Sự phát triển điện toán đám mây Azure ở Việt Nam

Mặc dù còn chưa thực sự phát triển và vướng mắc bởi nhiều nguyên nhân khách quan, song có thể thấy được tương lai của dịch vụ điện toán đám mây nói chung và của Microsoft Azure nói riêng tại thị trường Việt Nam.

Giới thiệu công nghệ điện toán đám mây

Điện toán đám mây (ĐTĐM) hay Cloud Computing không còn là một khái niệm xa lạ trong môi trường CNTT hiện nay. Thực tế, ý tưởng về ĐTĐM đã ra đời từ giữa những năm 1950, khi mà các tổ chức bắt đầu sử dụng “siêu máy tính” (large-scale mainframe computer) song do chi phí quá cao nên họ bắt đầu thử nghiệm phương thức chia sẻ (time-sharing) để tối đa hóa lợi nhuận đầu tư (ROI). Phương thức này cho phép nhiều cá nhân cùng sử dụng năng lực tính toán của máy chủ từ máy trạm của họ. Có thể nói đây là một trong những tiền đề đầu tiên cho mô hình dịch vụ ĐTĐM sau này.

Vào tháng 09/2011, Viện nghiên cứu Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc tế (National Institute of Standards and Technology – NIST) đã chính thức đưa ra định nghĩa về công nghệ điện toán đám mây như sau: Điện toán đám mây là một mô hình cho phép truy cập mạng thuận tiện, theo nhu cầu đến một kho tài nguyên điện toán dùng chung, có thể định cấu hình: mạng, máy chủ, lưu trữ, ứng dụng… có thể được cung cấp và thu hồi một cách nhanh chóng với yêu cầu tối thiểu về quản lý hoặc can thiệp của nhà cung cấp dịch vụ.

Các đặc tính cơ bản của Điện toán đám mây

Trong báo cáo của NIST còn mô tả rõ công nghệ điện toán đám mây về cơ bản có thể được mô tả gói gọn bao gồm 5 đặc tính cơ bản:

Tự phục vụ theo nhu cầu (On-demand self-service): Khách hàng có thể đơn phương đăng ký mới/bổ sung các tính năng, dịch vụ theo nhu cầu như tăng năng lực tính toán máy chủ, dung lượng lưu trữ,… Hệ thống sẽ tự động đáp ứng mà không cần bất kỳ sự can thiệp hay tương tác nào về mặt con người của nhà cung cấp dịch vụ.

Truy cập mạng rộng rãi (Broad network access): Khả năng truy cập dễ dàng thông qua môi trường Internet và hỗ trợ trên đa nền tảng thiết bị như PC/laptop, các thiết bị di động mobile, tablet,…

Tổng hợp tài nguyên (Resource pooling): Tài nguyên máy tính (hay năng lực về compute, storage) của nhà cung cấp dịch vụ ở dưới dạng cộng gộp (pooled) để phục vụ cho nhiều khách hàng đồng thời theo hình thức thuê bao.

Tính đàn hồi nhanh chóng (Rapid elasticity): Khả năng co dãn nhanh chóng cả trong quá trình cung cấp cũng như thu hồi dịch vụ, đa phần là hoàn toàn tự động theo nhu cầu của khách hàng và thường là ở mức không giới hạn.

Dịch vụ được đo đếm (Measured service): Dịch vụ có khả năng tự động kiểm soát và tối ưu hóa tài nguyên bằng cách phân chia, đo đạc, số lượng cụ thể hóa từng loại dịch vụ (ví dụ như lưu trữ, băng thông, năng lực xử lý, số lượng người dùng,…). Tài nguyên sử dụng được giám sát và báo cáo, đảm bảo minh bạch đối với cả khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ.

Giới thiệu Microsoft Azure

Điện toán đám mây đã trở thành một xu thế không thể thay đổi. Từ các công ty về công nghệ, các nhà cung cấp dịch vụ tới các doanh nghiệp – những khách hàng sử dụng dịch vụ đều bị ảnh hưởng bởi xu thế này và buộc phải thích nghi với nó. Gã khổng lồ Microsoft cũng không phải là ngoại lệ. Dịch vụ điện toán đám mây Microsoft Azure được công bố vào tháng 10/2008 và lần đầu tiên ra mắt vào tháng 02/2010 với cái tên ban đầu là Windows Azure. Tháng 03/2014, dịch vụ “con cưng” của Microsoft chính thức đổi tên thành Microsoft Azure.

Tới nay, Microsoft Azure đã cho ra đời hơn 600 dịch vụ khác nhau trên nền tảng cloud của mình, đáp ứng đầy đủ cho mọi nhu cầu cần thiết cho doanh nghiệp vận hành và các nhà phát triển nghiên cứu như:

• Compute service: virtual machines, service fabrics…
• App services (web app, mobile app, logic app, APIs…)
• Storage service
• Networking service (VPN, Traffic Manager, CDN…)
• Database service (SQL, DocumentDB…)
• Intelligence and Analytics (HDInsight, Machine learning, Cognative service, Power BI…)
• Security and Identity (Azure Active Directory, Security Center…)
• Developer Tools (Visual Studio team services, Application Insights…)

Không chỉ có một catalog đồ sộ các dịch vụ được hỗ trợ và được đầu tư nguồn lực khổng lồ để liên tục cải thiện, tối ưu hóa các dịch vụ, Microsoft còn tự hào là nhà cung cấp dịch vụ Public Cloud có cơ sở hạ tầng “đồ sộ” nhất hiện nay với số lượng các khu vực có xây dựng data center (Region) lên tới 34 điểm chính thức trên khắp thế giới và thêm 04 điểm đã được công bố kế hoạch triển khai. Quy mô hạ tầng của Microsoft Azure thậm chí vượt qua tổng số Region của cả hai đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Amazon và Google cộng lại.

Mặc dù cũng còn các hạn chế, hiện tại cùng với sự nỗ lực phát triển kinh doanh mảng Cloud của Microsoft và các đối tác (Partner) trong hai năm qua, một số khách hàng đã bắt đầu sử dụng dịch vụ điện toán đám mây để phục vụ cho công việc kinh doanh của mình. Chủ yếu ở thị trường Việt Nam mảng Cloud được khách hàng sử dụng phần nhiều là IaaS (VMs, Backup, Storage). Ngoài ra một số công ty thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng, bán lẻ cũng đang quan tâm đến việc xây dựng những ứng dụng mới trên nền PaaS.

HPT với kinh nghiệm triển khai Azure

Đối với HPT, từ thời điểm 2015 cho đến nay cũng đã được tham gia một số các khóa đào tạo chuyên sâu về Azure của Microsoft tổ chức đào tạo riêng cho các Partner là SI lớn ở Việt Nam, sau đó được trải nghiệm thực tế thông qua các PoC cho khách hàng tiềm năng (khoảng 15 case PoC trong năm 2016), từ đó thu được kiến thức quan trọng để có khả năng sẵn sàng trong việc triển khai một số nhóm dịch vụ tích hợp trên Azure như IaaS, EMS, OMS.

Tại Việt Nam cho tới thời điểm này mới chỉ có 2 Partner của Microsoft đạt được cấp độ Silver Cloud Patform, trong đó có HPT. HPT với nhiều năm là đơn vị SI có tên tuổi trên thị trường, có lợi thế cạnh tranh về một số mảng tích hợp hệ thống Infrastructure, Security, Deploy & Manage Services. Với xu hướng công nghệ mới trên Azure của Microsoft, một số chuyên gia của hãng nhận định HPT rất có tiềm năng trong việc khai thác một số mảng dịch vụ đang là xu hướng thực tiễn của thị trường: Security, App Migration, Managed Services.

Đầu năm 2017, HPT được Microsoft tin tưởng lựa chọn triển khai PoC giải pháp về hạ tầng Cloud Azure (Iaas, EMS, Office 365) cho Ngân hàng MBBank, vốn đang là một trong những đơn vị đầu tiên đầu tư (60.000 USD/năm) để thử nghiệm phát triển các ứng dụng dịch vụ của họ trên môi trường Cloud Azure của Microsoft.

Kết luận

Mặc dù còn chưa thực sự phát triển và còn vướng mắc bởi nhiều nguyên nhân khách quan, song có thể thấy được tương lai của dịch vụ điện toán đám mây nói chung và của Microsoft Azure nói riêng tại thị trường Việt Nam. Nếu như cách đây khoảng hai năm, Microsoft chỉ mới đặt trọng tâm vào phát triển và bán dịch vụ Office 365 (một dịch vụ Cloud điển hình cho người dùng văn phòng), thì tới nay Microsoft đã thực sự đẩy mạnh Azure vào thị trường còn rất nguyên sơ này. Một số case study lớn như BigC hay gần đây là thương vụ hợp tác giữa Microsoft với VTC Intecom nhằm triển khai, cung cấp các dịch vụ cho khách hàng quốc tế. Đây là những điểm sáng, đánh dấu những bước phát triển bền vững của Microsoft Azure tại Việt Nam.

Có thể thấy, khi mà nước nhà đang trong quá trình hội nhập mạnh mẽ dẫn tới sự cạnh tranh gay gắt trong thị trường nội địa, cộng với những thay đổi tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì càng khẳng định xu thế tất yếu của thị trường là phải thích nghi và thay đổi. Chỉ có sự thay đổi tích cực mới mang lại năng suất lao động, hiệu quả đầu tư, giảm chi phí… giúp doanh nghiệp đứng vững, ổn định và ngày một phát triển hơn.

Nguyễn Hải Biên – Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT

Nguồn PC World: http://www.pcworld.com.vn/articles/kinh-doanh/giai-phap/2017/10/1252841/su-phat-trien-dien-toan-dam-may-azure-o-viet-nam/