'Sự ra đời của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là rất cần thiết'

VH- Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện vừa có buổi làm việc với Cục Điện ảnh về Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chủ trì buổi làm việc

Báo cáo Bộ trưởng, Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan cho biết, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là giải pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng nội dung, nghệ thuật, kỹ thuật của các tác phẩm điện ảnh, xúc tiến quảng bá đất nước, con người và điện ảnh Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, cơ chế đặt hàng sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước chưa bao gồm sản xuất các phim nghệ thuật và phim đầu tay. Vì vậy, sự ra đời của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ đặc biệt hiệu quả trong việc hỗ trợ, khuyến khích các tài năng sáng tạo, duy trì và phát triển dòng phim nghệ thuật. Qua đó, tạo sự hài hòa trong phát triển giữa các dòng phim.

Lãnh đạo Cục Điện ảnh cũng chia sẻ, sản xuất phim là một lĩnh vực cần có sự đầu tư kinh phí lớn, tuy nhiên việc thu hồi vốn để tái đầu tư lại gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nguy cơ gặp rủi ro cao, đặc biệt là các phim nghệ thuật. Vì vậy, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh cũng có vai trò để hỗ trợ, khuyến khích và chia sẻ khó khăn với các nhà sản xuất.

Theo bà Ngô Phương Lan, nhờ chính sách mở cửa và các quy định thông thoáng của pháp luật, các doanh nghiệp phát hành, kinh doanh chiếu phim tại Việt Nam đang thu lợi nhuận lớn từ kinh doanh chiếu phim, nhưng đa số lợi nhuận chủ yếu từ chiếu phim nước ngoài nhập khẩu. Ngoài việc đóng thuế thu nhập doanh nghiệp thì các doanh nghiệp này chưa thực hiện nghĩa vụ tái đầu tư, đóng góp lợi nhuận cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam một cách đều đặn, cụ thể. Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh do đó càng cần được thúc đẩy sự ra đời, với những quy định phù hợp về việc đóng góp tài chính từ doanh thu của doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim đối với sự phát triển của nền điện ảnh dân tộc.

Theo Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, Quỹ này sẽ có vốn do Thủ tướng Chính phủ cấp khi thành lập; ngoài ra là các nguồn thu tăng thêm, bao gồm nguồn từ việc trích tỉ lệ phần trăm trên giá vé xem phim tại các rạp chiếu (đề nghị 3%); nguồn thu từ phát hành, phổ biến những phim được sản xuất có sử dụng ngân sách nhà nước sau khi đã trừ đi chi phí phát hành và các chi phí khác theo quy định hiện hành; nguồn thu từ các khoản đóng góp tự nguyện, viện trợ, tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn hợp pháp khác...

Đối tượng được Quỹ hỗ trợ là các nhà làm phim; các tác phẩm điện ảnh; dự án sản xuất phim, bao gồm kịch bản, dự án sản xuất, quảng bá phim; các dự án đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức trại sáng tác (sáng tác kịch bản và xây dựng dự án sản xuất phim), hoạt động quảng bá, phát hành phim Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực sản xuất phim còn hạn chế thì sự ra đời của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là rất cần thiết, qua đó tạo động lực thúc đẩy các nhà làm phim cho ra đời những tác phẩm chất lượng, hỗ trợ những nhà làm phim trẻ…

Bộ trưởng yêu cầu, cần thúc đẩy hoàn thành đề án Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Đồng thời, Cục Điện ảnh cũng cần có cơ chế khích lệ, huy động các nguồn vốn xã hội tham gia vào Quỹ.

Để phong trào TDĐKXDĐSVH phù hợp giai đoạn mới

Sáng 19.7, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã làm việc với Cục Văn hóa cơ sở để nghe báo cáo về công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH.

Theo báo cáo của Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương, Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH giai đoạn 2000- 2018, đề xuất giải pháp tổ chức thực hiện phong trào phù hợp với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Đồng thời, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của Phong trào TDĐKXDĐSVH trong việc góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội, tăng cường nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào.

“Hội nghị phải đảm bảo đánh giá toàn diện kết quả đạt được cũng như những hạn chế, khó khăn, nguyên nhân và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phong trào trong thời gian tới”, bà Ninh Thị Thu Hương khẳng định.

Dự kiến tổ chức vào cuối tháng 8 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội), Hội nghị sẽ có 250 đại biểu tham dự. Theo Cục Văn hóa cơ sở, những nội dung chính sẽ diễn ra tại Hội nghị gồm: Phóng sự khái quát quá trình hình thành và triển khai thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH giai đoạn 2000- 2018; đóng góp ý kiến dự thảo Nghị định quy định về xét tặng GĐVH, Khu dân cư văn hóa...

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện lưu ý, công tác chuẩn bị cho Hội nghị cần được triển khai khẩn trương, chu đáo. Bên cạnh các nội dung chính, công tác hậu cần cùng các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị cần được tập trung chuẩn bị. “Đánh giá kết quả thực hiện Phong trào trong một giai đoạn dài từ 2000-2018, các báo cáo, phóng sự... cần có nội dung mang tính bao quát. Trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp tổ chức thực hiện phong trào phù hợp với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới...”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

BẢO TỒN VĂN HÓA DTTS: Trọng tâm và hiệu quả

Hoạt động lễ hội của đồng bào các dân tộc tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

Cũng trong sáng 19.7, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã làm việc với một số Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ để nghe báo cáo và rà soát các đề án, dự án liên quan đến bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Vụ Văn hóa dân tộc đã trình bày báo cáo đánh giá 7 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27.7.2011 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020”, với 6 dự án thành phần được giao cho các đơn vị chức năng xây dựng và triển khai thực hiện. Đó là các dự án:“Xây dựng bộ chỉ số phát triển văn hóa các DTTS đến năm 2020. Tổng kiểm kê di sản văn hóa các DTTS”, “Bảo tồn khẩn cấp và hỗ trợ, tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc, bài trừ hủ tục ở vùng đồng bào DTTS”,“Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở vùng DTTS”, “Gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS”, “Giới thiệu quảng bá các tác phẩm VHNT và các di sản văn hóa tiêu biểu của các DTTS và đưa giáo dục văn hóa truyền thống của các DTTS vào trường học”,“Chương trình hoạt động, lễ hội và biểu diễn VHNT các dân tộc cấp tỉnh, vùng và quốc gia giai đoạn 2011 –2020”.

Rà soát các đề án, dự án liên quan đến bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS, Bộ trưởng lưu ý, bảo tồn văn hóa các DTTS cần đi vào những vấn đề cụ thể, thiết thực, không chung chung, trừu tượng. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án thành phần cần tập trung tìm giải pháp tháo gỡ. Bộ trưởng giao Vụ Văn hóa dân tộc là cơ quan chịu trách nhiệm tổng hợp; các Cục, Vụ, đơn vị chịu trách nhiệm về từng dự án thành phần xây dựng các báo cáo, từ đó đóng góp cho báo cáo tổng hợp nhằm đảm bảo yêu cầu, nâng cao hiệu quả thực hiện đề án.

Nhóm P.V; ảnh: TRẦN HUẤN

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/s%E1%BB%B1-ra-%C4%91%E1%BB%9Di-c%E1%BB%A7a-qu%E1%BB%B9-h%E1%BB%97-tr%E1%BB%A3-ph225t-tri%E1%BB%83n-%C4%91i%E1%BB%87n-%E1%BA%A3nh-l224-r%E1%BA%A5t-c%E1%BA%A7n-thi%E1%BA%BFt