Sự phô trương của tràng vỗ tay kéo dài 5, 7, 22 phút tại Cannes
Những tràng pháo tay kéo dài trở thành đặc sản của Liên hoan phim Cannes, nhưng dễ trở nên phô trương và gây ngại ngùng cho chính người được tán dương.
5 phút cho Aline, 7 phút cho Jeanne du Barry, 9 phút cho The French Dispatch.
Liên hoan phim Cannes từ lâu đã nổi tiếng với những tràng pháo tay kéo dài khác thường. Truyền thống này có lẽ đã đạt đến đỉnh điểm khi Pan's Labyrinth nhận được 22 phút tán thưởng vào năm 2006.
Mặc dù sự hoan nghênh nhiệt liệt là cách tôn vinh phổ biến đối với nghệ thuật, một tràng vỗ tay kéo dài trong nhiều phút cũng có thể trở nên khó xử. Các thành viên của Once Upon a Time in Hollywood đã nhăn nhó khi được vỗ tay trong suốt 7 phút vào năm 2019.
Diễn viên Adam Driver thể hiện rõ sự chán nản khi máy quay lia đến anh trong 5 phút vỗ tay cho Annette.
Năm 2019, khi tiếng vỗ tay dành cho Parasite không ngớt sau vài phút, đạo diễn Bong Joon Ho bị camera bắt gặp cảnh ông phàn nàn rằng mình đói bụng.
Jean-Baptiste Cortet, người đã làm việc cho Cannes hơn 30 năm và bắt đầu quay phim tràng vỗ tay nhiệt liệt của liên hoan phim cách đây 7 năm, nói với The New York Times: "Tôi có thể thấy các diễn viên khó chịu như thế nào và hoàn toàn cảm nhận được điều đó. Tôi không bao giờ muốn đứng ở vị trí của họ".
Lịch sử
Độ dài của tràng pháo tay đóng vai trò đại diện cho mức độ nổi tiếng của bộ phim, đạo diễn hay dàn diễn viên, nhưng sự hoan nghênh này đôi khi chỉ là nghĩa vụ hoặc bắt chước.
"Hiện tượng này không xuất hiện ở các lễ hội, liên hoan khác khiến tôi tự hỏi liệu những tràng pháo tay nhiệt liệt nhận được ở những nơi khác có phải là phản ứng chân thực hơn của khán giả hay không", Kellie Lail, nhà phê bình và là người tham dự Cannes 2021, nói.
Cristina Bicchieri, giáo sư tại Đại học Pennsylvania, người nghiên cứu về các chuẩn mực xã hội, nói rằng những tràng pháo tay có thể bắt nguồn từ thời cổ đại. Trong lễ kỷ niệm của người La Mã, vỗ tay là "một dấu hiệu của sự tôn trọng" dành cho các vị tướng trở về từ chiến trường.
Tại một liên hoan phim, và đặc biệt là Cannes theo kiểu cũ, sự tôn kính, vinh danh theo cách tương tự cũng diễn ra.
Tuy nhiên, khi những tràng pháo tay trở nên quá dài và quá phổ biến tại liên hoan phim, lời chế giễu về nó cũng tràn lan trên mạng xã hội.
Năm nay, The Guardian có bài viết Clapped out: do film festival standing ovations really mean anything? (tạm dịch: Vỗ tay: Sự hoan nghênh nhiệt liệt tại liên hoan phim có thực sự có ý nghĩa gì không?). Còn Esquire Middle East đăng tải bài Why Cannes 'standing ovation' reporting has gotten out of hand? (tạm dịch: Tại sao tường thuật vỗ tay nhiệt liệt tại Cannes đã vượt quá tầm kiểm soát).
Nói lên điều gì?
Trên thực tế, những tràng pháo tay kéo dài của Cannes đưa ra những ví dụ về cách con người ảnh hưởng lẫn nhau trong tiềm thức. Chúng minh họa cách chúng ta bắt đầu các hành động nhóm, ra tín hiệu chấp thuận, đáp lại hoặc từ chối các tín hiệu đó.
"Thật thú vị khi xem chúng như một bài tập xã hội học", Scott Page, giáo sư tại Đại học Michigan, người đã nghiên cứu sự hoan nghênh nhiệt liệt như một mô hình hành vi xã hội, chia sẻ.
Page so sánh khán giả bên trong rạp chiếu tại liên hoan phim là một mô hình thu nhỏ của mạng xã hội.
Đứng đầu hệ thống phân cấp xã hội là dàn diễn viên và đoàn làm phim, những người có khả năng là tên tuổi nổi tiếng, ngồi ở vị trí mà phần còn lại của khán giả có thể nhìn thấy thông qua màn hình. Nhóm khán giả thường bao gồm những người yêu thích phim có xu hướng thể hiện sự tôn trọng, ngay cả khi họ thấy bộ phim còn nhiều thiếu sót.
Bởi vì sự hoan nghênh thường bắt đầu từ phía trước, nên những người có khả năng mua được chỗ ngồi tốt nhất, có thể là bạn bè của đoàn làm phim hoặc những người tham dự giàu có nhất, khiến những khán giả còn lại đứng dậy và vỗ tay theo.
Những người không có ảnh hưởng như vậy ở phía sau thường bất lực làm theo. Ngay cả khi quyết định không tham gia, họ cũng không thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai khác.
"Sự lộng lẫy của Cannes dường như nhấn mạnh sự khác biệt về địa vị giữa những người tham dự, khán giả ở hàng ghế sau có nhiều khả năng làm theo ý kiến của đám đông hơn".
Nicholas Christakis, Giám đốc phòng thí nghiệm bản chất con người tại Đại học Yale, giải thích rằng Cannes đã thể hiện "hệ thống phân cấp uy tín", một hiện tượng trong đó con người tìm kiếm sự kết nối nhiều hơn.