Sự nối tiếp của Then trong dòng chảy đương đại.

(Cinet) - Như đã khẳng định, để bảo tồn được hát Then thì yếu tố cộng đồng phải được đặt lên hàng đầu. Vấn đề quan trọng là xây dựng đội ngũ kế cận khi hầu hết các nghệ nhân Then gạo cội đã bước qua tuổi xế chiều.

Vấn đề quan trọng là xây dựng đội ngũ kế cận khi hầu hết các nghệ nhân Then gạo cội đã bước qua tuổi xế chiều. Trong ảnh: nghệ nhân Nông Thị Lìm và nghệ nhân Nguyễn Văn Thọ (sinh năm 1991) biểu tượng cho thế hệ nghệ nhân gạo cội và thế hệ nghệ nhân trẻ của Then cùng biểu diễn trên sân khấu. Ảnh: Trần Công Đạt

Trong Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc tại Hà Giang vừa qua, chúng tôi ấn tượng mạnh với cô giá nhỏ nhắn Liễu Thị Thơ. Dù còn rất trẻ (sinh năm 2003) nhưng Liễu Thị Thơ đã là một thầy then thực thụ. Biểu diễn trong chương trình, then Thơ giữ vai trò chính cùng với tốp nghệ nhân tỉnh Lạng Sơn trình diễn trích đoạn “lẩu then khao sluông khai biooc” được trích lược từ đại lễ “Lẩu then khao sluông” của dòng then Tày. Đây cũng là 1 trong 5 tiết mục diễn xướng then cổ được trao Huy chương vàng tại Liên hoan năm nay.

Nghệ nhân nhỏ tuổi nhất

Nghệ nhân Liễu Thị Thơ là người dân tộc Tày, quê ở thôn Lộc Hồ, xã Phú Xá, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Năm 2016, then Thơ đã tổ chức đại lễ Lẩu then cấp sắc khai quang và trở thành một thầy then thực thụ. Tháng 3 năm 2018 vừa qua, then Thơ tiếp tục tổ chức đại lễ Lẩu then tăng sắc. Hiện nay, then Thơ là một trong những nghệ nhân nhỏ tuổi nhất đã được cấp sắc và đại diện cho thế hệ nghệ nhân sinh sau năm 2000.

Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với then, Liễu Thị Thơ cho biết mình được ông nội truyền cảm hứng. Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống làm nghề then nên then đã ngấm vào Thơ như một phần máu thịt. Thơ yêu những điệu hát then mượt mà, tình cảm, yêu tiếng đàn Tính như tiếng suối ca và yêu cả những câu chuyện được truyền đời từ các bà, các cụ về văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, Nùng.

Thơ yêu những điệu hát then mượt mà, tình cảm, yêu tiếng đàn Tính như tiếng suối ca và yêu cả những câu chuyện được truyền đời từ các bà, các cụ về văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, Nùng. Ảnh: Hồng Bách

Mê then từ nhỏ nhưng chưa bao giờ Thơ nghĩ đến việc mình trở thành một thầy then thực thụ. Dòng then Thơ theo đuổi thuộc dòng then Văn. Hàng ngày,Thơ vẫn được các nhà trong làng, trong xã, thậm chí là ở các huyện, các tỉnh khác đón đi làm then như cầu an, làm đầy tháng cho trẻ con, vào nhà mới,…

Tâm huyết với then với bản sắc dân tộc

Nghệ nhân then Liễu Thị Thơ. Ảnh: Hồng Bách

Ấn tượng đầu tiên khi gặp Thơ chính là hình ảnh rất then. Then từ giọng nói, dáng đi đến phong cách. Thơ rất giản dị với tóc vấn khăn ngang, đó là chiếc quần lụa, chiếc áo bà ba, tà áo chàm nền nã dù ở trên sân khấu hay, trong cuộc sống thường nhật.

Chia sẻ với chúng tôi lý do quyết định theo then từ rất nhỏ, Thơ cho biết: “Nguyên nhân em đưa ra quyết định đó là vì em muốn giữ lại những giá trị, những tinh hoa văn hóa của dân tộc Tày, Nùng thế hệ xưa để lại. Em muốn văn hóa dân tộc mình vừa được bảo tồn, vừa được phát huy bản sắc rộng rãi. Mặc dù chọn nghề này em phải đánh đổi rất nhiều về thời gian, sức lực và thậm chí là cả công danh, sự nghiệp nhưng em luôn cố gắng để bảo tồn và phát huy truyền thống của gia đình, dòng họ.” Ít ai nghĩ rằng đây là tâm sự của một cô bé 15 tuổi.

Bên cạnh việc thực hiện các nghi lễ then, Thơ vẫn tích cực tham gia biểu diễn then tại Trung tâm văn hóa tỉnh Lạng Sơn, tại các liên hoan hát then, đàn tính do địa phương và Bộ VHTTDL tổ chức. Trong Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc tại Hà Giang, Thơ tham dự và biểu diễn tiết mục “Khao sluông” (Khao ông lái đò). Tiết mục này là 1 trong những trích đoạn rất đặc sắc của dòng then Tày. Đó là cuộc lễ nhằm trả ơn các ông phu đò, lái đò đã có công đưa quan quân nhà then vượt qua biển lớn để lên cõi trời gặp Ngọc Hoàng để xin trừ tai và ban hạnh phúc, ấm no cho các gia đình, bản làng.

Mặc dù then Thơ còn rất trẻ nhưng đã biểu diễn tiết mục một cách thuần thục, điêu luyện và để lại ấn tượng rất sâu sắc cho Ban giám khảo cũng như khán giả. Sự ấn tượng đó không chỉ bởi sức hấp dẫn của tiết mục mà còn là sự hiện diện của một nghệ nhân rất trẻ và một niềm hy vọng cho sự tiếp nối của dòng chảy then. “Em muốn qua tiết mục này sẽ giới thiệu cho bạn bè gần xa bản sắc của dòng then em” – Thơ chia sẻ.

Hiện nay, Lạng Sơn là một trong những địa phương có phong trào then rất phát triển, cả then cổ và then văn nghệ cùng tồn tại song hành. Ngay tại xã Phú Xá, nơi Thơ sinh sống cũng có Câu lạc bộ then. Thơ và các chị trong làng vẫn theo học để học hỏi các thầy cô thêm ngón đàn mới. Mong ước của Thơ là mở một lớp dạy hát then cho các em bé từ 10 đến 15 tuổi để được dạy hát then cho các em, để bản sắc văn hóa dân tộc mình sẽ được giữ gìn và bảo tồn.

Chia tay Thơ, chia tay các nghệ nhân then, tôi thầm cảm phục tấm lòng, nhiệt huyết của họ trong việc gìn giữ và bảo tồn cũng như phát triển những tinh hoa của Then, tinh hoa văn hóa của quê hương. Còn họ, còn những nghệ nhân tâm huyết thì then vẫn luôn “sống” luôn được tiếp nối trong dòng chảy đương đại./.

Gia Linh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cuoc-song-va-van-hoa/su-noi-tiep-cua-then-trong-dong-chay-duong-dai-340270.html