Sự phục thù của các nhà văn nữ

Sau Nobel văn chương cho Annie Ernaux, 6 trong số 11 giải thưởng văn học lớn tại Pháp, trong đó có cả giải Goncourt danh giá, đã gọi tên những nhà văn nữ.

 Nhà văn Annie Ernaux. Ảnh: Sophie Bassouls/Sygma.

Nhà văn Annie Ernaux. Ảnh: Sophie Bassouls/Sygma.

Tờ Le monde gọi sự lên ngôi của các nhà văn nữ là một cuộc phục thù đẹp đẽ. Phải chăng các nữ nhà văn Pháp cuối cùng cũng được công nhận? Bỗng nhiên 2 nữ tác gia đoạt 2 giải thưởng danh giá bậc nhất mà giới văn sĩ Pháp vẫn hằng mơ ước. Tháng 10, Annie Ernaux trở thành nữ nhà văn người Pháp đầu tiên giành giải Nobel Văn chương. Đầu tháng 11, Brigitte Giraud nhận giải Goncourt cho tác phẩm Vivre vite và ngay lập tức, Nhà xuất bản Flammarion in thêm 400.000 bản sách ra thị trường. Trong chiều dài lịch sử 120 năm của giải thưởng này, Giraud là người phụ nữ thứ 13 được nhận giải.

Một số nhà văn nữ khác cũng đã được tôn vinh xứng đáng: Claudie Hunzinger giành giải Femina cho cuốn Un chien à ma table, Emmanuelle Bayamack-Tam đoạt giải Médicis và giải Landerneau với cuốn La treizìeme Heure. Lola Lafon nhận giải Décembre và giải Inrockuptibles cho cuốn Quand tu écouteras cette chanson. Và nhà văn Joffrine Donnadieu cùng cuốn Chienne et louve được giải Flore vinh danh.

Ngoài ra, còn có Anne Berest, một cái tên quen thuộc với độc giả Pháp cũng được tạp chí Elle trao Giải thưởng Lớn do độc giả bình chọn (Grand Prix des lectrices) cho cuốn La Carte postale. Sandrine Collette nhận giải Jean-Giôn và giải Renaudot cho thanh thiếu niên. Claire Castillon nhận giải Vendredi cho văn học trẻ với cuốn Les longueurs.

Tổng cộng, sáu trong số mười một giải thưởng văn học lớn của nước Pháp trong năm nay đã được trao cho phụ nữ. Thông thường, chỉ có khoảng 24% người chiến thắng là nữ ở các mùa giải. Nhưng năm nay, tỷ lệ đã lên tới 41%. Tỷ lệ này mới chỉ xuất hiện có 5 lần khác trong hơn một thế kỷ qua, ba lần kể từ năm 2010.

Nhà văn Amélie Nothomb. Ảnh: carnet-du-journaliste.

Tháo gỡ rào cản cho phụ nữ

“Xu hướng nghe chiều tích cực, nhưng nhìn chung vẫn còn xa mới cân bằng được tỷ lệ giữa nam và nữ”, Sylvie Ducas, một giáo sư tại Đại học Paris-Est-Créteil, nhận xét. “Cứ mỗi năm lại có thêm nhiều tác giả nữ được vinh danh hơn. Giải thưởng không còn là một thứ chỉ dành cho nam giới nữa. Tuy vậy, vấn đề bình đẳng giới ở các giải thưởng này vẫn còn nhiều chuyện để bàn".

Tỷ lệ phụ nữ đoạt Nobel Văn chương qua các thập kỷ. Nguồn: Le monde.

Theo Julien Marsay, tác giả sách La revanche des autrices, trong nhiều thế kỷ, “xã hội đã sắp đặt để phụ nữ không được công nhận”. Những người phụ nữ như Christine de Pisan, Marie de Gournay, Madeleine de Scudéry hay Olympe Audouard đều là những cây viết cừ khôi, nhưng họ bị trôi vào quên lãng một cách có hệ thống.

Nữ giáo sư nói: “Sự ghét bỏ phụ nữ đạt đỉnh vào thế kỷ XIX, giai đoạn mà lịch sử văn học hầu như chỉ dành cho nam, thứ lịch sử này trở thành bài giảng trong suốt thế kỷ XX”. Mãi đến những năm gần đây, các nghiên cứu về vị trí của phụ nữ trong văn học mới xuất hiện rải rác trong các trường đại học.

Việc tháo gỡ những rào cản cho phụ nữ không phải là một việc hoàn thành được trong một sớm một chiều. Cần ghi nhận rằng ngày càng nhiều phụ nữ viết văn và tìm đến các nhà xuất bản.

Theo thống kê của Livre Hebdo, mùa thu năm nay, 65% trong số 90 tiểu thuyết đầu tiên ra mắt vào mùa văn học được sáng tác bởi phụ nữ. Trưng ra trước các hiệu sách, ta thấy tên của những tác giả nữ gạo cội như Virginie Despentes hay Amélie Nothomb.

Trước kia, để được ghi nhận trong giới văn chương, phụ nữ phải dùng bút danh nam tính hay trung tính để đánh lừa độc giả, như trường hợp của André Magdeleine Husson, dùng bút danh André Corthis, giành giải Femina 1906; của Madeleine Pottier, dùng bút danh Jacques Morel, giành giải Femina 1912; của Marguerite Lemesle, dùng bút danh Dominique Dunois, giành giải Femina 1928… Giờ đây, các tác gia nữ không còn cần làm thế nữa.

Có một số thông số cũng đáng được lưu ý, đó là tỷ lệ nam-nữ trong danh sách đề cử. Nếu như giải Médicis có tỷ lệ 1 nam 7 nữ (người thắng là nữ), thì giải Interallíe lại có tỷ lệ 4 nam 1 nữ (người thắng là nam).

Trong khi đó, Giải Goncourt có một tỷ lệ khá cân bằng, dù vậy, không phải không có khó khăn nào cho hội đồng. Didier Decoin, Chủ tịch Viện Goncourt, chia sẻ với tuần báo Le Journal du dimanche vào đầu tháng 7: “Chúng tôi muốn vinh danh nhiều sách do tác giả nữ viết hơn chứ, nhưng sự thật là không có nhiều”. Nhận định của ông về sách của tác giả nữ bị cây viết Denis Cosnard của tờ Le monde nhận xét là thô bạo và vụng về.

Vào giai đoạn cuối của quá trình chấm giải, các hội đồng cũng có lối vận hành khác nhau. Ở một đầu thành phố, hội đồng Interallíe và Viện hàn lâm Pháp được ví như các câu lạc bộ nam giới: kể từ năm 2000 đến nay, cả hai hội đồng chỉ chọn ra được 3 nhà văn nữ, trong khi số nhà văn nam được vinh danh lên đến 20.

Tính cụ thể từng hội đồng, ta thấy tỷ lệ nhà văn nữ đoạt giải Goncourt là 17%, giải Décembre là 22%, giải Flore là 20%, giải Livre Inter và giải Femina đều là 35%, giải Médicis và Renaudot cùng là 39%, Goncourt cho thanh thiếu niên (Goncourt des lyceéns) là 45%. Chỉ có Giải thưởng Lớn do độc giả tạp chí Elle bình chọn có tỷ lệ quá bán, với 61% người đoạt giải là nữ.

Số phụ nữ đoạt giải văn chương lớn của Pháp. Nguồn: Le monde.

Cây viết Denis Cosnard phê phán lối tư duy của một số hội đồng giám khảo, cho rằng họ chật vật trong việc tìm kiếm tài năng nữ, trong việc đánh giá cao và vinh danh tác giả nữ là do quan điểm thiển cận của họ.

Trong khi các hội đồng chấm giải hầu như do nam giới thống trị thì ở Pháp, độc giả nữ lại chiếm đa số. Hội đồng Interallíe có 10 thành viên toàn nam, không có bóng một phụ nữ nào. Viện hàn lâm Pháp chỉ bắt đầu mở cửa chào đón thành viên nữ một cách ngập ngừng vào năm 1980, cho đến nay vẫn chỉ có 6 thành viên nữ, số thành viên nam thì lên tận 29 người. Chỉ le lói có hội đồng Femina và Elle là 2 hội đồng toàn nữ, đối chọi với tính nam kiên cố của những giải thưởng lâu đời.

Có một giai thoại nổi tiếng về sự phân biệt giới tính của hội đồng giải Goncourt, đó là vào những năm đầu tiên của giải thưởng này, Joris-Karl Huysmans, một thành viên cốt cán, đã đặt ra một quy định nghiêm ngặt: “Không chứa cái váy nào trong hội đồng”.

Phải đến năm 1945, một hội viên nữ (nhà văn Colette) mới được gia nhập. Hiện tại, Viện Goncourt có 3 nữ, 7 nam. Philippe Claudel, một thành viên hội đồng chia sẻ: “Tôi vẫn cố đảm bảo rằng hội đồng luôn hướng tới một hệ thống bình đẳng hơn. Dù vậy, chặng đường vẫn còn dài”.

Minh Hùng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-phuc-thu-cua-cac-nha-van-nu-post1382363.html