Sự ra đi của Chadwick Boseman là lời cảnh tỉnh về body shaming

Nhiều người dùng mạng xã hội sẵn sàng tấn công, chỉ trích ngoại hình một cá nhân bất kỳ chỉ qua vài tấm ảnh mà không quan tâm câu chuyện đằng sau đó.

Ngày 28/8, Chadwick Boseman (43 tuổi), nam diễn viên nổi tiếng vào vai siêu anh hùng T’Challa trong phim Black Panther, đã qua đời sau 4 năm âm thầm chống chọi với căn bệnh ung thư đại tràng.

Trong những năm tháng cuối đời, Boseman đồng thời phải đối mặt với nạn body shaming của cộng đồng mạng. Hồi tháng 5, cánh paparazzi ghi lại hình ảnh anh chống gậy, thân hình gầy guộc ngoài phố. Tấm ảnh đó đã thu hút hàng trăm nghìn bình luận trên Internet.

Phần lớn cho rằng Boseman đang chuẩn bị cho vai diễn sắp tới. Nhưng cũng có người suy diễn rằng đó là hậu quả của việc nam diễn viên nghiện ngập, sử dụng ma túy.

Một số khác nhận xét anh quá gầy so với hình ảnh “Báo Đen” vạm vỡ trên màn ảnh. Thông thường, cánh đàn ông xem ngoại hình nhỏ bé hoặc còi cọc có thể là “nỗi nhục nhã và đáng xấu hổ”.

 Boseman phải sử dụng gậy chống để di chuyển khi bệnh tình ngày một xấu đi. Ảnh: Just Jared.

Boseman phải sử dụng gậy chống để di chuyển khi bệnh tình ngày một xấu đi. Ảnh: Just Jared.

Chỉ một số ít bày tỏ sự lo lắng cho sức khỏe của Boseman. Không mấy ai biết rằng ẩn sau vẻ ngoài đó là một người đang âm thầm chiến đấu với bệnh ung thư.

Trên thực tế, các nhà nghiên cứu khẳng định cơ thể khỏe mạnh có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau.

Không có căn cứ nào cho thấy việc thay đổi cân nặng là hoàn toàn xấu hoặc tốt cho sức khỏe. Điều ấy còn phụ thuộc thể trạng và hoàn cảnh sống của mỗi cá nhân.

Tuy nhiên, sự thật đó không đủ để ngăn cản vấn nạn châm chọc và miệt thị ngoại hình của người khác trên mạng.

Kelly Coffey, huấn luyện viên thể hình và tư vấn sức khỏe chuyên nghiệp, cho biết việc một bộ phận công chúng miệt thị ngoại hình của chàng “Báo Đen” chính là thực trạng của người dùng Internet thời nay.

“Những chỉ trích nhằm vào vẻ ngoài của Boseman thời gian qua đã phản ánh cái nhìn hời hợt của cộng đồng mạng đối với một cá nhân bất kỳ. Họ sẵn sàng đưa ra bình luận khiếm nhã, tiêu cực trong khi cơ sở đánh giá duy nhất của họ là vài bức ảnh trên mạng”, Coffey nhận định.

Cô nói thêm: “Mọi người cần phải nhớ rằng những gì chúng ta thấy trên mạng chỉ là một khía cạnh, không phải là toàn bộ câu chuyện đằng sau nó. Vì vậy, hãy luôn tôn trọng và bao dung với mỗi cá nhân và ngoại hình của họ”.

Nạn nhân của công chúng

Erika Vargas, bác sĩ tâm lý học lâm sàng vị thành niên người Mỹ, cho biết theo định nghĩa phổ biến nhất, body shaming là hành động chế giễu, nhạo báng hình dáng hay kích thước cơ thể người nào đó.

“Body shaming biểu hiện theo nhiều cách như tự chê bai bản thân hoặc so sánh với người khác, chỉ trích trước mặt, bình phẩm sau lưng nạn nhân”, nữ bác sĩ chỉ ra.

Theo cách có ý thức hoặc vô thức, miệt thị ngoại hình dường như ngày càng khắc sâu vào tư tưởng của mọi người, trở thành định kiến về vẻ bề ngoài của những cá nhân không quen biết, đặc biệt là người nổi tiếng.

Do đặc thù công việc thường xuyên xuất hiện trước công chúng, những ngôi sao dễ dàng trở thành mục tiêu tấn công của cộng đồng mạng. Thay vì đề cao giá trị nghệ thuật mà các ca sĩ, diễn viên và người mẫu đóng góp cho xã hội, một bộ phận công chúng lại chỉ tập trung chỉ trích vào những khuyết điểm trên cơ thể họ.

Việc tăng và giảm cân thất thường khiến Selena Gomez trở thành mục tiêu chỉ trích của công chúng. Ảnh: Splash News.

Vì tăng cân trong thời gian đối phó với bệnh Lupus ban đỏ, Selena Gomez phải đối mặt rất nhiều lời chê bai.

“Tôi bắt đầu để ý rằng mọi người đang chỉ trích vì mình tăng cân. Đó là sự thật. Tôi tăng và giảm cân nhiều lần, phụ thuộc vào những biến động trong cuộc sống của tôi. Và chuyện tăng cân ấy thực sự khiến tôi tổn thương”, nữ ca sĩ cho biết.

Những chỉ trích về ngoại hình cùng với nhiều biến cố khác trong cuộc sống khiến giọng ca sinh năm 1992 bị ảnh hưởng cả về sức khỏe tinh thần lẫn thể chất. Nữ ca sĩ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực và trầm cảm, bên cạnh căn bệnh Lupus.

Sau ca phẫu thuật ghép thận, Selena Gomez phải đi điều trị tâm lý và ngừng sử dụng mạng xã hội trong 2 năm.

Năm 2018, Gigi Hadid đối mặt với những chỉ trích vì cơ thể quá gầy gò sau khi tham dự Tuần lễ thời trang New York. Trước đó, công chúng lại chê trách khi cô tăng cân, mất vóc dáng hoàn mỹ của một người mẫu. Không ai biết Hadid đang phải đấu tranh với bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto.

“Trong những năm qua, tôi cố gắng điều trị và dùng thuốc để giảm các triệu chứng của căn bệnh này, như mệt mỏi cực độ, các vấn đề trao đổi chất, mất khả năng giữ nhiệt của cơ thể. Tôi có thể ‘quá gầy’ đối với một số người, nhưng thành thật mà nói, tôi đang cảm thấy khỏe mạnh hơn từ bên trong. Hơn nữa, cơ thể tôi vẫn tiếp tục phát triển ở tuổi 23 như những người khác”, cô phản bác lại các bình luận tiêu cực trên Twitter.

Demi Lovato tái nghiện 2 lần do không chịu nổi áp lực dư luận. Ảnh: Shutter.

Chuyên gia về chứng rối loạn ăn uống Carolyn Costin, người từng điều trị cho nhiều ngôi sao Hollywood, cho biết không ít nhân vật nổi tiếng trở thành nạn nhân của chất kích thích hoặc ma túy đá vì muốn giảm cân tức thì. Những loại thuốc này có tác dụng làm mất vị giác và giảm cơn thèm ăn.

Bắt nguồn từ việc bị body shaming, Demi Lovato từng tìm đến rượu, chất kích thích, thậm chí rạch cổ tay để trốn tránh thực tế. Chia sẻ với Access Hollywood, giọng ca sinh năm 1992 cho rằng không thể sống thiếu chất cấm quá một giờ, từng mang chúng lên máy bay, trốn vào nhà vệ sinh để sử dụng.

Ở châu Á, nạn body shaming cũng độc hại không kém gì phương Tây. Kiểm soát cân nặng trở thành một trong những nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu đối với các thần tượng, đặc biệt là tại thị trường âm nhạc Kpop.

"Lần trở lại của Park Bom mang lại nhiều nỗi thất vọng: gương mặt sưng phồng, thân hình quá khổ, phong cách thời trang lỗi thời. Còn đâu mỹ nhân ngày xưa".

Đó là bình luận của một khán giả để lại dưới bài viết lần xuất hiện mới nhất của Park Bom tại lễ trao giải Grand Bell Awards 2020 hôm 3/6 vừa qua. Khán giả khó lòng nhận ra cựu thành viên 2NE1 với gương mặt sưng phồng.

Park Bom hứng chịu chỉ trích ngoại hình kể từ năm 2014 tới nay. Ảnh: Xports News.

Đối mặt vấn đề này, phía giọng ca sinh năm 1984 khẳng định gương mặt khác lạ là do biến chứng căn bệnh sưng hạch bạch huyết. Tuy nhiên, lý giải này không được khán giả chấp nhận. Hình thể của Park Bom vẫn bị tiếp tục mang ra bàn tán.

Trước đó, Park Bom từng nghẹn ngào kể lại quãng thời gian sống trong chỉ trích ở một bài phỏng vấn năm 2018. 5 năm kể từ khi scandal sử dụng loại thuốc thuộc danh mục cấm, cô chưa từng một lần ra đường mua sắm vật dụng. Cô rất áp lực khi xuất hiện trước khán giả một cách trực diện.

Trước khi qua đời vào năm 2019, cựu thành viên nhóm nhạc f(x) Sulli từng là nạn nhân của body shaming.

Trong một lần f(x) làm khách mời tại chương trình Hello Counselor năm 2013, một khán giả nam nhận xét cả 5 thành viên nên giảm cân ngay trên sóng truyền hình. Anh ta nhấn mạnh vào Sulli vì cho rằng “cánh tay và bắp chân của cô khá béo”.

Năm 2015, trước những áp lực dư luận bủa vây, cô tuyên bố chấm dứt hoạt động cùng f(x) và chính thức ngừng sự nghiệp ca hát. Tuy nhiên, nữ idol vẫn phải hứng chịu nhiều lời chửi rủa cay nghiệt, soi mói của dân mạng về lối sống cá nhân của mình. Tháng 10 vừa qua, Sulli chọn cách tự sát để giải thoát.

MXH khiến body shaming vượt tầm kiểm soát

Body shaming rất nguy hiểm với những số liệu đáng lo ngại. Theo thống kê của trang Bully Statistics, có tới 94% nữ giới và 84% nam giới bị ảnh hưởng bởi vấn đề miệt thị ngoại hình. Ngoài ra, hơn 60% người trưởng thành “cảm thấy xấu hổ” về vẻ bề ngoài của mình.

“Mạng xã hội ngày càng làm trầm trọng thêm nạn body shaming, nhất là khi chúng ta đang sống trong văn hóa trực quan, nơi những bức ảnh về cơ thể người khác được chia sẻ liên tục”, tiến sĩ Jenny Cole, giảng viên bộ môn Tâm lý học ở ĐH Manchester Metropolitan (Anh), cho biết.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra Internet là nơi lý tưởng cho body shaming khi người ta thoải mái viết những điều khủng khiếp về người khác đằng sau màn hình điện thoại hay máy tính, theo Deccan Herald. Các cá nhân giấu mình sau những lời bình phẩm trên mạng dễ dàng buông lời chê bai bất chấp hậu quả xảy đến với nạn nhân.

Việc Sulli tự tử là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với nạn body shaming và bắt nạt trực tuyến ở ngành công nghiệp Kpop. Ảnh: Sullijj.

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, miệt thị ngoại hình có thể gây ra bệnh trầm cảm, rối loạn ăn uống, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tinh thần và thể chất. Không ít người tìm đến cái chết sau một thời gian là nạn nhân của body shaming.

“Bạn không thể đánh giá sức khỏe của một ai đó chỉ thông qua ngoại hình của họ. Hơn nữa, nhận xét ấy hoàn toàn vô nghĩa và chẳng hiệu quả chút nào nếu bạn đang viện cớ rằng ‘tôi chỉ muốn giúp họ thôi mà’. Trên thực tế, body shaming sẽ dẫn đến những hành vi tồi tệ hơn cho sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần”, tiến sĩ Jenny Cole cho biết.

Hồng Chang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-ra-di-cua-chadwick-boseman-la-loi-canh-tinh-ve-body-shaming-post1129038.html