tự, cho đến đề xuất cuối cùng là 200 triệu AUD cũng bị từ chối vào hôm 20/4.

Không chỉ có Virgin Australia, hiện ngày càng có nhiều những hãng bay khác đang gặp khó khăn trong việc kêu gọi sự giúp đỡ từ phía chính phủ.

Virgin Atlantic Airways– chi nhánh tại Anh, đã rất chật vật để thuyết phục chính phủ Anh đưa ra gói hỗ trợ, khi nhà sáng lập, tỷ phú Richard Branson cho biết công ty này sẽ không thể sống sót nếu chính phủ không giúp đỡ.

Ngoài ra, hãng hàng không giá rẻ Norwegian Air Shuttle– đã ngừng bay hoàn toàn, hôm thứ Hai cũng cho biết sẽ đệ đơn phá sản đối với 4 đơn vị phi công và tiếp viên hàng không tại Đan Mạch và Thụy Điển, bởi họ không thể trả lương nhân viên. Công ty này thậm chí đã thực hiện quá trình hoán đổi nợ thành cổ phần để đáp ứng các điều khoản của quỹ cứu trợ từ chính phủ Na Uy.

South African Airways– khoản lợi nhuận gần đây nhất kiếm được làm năm 2011, có kế hoạch sa thải toàn bộ nhân viên sau khi không thể tuyết phục chính phủ cung cấp thêm khoản hỗ trợ tài chính. Đại dịch Covid-19 có thể đã gây quá niều khó khăn cho hãng hàng không 86 tuổi này, bởi ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát, hãng đã phải cân nhắc cắt giảm các chặng bay và nhân sự.

Quay trở lại với Virgin Australia. Với khoản nợ hơn 3 tỷ USD và không hề có lãi trong 7 năm qua, rõ ràng rằng vị thế tài chính của hãng hàng không này đang rất yếu. CEO Scurrah trước đó đã thực hiện kế hoạch "cứu" công ty nhằm giảm nợ và các loại chi phí khi đại dịch bùng phát. Tuy nhiên, cuối cùng, ông đã không có đủ thời gian để đàm phán với chính phủ về khoản hỗ trợ cần thiết.

Ban quản trị tại Deloitte – đang nắm quyền điều hành Virgin Australia, đang nhắm đến mục tiêu tái cấu trúc công ty và tìm những đối tác mua lại trong vòng 3 tháng. Theo Vaughan Strawbridge– 1 trong 4 quản trị viên, cho biết hiện đã có hơn 10 đối tác quan tâm đến thương hiệu này, ông cho biết hiện chưa có kế hoạch thay đổi về các hoạt động của hãng hay sa thải nhân viên.

Trước Virgin Australia, hãng hàng không Flybe là "nạn nhân" đầu tiên của Covid-19, dù đây là hãng bay nội địa lớn nhất nước Anh. Ravn Air Group– sở hữu các hãng bay đến Alaska, gần đầy cũng đệ đơn xin phá sản theo Chương 11, sau khi không đủ khả năng để trả tiền lương cho nhân viên và giúp các máy bay tiếp tục hoạt động. Chưa dừng ở đó, hãng Braathens Regional Airlines có trụ sở tại Thụy Điển cũng đang tái cấu trúc dưới sự bảo hộ của tòa án.

Đối với Virgin Australia, sự sụp đổ của công ty cũng phơi bày nhiều rủi ro khi có một ủy ban điều hành công ty. Hãng này có cấu trúc sở hữu khác thường nhất trong ngành, với 4 tập đoàn hàng không là cổ đông lớn – Singapore Airlines, Etihad Airways, HNA Group và Nanshan Group, mỗi bên nắm giữ 20% cổ phần. Trong khi đó, tỷ phú Branson sở hữu 10%.

Do đó, không có bên nào trong số các nhà đầu tư lớn đó có quyền kiểm soát đối với một hãng hàng không chịu lỗ nhiều năm. Các cổ đông hiện đều ở dưới mức "chủ nợ" khi Deloitee đang nỗ lực để cứu công ty. Ngay cả những nhân viên bị nợ lương cũng được xếp ở vị trí cao hơn các chủ sở hữu trong trường hợp thanh lý tài sản.

Theo IATA, do số lượng chuyến bay nội địa và quốc tế sụt giảm mạnh vì lệnh hạn chế di chuyển, các hãng hàng không sẽ mất tới 314 tỷ USD doanh thu vé máy bay vào năm nay. Cuối tháng 3, Trung tâm Hàng không CAPA tại Sydney cũng dự đoán rằng hầu hết các hãng hàng không sẽ phá sản vào cuối tháng 5 nếu chính phủ và ngành này không cùng thực hiện các bước phối hợp để giảm thiểu tình trạng này.

Thậm chí, đối với 1 số hãng hãng nhận được trợ giúp từ chính phủ, thì khoản hỗ trợ đó chỉ mang tính cầm chừng trong thời gian khó khăn, theo CEO của Baltic – Martin Gauss. Ông cho biết, đối với những hãng hàng không có vị thế yếu nhất, việc phong tỏa đã phần nào giúp họ tránh được những khoản lỗ hoạt động, khi các gói cứu trợ đã chi trả chi phí phí. Do đó, điều quan trọng với họ là tình hình sẽ như thế nào cho đến khi tiếp tục bay. Ông nói thêm, nhu cầu giảm, suy thoái kinh tế và duy trì khoảng cách vật lý và mức độ tổn hại có thể tạo ra một làn sóng phá sản.

Tham khảo Bloomberg

Lục Lam

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/su-sup-do-nhanh-chong-cua-virgin-australia-giong-len-hoi-chuong-canh-bao-voi-ca-nganh-hang-khong-lan-song-pha-san-sap-keo-den-khoan-ho-tro-cua-chinh-phu-cung-chi-mang-tinh-cam-chung-4202022414413310.htm