Sự phân hóa dòng tiền trên thị trường chứng khoán

Trên thị trường chứng khoán, dòng tiền có sự phân hóa vào các nhóm cổ phiếu dựa vào các câu chuyện riêng của từng nhóm ngành.

Tiếp tục gặp khó ở vùng kháng cự

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn khi đang tiến gần vùng kháng cự mạnh, ngưỡng kháng cự có sự hội tụ của vùng đỉnh tháng 7 và đường MA200 ngày.

Kết thúc phiên giao dịch 26.8, chỉ số VN-Index giảm 0,65 điểm xuống 873,47 điểm, trong đó chỉ số VN30-Index giảm 2,82 điểm, lùi về mốc 812,36 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 182 mã tăng/209 mã giảm. Trong đó, áp lực bán cũng gia tăng đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Rổ chỉ số VN30 có tới 20 mã giảm điểm, chiếm ưu thế hơn nhiều so với 7 mã tăng điểm.

VN-Index đang giao dịch dưới đường trung bình 200 ngày (MA200). Ảnh: FireAnt.

VN-Index đang giao dịch dưới đường trung bình 200 ngày (MA200). Ảnh: FireAnt.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng có sự phân hóa dòng tiền giữa bên bán và bên mua. Trong khi nhóm cổ phiếu VCB, SAB, HPG, TCB và BID gây áp lực giảm điểm lên chỉ số chung thì các cổ phiếu như PLX, GVR, VJC và VRE lại trên đà tăng điểm và tác động tích cực đến chỉ số chung.

Đáng chú ý, dòng tiền có sự dịch chuyển đến nhóm cổ phiếu nhỏ để tìm kiếm lợi nhuận. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán MB (MBS), phiên giao dịch 26.8 nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đã tăng 0,58% và 0,54%.

MBS đánh giá, thị trường đang ở vùng cản mạnh nơi có mặt của ngưỡng MA200 và vùng đỉnh tháng 7, do vậy áp lực chốt lời sau 3 phiên tăng liên tiếp là kịch bản thường gặp.

Giá trị giao dịch trên sàn HOSE ở mức 5.605 tỉ đồng, thấp hơn so với phiên giao dịch trước. “Điểm tích cực là thanh khoản phiên 26.8 đã giảm so với 2 phiên đầu tuần cho thấy áp lực bán ở vùng cản đã có dấu hiệu giảm nhờ lực cầu trong nước bù đắp lượng bán ròng mạnh từ khối ngoại”, MBS nhận định.

Thêm vào đó, MBS cho rằng với phiên giảm nhẹ 26.8 không làm xu hướng tăng của thị trường thay đổi, thị trường có thể đi vào vùng phân hóa khi dòng tiền đã dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ nhằm tránh áp lực bán ròng từ khối ngoại đối với nhóm cổ phiếu bluechips cũng như cổ phiếu trong nhóm VN30.

Trong bối cảnh này, MBS khuyến nghị nhà đầu tư nên hạn chế mua đuổi cổ phiếu trong khi có thể tận dụng hồi trong phiên để cơ cấu danh mục.

Dòng tiền phân hóa

Thông tin Hà Nội xuất hiện ca dương tính mới với lịch trình đi lại phức tạp khiến áp lực chốt lời gia tăng và thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh sau 3 phiên tăng liên tiếp.

Trong phiên giao dịch 26.8, dòng tiền trên thị trường có sự phân hóa vào các nhóm cổ phiếu dựa trên các câu chuyện riêng biệt của từng nhóm ngành. Trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục thu hút dòng tiền.

Cụ thể, phản ứng với thông tin bệnh nhân dương tính mới ở Hà Nội, cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng đồng loạt điều chỉnh ở MWG (-0,3%), PNJ (-1,2%). Cổ phiếu ngân hàng cũng có phiên giảm điểm trên diện rộng ở VCB (-0,5%), BID (-0,4%).

Trong khi đó, cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp như LHG (+7%), SNZ (+4,3%) đồng loạt tăng mạnh sau các đánh giá tích cực của Bloomberg về triển vọng Việt Nam trong việc thu hút các nhà sản xuất toàn cầu bất chấp dịch COVID-19.

Cổ phiếu dầu khí đồng loạt bứt phá ở PVD (+6,5%), PVS (+4%) sau diễn biến tích cực của giá dầu thế giới, cùng thông tin PVD trúng thầu dự án mới tại Campuchia.

Cổ phiếu ngành chứng khoán diễn biến tích cực ở VCI (+4,5%), MBS (+2,2%) sau thông tin Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 203/2015/TT-BTC, bổ sung cơ chế cho phép bán khống có đảm bảo.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), vùng kháng cự 880 (+-5) sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới diễn biến chỉ số, tạo áp lực rung lắc và gia tăng rủi ro điều chỉnh ngắn hạn. Theo đó, KBSV khuyến nghị nhà đầu tư nên chờ nhịp điều chỉnh rõ nét hơn của chỉ số, về lại vùng hỗ trợ gần tại 855-860 điểm trước khi mở lại một phần vị thế ngắn hạn.

Kim Anh

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/tai-chinh/su-phan-hoa-dong-tien-tren-thi-truong-chung-khoan-3336799/