Sự sống hồi sinh trên vùng đất Sa Ná sau cơn đại hồng thủy

Cơn đại hồng thủy đầu tháng 8/2019 đã cuốn 10 người mất tích và 24 ngôi nhà tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa bị cuốn trôi, khiến mảnh đất này trở nên hoang tàn. Gần 4 tháng nỗ lực khắc phục khó khăn, đến thời điểm hiện tại khi mùa Xuân mới lại về, 51 hộ dân nơi đây đã chuyển đến những ngôi nhà mới khang trang tại khu tái định cư cách bản cũ không xa. Cuộc sống dần được hồi sinh và hứa hẹn một tương lai tươi sáng ở bản làng này.

Cơn đại hồng thủy đầu tháng 8/2019 đã cuốn 10 người mất tích và 24 ngôi nhà tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa bị cuốn trôi, khiến mảnh đất này trở nên hoang tàn. Gần 4 tháng nỗ lực khắc phục khó khăn, đến thời điểm hiện tại khi mùa Xuân mới lại về, 51 hộ dân nơi đây đã chuyển đến những ngôi nhà mới khang trang tại khu tái định cư cách bản cũ không xa. Cuộc sống dần được hồi sinh và hứa hẹn một tương lai tươi sáng ở bản làng này.

Sự sống nảy sinh từ trong cái chết

Những ngày cuối năm 2019, chúng tôi trở lại Sa Ná – Nơi cách đây gần 4 tháng đã xảy ra trận lũ quét kinh hoàng khiến 10 người dân bị mất tích, 24 ngôi nhà bị dòng lũ cuốn trôi, bồi lấp hoàn toàn. Nhà văn Nguyễn Khải đã từng viết “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết/Hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ/Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới/Điều cốt yếu là có đủ sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy” rất đúng trong trường hợp này.

Gần một giờ đồng hồ đi bộ vượt qua con đường đất gồ ghề, trước mắt chúng tôi phía xa xa trên đỉnh núi Pom Ngồ là những dãy nhà cấp 4 được sơn màu xanh da trời nằm sát nhau sau các ngôi nhà sàn truyền thống của người bản địa. Trở lại Sa Ná hôm nay, nhìn vào ánh mắt của những người dân, chúng tôi vẫn cảm nhận được trong ký ức của họ về những ngày kinh hoàng, nhưng đã có sự hồ hởi và lạc quan hơn với cuộc sống mới.

Những ngôi nhà kiên cố được xây dựng tại khu tái định cư mới cho 51 hộ dân bản Sa Ná sau trận lũ quét kinh hoàng.

Những ngôi nhà kiên cố được xây dựng tại khu tái định cư mới cho 51 hộ dân bản Sa Ná sau trận lũ quét kinh hoàng.

Trước kia, để vào được Sa Ná, chúng tôi phải đi bộ, trèo đèo lội suối gần một giờ đồng hồ, nhưng hôm nay việc đi đã thuận tiện hơn khi con đường đất mới được sửa sang lại đã chạy vào tận bản làng. Tối đến, ánh điện từ những ngôi nhà tái định cư khiến lũ trẻ ngây thơ nô đùa, chạy nhảy đuổi bắt nhau khiến không khí bản làng rộn ràng hơn.

Trên diện tích 5,2ha của khu tái định cư mới, chính quyền đã cho xây dựng 19 căn nhà bằng bê tông kiến cố và 32 ngôi nhà sàn theo phong cách truyền thống của người bản địa. Ngoài ra, mỗi gia đình được cấp 240m2 đất ở, có vườn trồng rau quả và xem xét tạo điều kiện để học nghề cho thanh niên. Tùy mức độ thiệt hại, mỗi gia đình được cấp thêm 150-300 triệu đồng từ kinh phí của Nhà nước và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để sớm ổn định cuộc sống khi chuyển đến nơi ở mới. Hiện tại, tất các các hộ dân bị thiệt hại do trận lũ quét và nằm trong khu vực nguy hiểm đã hoàn tất công tác di dời đến nơi ở mới để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.

Lúc chúng tôi đến, anh Hà Văn Vân (29 tuổi) – Một người “đàn ông bất hạnh” nhất bản Sa Ná khi trận lũ quét vừa qua đã cướp đi tính mạng của 5 người thân trong gia đình. Đó là nỗi đau không dễ dàng vượt qua với bất kỳ ai. Nhưng, với chất “kiên cường” của người con núi rừng, được sự giúp đỡ, động viên của bà con hàng xóm, chính quyền địa phương cùng với thời gian vết thương lòng của người đang ông bất hạnh này đã vơi đi phần nào.

Chuyển đến chỗ ở mới khi cái Tết Nguyên đán cận kề, giống như bao gia đình khác, anh Vân cũng tổ chức quét dọn nhà cửa, sắm sửa các vật dụng cần thiết như giường, chiếu, chăn, màn để chuẩn bị cho mùa đông lạnh giá đang đến và cho ngôi nhà bớt hiu quạnh.

Ngôi nhà mới trước thềm xuân mới

Theo quan sát, ngôi nhà của anh Vân rộng khoảng 80m2, có công trình phụ khép kín và khu nhà bếp khá rộng. Ngôi nhà càng rộng hơn khi anh Vân chỉ ở một mình. Sự mất mát là quá lớn, trong suy nghĩ của người đàn ông này vẫn chưa dự tính nhiều gì cho tương lai. Trong lúc trò chuyện với khách, anh Vân không còn vẻ bần thần như hôm vừa xảy ra trận lũ, gương mặt của người đàn ông này đã vui vẻ, hoạt bát hơn xưa.

“Tôi rất cảm ơn chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang và các nhà hảo tâm và người dân địa phương đã chia sẻ, giúp đỡ với cá nhân gia đình tôi và các gia đình bị nạn khác trong trận lũ. Nhờ sự giúp đỡ, quan tâm đặc biệt của mọi người mà tôi có thêm nghị lực, dần vượt qua nỗi đau tận cùng này. Ngôi nhà mới rất tốt, Tết này tôi vẫn một mình. Trước mắt tôi sẽ ổn định chỗ ở, hương khói cho bố mẹ, sau đó sẽ tìm cho mình một công việc để lo cho tương lai”, anh Vân chia sẻ.

"Người đàn ông bất hạnh” Hà Văn Vân đang lau dọn đồ dùng sinh hoạt vừa được mua sắm tại ngôi nhà mới bằng nguồn tiền hỗ trợ của Nhà nước và các nhà hảo tâm.

Cũng giống như gia đình anh Vân, trận lũ quét kinh hoàng kia đã cướp đi của gia đình anh Hoàng Xuân Luyến (45 tuổi) một đứa con trai và xóa sổ ngôi nhà và toàn bộ tài sản mà vợ chồng anh bao năm tích góp. Anh Luyến là một trong 51 hộ dân được giao một ngôi nhà rộng 80m2 tại khi tái định cư mới cùng 300 triệu đồng tiền hỗ trợ.

Ông Lương Văn Chon, người bị lũ quét cuốn trôi hồi tháng Tám, may mắn mắc kẹt trên ngọn cây và được lực lượng chức năng cứu thoát sau gần một ngày “vật lộn” với tử thần không giấu được sự xúc động được chuyển đến ngôi nhà mới khi trò chuyện với phóng viên. Ông gửi lời cảm ơn tới sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và những nhà hảo tâm đã cứu ông từ cõi chết trở về và hỗ trợ gia đình ông có một ngôi nhà mới, khang trang và an toàn hơn.

Ông Vũ Văn Đạt - Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết, sau trận thiên tai, với quyết tâm phải xây dựng một khu tái định cư mới cho 51 hộ dân trong thời hạn 3 tháng. Dù điều kiện thời tiết mưa bão, giá rét khắc nghiệt nhưng chúng tôi đã rút ngắn thời gian thi công và hoàn thành khu tái định cư mới vượt thời gian dự kiến hơn 1 tháng liền. Tất cả các hộ dân chuyển đến nơi ở mới đều rất hài lòng, hồ hởi và đã ổn định cuộc sống.

Các hạ tầng thiết yếu như điện, đường, nước sinh hoạt... đang từng bước được hoàn thiện và trước Tết Dương lịch 2020. Tuy nhiên, về lâu dài vấn đề sinh kế, việc làm, đời sống cho bà con nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và thêm nỗ lực bản thân người dân.

“Huyện đang rà soát toàn bộ diện tích đất sản xuất của nhân dân để tính toán cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện. Đồng thời, có cơ chế thu hút doanh nghiệp vào giải quyết việc làm cho bà con có cuộc sống mới ổn định. Xuân này, Sa Ná sẽ được tổ chức tết vùng cao, Tết trồng cây thật đầm ấm. Thời gian tới còn những khó khăn nhất định nhưng tôi mong rằng bà con Sa Ná cố gắng khắc phục, xây dựng tình đoàn kết sớm xây dựng bản Nông thôn mới và tiến tới là bản Nông thôn mới kiểu mẫu”, ông Đạt cho hay.

XUÂN CHINH

Bài đăng trên ấn phẩm báo in số 11+12+13+14+ Số 3+4 (Chủ Nhật) + Số 3 (Tháng)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/su-song-hoi-sinh-tren-vung-dat-sa-na-sau-con-dai-hong-thuy-a308495.html