Sự nổi giận của tự nhiên

Dịch COVID-19 chứng minh một chân lý bất di bất dịch: Loài người có thể vượt qua được nhiều khủng hoảng xã hội, kinh tế, chính trị… nhưng trước thiên nhiên, chúng ta quá dễ tổn thương, dù luôn tự cho rằng mình có thể làm chủ được nó. Và đã đến lúc để nhận thức rằng mình cần làm gì một khi không muốn tự nhiên nổi giận…

Thế giới bằng nhựa

Vào tháng 7/2019, một cô bé 12 tuổi người Indonesia có tên Aeshnina Azzahra đã mạnh dạn viết một lá thư gửi cho Tổng thống Mỹ. Bức thư có nội dung như sau:

Đất nước tôi là quốc gia có lượng chất thải đứng thứ hai trên thế giới. Và một số trong đó là rác thải của các ông.

Tại sao các ông lại xuất khẩu chất thải đến đất nước chúng tôi? Tại sao các ông không tự xử lý rác thải của mình? Tại sao chúng tôi phải hứng chịu tác động từ rác thải của các ông? Tại Indonesia bây giờ các dòng sông đã bẩn thỉu và bốc mùi. Chúng tôi không thể đi bơi, đi câu, và chơi đùa dưới sông… Nhiều nhà máy đã xả chất thải của họ vô tội vạ ra sông, ra những cánh đồng, vào những ngôi nhà của dân làng. Phần lớn những nhà máy này tái chế rác thải của các ông…

Hãy mang rác rưởi của các ông khỏi Indonesia

Hãy mang rác rưởi của các ông khỏi Indonesia

Mong nhận được hồi đáp,

Trân trọng,

Aeshnina Azzahra

Rác thải và bất bình đẳng

Tất nhiên, bạn đọc có thể dễ dàng thấy đây là việc làm ngây thơ, nhưng ẩn chứa trong đó là một ý nghĩ đầy sức nặng: tác động của ngành công nghiệp tái chế chất thải rõ ràng đến mức một đứa trẻ 12 tuổi cũng có thể nhận ra và đau đớn sâu sắc. Rác nhiều đến mức nó không chỉ dừng lại ở vấn đề môi trường. Lá thư của Aeshnina cho thấy nó chính là chướng ngại vật trên đường đến hạnh phúc.

Tất cả sự vĩ mô của vấn đề môi trường sẽ rõ ràng hơn một chút, với những ai đã có kỷ niệm bên dòng sông trong lành. Và bên kia đại dương, những đứa trẻ khác có thể lớn lên ở một nơi được cho là “văn minh” hơn, hạnh phúc và có nhiều cơ hội hơn, đơn giản vì gánh nặng tiêu thụ đã được các quốc gia thứ ba gánh lấy.

Những đứa trẻ không có lỗi, nhưng đó là một thực tế: rác cũng là nguyên liệu của động cơ đào hố sâu bất bình đẳng. Một báo cáo năm 2018 cho thấy ở các quốc gia phát triển, lượng tiêu thụ nhựa trên đầu người gấp 20 lần những nước đang phát triển như Ấn Độ hay Indonesia. Chúng ta càng sản xuất nhiều, thì rác thải ra càng nhiều. Nhưng cái “chúng ta” này không có nghĩa là toàn bộ hành tinh. Sự “phân phối” rác thải này tùy thuộc vào các cơ chế loại trừ, khai thác và hợp pháp hóa của các nhà tư bản. Kể từ năm 1950, ngành công nghiệp của loài người đã sản xuất hơn 8,3 tỷ tấn nhựa. Trong số này, 6,4 tỷ tấn đã trở thành chất thải, phần lớn đến từ các quốc gia giàu có.

Chỉ 9% trong số này được tái chế, và 12% bị tiêu hủy vĩnh viễn. Phần khổng lồ còn lại đi đến các bãi rác, dịch chuyển từ nước giàu sang nước nghèo, phân hủy thành các vi hạt, phát tán vào không khí và nước.

Mỗi người trên hành tinh đang ăn khoảng 2.000 hạt nhựa mỗi tuần, theo đường nước, không khí hoặc thực phẩm, dựa trên một nghiên cứu đáng báo động Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên. Trong khi đó, chỉ 5 gram nhựa thôi cũng đủ lượng hóa chất dẫn đến ung thư và chứng chậm phát triển. Joe Vallancourt, giám đốc điều hành của một công ty tinh chế rác thải nhựa thành nhiên liệu – một quá trình đòi hỏi phải loại bỏ bớt các chất độc, tiết lộ trên trang Rolling Stone rằng trong 10 pound rác thải nhựa, họ có thể tìm thấy một ngàn hóa chất độc hại khác nhau.

Khi nhựa là biểu tượng

Nhưng có vẻ đã là hơi muộn để quay đầu lại. Nhựa đã trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa tiêu dùng trong 70 năm qua, khi chúng ta gắn bó sâu sắc với hàng hóa và bao bì dùng một lần, và qua đó nhựa trở thành huyết mạch trong các nền kinh tế, nhờ tốc độ, sự tiện lợi và rẻ tiền.

Nhựa đựng cà phê tối và bữa ăn nhanh của chúng ta, cũng là chất liệu thời thơ ấu, từ máy chơi điện tử bốn nút cho đến PlayStation 4. Người ta dùng nó tạo thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, dệt nó vào giày thể thao, cặp xách, quần áo… Con người hiện đại đang sử dụng một triệu chai nhựa mỗi phút và 500 tỷ túi nhựa mỗi năm, và đến cả thùng rác của chúng ta, cũng làm bằng nhựa nốt. Nhựa tạo ra thịnh vượng ở nơi này, và gánh nặng ở chỗ khác.

Nhưng lên tiếng về điều này là một sự động chạm đến những thiết chế khổng lồ của hành tinh, và cả những lời hứa về một khái niệm dễ gây hưng phấn: tăng trưởng bền vững. Hãy lấy Coca-Cola làm ví dụ: tập đoàn này có hẳn báo cáo phát triển bền vững, trong đó lạc quan thống kê rằng năm 2018, trong số 117 tỷ chai nhựa đã sản xuất, Coca-Cola có tỉ lệ tái chế lên đến 52%, vượt xa mức trung bình. Tập đoàn này đã tự phát động một chiến dịch có tên Thế giới không rác thải (World Without Waste), cam kết rằng trước năm 2030, họ sẽ thu lại và tái chế từng chai Coca-Cola đã bán ra thị trường.

Nhưng toán học đã nhanh chóng chỉ ra rằng những 48% số nhựa không tái chế được là 56 tỷ chai nhựa Coca-Cola trở thành chất thải không thể xử lý, tương đương bảy container nhựa cho mỗi người trên hành tinh này. Lời hứa của Coca-Cola về nền kinh tế tuần hoàn (theo vòng tròn sản xuất – rác thải – tái chế - sản xuất) lúc này trở thành vô nghĩa. Đó chỉ là lớp phấn trang điểm cho mục tiêu tăng trưởng.

Ảnh: L.G.

Gabrielle Hetch, một Giáo sư của Đại học Stanford, trong một bài viết cho trang học thuật Aeon.co, đã gọi những gì đang diễn ra là quá trình “lộn trái hành tinh” (turn the world inside-out). Con người đang khai thác tất cả những gì có thể, từ đá, dầu mỏ, lithium, coltan và hàng trăm khoáng chất khác để nuôi dưỡng sự thèm khát các cỗ máy điện tử. Cát nạo vét từ lòng sông và đáy đại dương phục vụ cho công cuộc bê tông hóa đủ để bao phủ toàn trái đất trong một lớp vỏ dày 2mm. Dầu được hút lên từ đáy biển tạo ra guồng máy sản xuất, và tất nhiên ở trung tâm, nhựa là biểu tượng không thể chối cãi.

Quá trình này tạo ra sự “hỗn độn” – Hetch viết: “Một sợi dây chuyền vàng 14 karat để lại một tấn đá thải ở Nam Phi. Để có đủ lithium tạo ra pin điện thoại và xe Tesla, người ta phải khoan qua các lớp muối, magie và kali dễ tổn thương ở dãy Andes tại Chile, tạo ra một đống xà bần phế thải. Hơn 12,000 sự cố tràn dầu đã làm ô uế đồng bằng Nigeria. Các nhà khoa học về hệ thống trái đất mô tả quá trình này bằng một đường cong khúc côn cầu: tính từ nửa sau thế kỷ 20, biểu đồ tiệm cận đáng lo ngại của chúng ta cho thấy gia tốc khủng khiếp trong việc phung phí các tài nguyên của hành tinh này”.

Lời bào chữa của tăng trưởng

Nhưng những người lên tiếng về tính phi lý của sự sùng bái tăng trưởng như bà Hetch đã bị ném đá miệt mài trong nhiều năm. Vào năm 1972, một nhóm nhà khoa học Mỹ đã trình bày ở Liên Hợp Quốc bản báo cáo có tên “Giới hạn của tăng trưởng” (The Limit of Growth), sử dụng một mô hình giả lập máy tính để chỉ ra rằng nếu quá trình tích lũy không kiểm soát như hiện tại (là năm 1972) tiếp tục diễn ra, thì hành tinh này sẽ sụp đổ. Bản báo cáo này sau đó gây tiếng vang lớn, được dịch ra 35 thứ tiếng với 5 triệu ấn bản.

Nhưng nó cũng vấp phải sức kháng cự mạnh mẽ trong một thế giới cuồng tăng trưởng. Các nhà kinh tế khi ấy chế giễu và cho rằng kịch bản dựa trên máy tính như thế thì thật là thô thiển. Các chuyên gia công nghệ trấn an rằng tiến bộ khoa học sẽ khắc phục được hết vấn đề ô nhiễm và cạn kiệt tài nguyên.

40 năm sau khi thế giới từ chối thừa nhận nguyên lý trung tâm của bản báo cáo ấy, rằng hành tinh này không phải là vô hạn, các nghiên cứu khoa học đã cho thấy rằng nguy cơ cạn kiệt là có thật. Và điều này làm nảy sinh một ảo mộng mới: những lời hứa hẹn bù đắp bằng một nền kinh tế tuần hoàn với năng lượng sạch, rằng mặt trời và gió sẽ cung cấp một nguồn năng lượng vĩnh cửu, xe hơi sẽ không chạy bằng xăng mà bằng hydro, nhựa sẽ được thay thế bằng tre, inox, thủy tinh… rằng chúng ta có thể hoàn toàn phát triển mà vẫn “xanh”.

Nhưng trong cuốn sách Green Illusions (Những ảo tưởng xanh), tác giả người Mỹ Ozzie Zehner đã phản bác mạnh mẽ giấc mộng này: việc sản xuất pin tích điện mặt trời sinh ra một lượng lớn khí NF3, độc hại gấp… 17,000 lần khí CO2. Làm ra một lượng khí hydro dùng làm nhiên liệu cho xe hơi lại tốn rất nhiều năng lượng… truyền thống. Rác thủy tinh được cho là nguy hiểm không kém gì nhựa, và để tạo ra ống hút giấy, người ta cũng lại phải đốn thêm cây.

Những sự thật phũ phàng này giáng những đòn nặng nề vào tư tưởng cực đoan ở chiều ngược lại, biểu hiện qua những nỗ lực bài trừ năng lượng truyền thống thái quá, đổ hết lỗi cho nhựa, cho than, dầu mỏ…, biến năng lượng sạch thành lớp phấn trang điểm của sự rửa tội. Dường như việc tẩy chay một cửa hàng cà phê vẫn còn dùng ống hút nhựa sẽ chỉ giúp cá nhân bạn sám hối, chứ chẳng phải một giải pháp cho hành tinh này.

Bởi vì bất chấp việc hô hào giảm thiểu sử dụng nhựa đã dần trở thành một phong trào lớn trên toàn thế giới trong vài năm qua (Coca-Cola còn cam kết chúng ta sẽ sống xanh nhờ tái chế nhựa 100% cơ mà), chúng ta vẫn tôn sùng nhựa sâu sắc, một cách gián tiếp bằng việc chưa bao giờ từ chối những tiện nghi của chủ nghĩa tiêu dùng, thứ khiến ta ăn nhiều hơn sự no, uống nhiều hơn sự khát, tiêu thụ ánh sáng ngay cả khi chỉ cần bóng đêm, và khai thác để chạy đua vơ vét chứ không phải vì nhu cầu.

Thế giới này vẫn đơn giản là nhựa, nếu con người không thể tự làm mình ít đi, không phải về nhân khẩu, mà là ham muốn, đồ đạc, sự tiện lợi, thoải mái… Môi trường không phải vấn đề của trái đất, mà là vấn đề của chỉ chúng ta mà thôi.

(Phạm An)

Đừng gây hấn với môi trường

Cùng với đại dịch COVID-19, thực trạng hạn mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng khiến người dân cả nước âu lo. Bên cạnh đó, nhiều hiện tượng thời tiết bất thường khác, chẳng hạn như mưa đá liên tục ở phía Bắc, càng chứng minh biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến cuộc sống chúng ta. Có 1001 nguyên nhân được đưa ra, vừa phân bua vừa bào chữa cho thực tế phũ phàng ấy. Thế nhưng, có một nguyên nhân không ai có thể chối cãi, đó là con người đã đối xử tệ bạc với thiên nhiên.

Thiên nhiên đã nổi giận, như một cách đáp trả cho hành vi ích kỷ và ngược ngạo của chúng ta. Hiệu ứng nhà kính, nước biển dâng cao là hệ lụy từ những cánh rừng trơ trụi, những con suối khô cạn, những dòng sông biến dạng. Ai là thủ phạm?

Chính chúng ta, trong khát vọng hiện đại hóa và đô thị hóa thiếu cân nhắc, đã gây nên. Chúng ta ảo tưởng về khả năng chinh phục thiên nhiên bằng những việc làm tàn phá thiên nhiên. Chúng ta nhân danh phục vụ nhu cầu tiện ích vật chất để từng bước đẩy nhau vào ngột ngạt và tồi tệ. Nói có vẻ ngoa ngôn nhưng vẫn đảm bảo tính chân xác: chúng ta dù vô tình hay cố ý, dù khéo léo che đậy hay vụng về lấp liếm, thì vẫn đang phơi bày đầy đủ bộ dạng của những đứa con bội bạc trước Người Mẹ Trái Đất!

Bao thế hệ người Việt tự hào về non sông gấm vóc. Dọc theo đất nước ta có rất nhiều cảnh đẹp. Thế nhưng, phía sau những đổi thay có vẻ phồn hoa, thì thiên tai càng ngày càng khủng khiếp hơn. Miền Tây Nam bộ kênh rạch chằng chịt như vậy, mà ruộng vườn lại khô cằn, nứt nẻ. Miền Trung thì lũ lụt triền miên. Còn tại đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh thì chỉ cần một cơn mưa đã ngập lai láng mọi con phố. Vì sao như vậy? Vì thiên nhiên đã bị xâm hại nghiêm trọng.

Chưa một tổ chức nào đưa ra con số thống kê chính xác, nhưng từ sự quan sát bình thường thì ai cũng nhận ra được thảm cảnh từ những cuộc khai thác tài nguyên thật tàn khốc. Những ngọn núi và những vạt đồi đã bị san phẳng. Những cánh rừng liên tục kêu cứu, mà rừng tái sinh cũng dần thành rừng nghèo kiệt, để rồi trưng dụng làm khu nghỉ dưỡng hoặc làm sân gôn.

Có phải vì khốn đốn miếng ăn mà chúng ta dồn hết mọi tai ương sang môi trường không? Chưa hẳn. Bàn tiệc với món đặc sản chế biến từ thú quý hiếm, dành cho ai? Những bộ bàn ghế gỗ trị giá hàng tỷ đồng, dành cho ai? Những khúc sông bị lấn chiếm để làm biệt thự triệu đô, dành cho ai? Tất nhiên, những người có thu nhập thấp và trung bình không có cơ hội sở hữu. Tất cả đều dành cho những người thành đạt trong xã hội, những người luôn vỗ ngực tự hào về sự giàu có lẫn sự sang trọng.

Người ta chen chân nhau, người ta giành giật nhau để hưởng thụ, mà không nghĩ gì đến hậu quả cộng đồng phải gánh chịu. Khi những bài học đạo đức không còn ý nghĩa, thì thiên nhiên ắt thịnh nộ trừng phạt. Nắng gay gắt hơn, mưa dầm dề hơn, giông bão thường xuyên hơn. Dưới nước thì cá tôm thưa vắng, mà trên bờ thì trái ngọt không còn. Nếu ai cũng cho mình vô can, thì chất lượng sống sẽ tụt lùi mãi mãi.

Lòng tham của con người đang hủy hoại thiên nhiên. Không một quốc gia văn minh nào lại đem môi trường đi đổi lấy kinh tế. Không còn con suối róc rách, không còn bóng mát cổ thụ, không còn dòng sông hiền hòa… thì chúng ta dùng tiền bạc để mua lại những thứ phù phiếm gì? Để xây dựng một khu thương mại, hàng cây trăm tuổi bỗng dưng bị đốn hạ một cách bẽ bàng, mà không người nào hình dung phép toán tử tế hơn cho xã hội. Hiện nay, mật độ cây xanh tính trên đầu người ở các thành phố của Việt Nam đã thấp đến mức báo động.

Chúng ta dựa dẫm vào cái máy lạnh để ứng phó cơn nóng bức, nhưng nguồn oxy để chúng ta hít thở thì sao? Chúng ta hãnh tiến giữa tiện nghi mà chúng ta lại thành hoang dã giữa thế gian. Con chim hót ngậm ngùi trong chiếc lồng chật thì không thể thánh thót như con chim hót trong la đà cành thấp cành cao. Ý niệm đơn giản ấy bỗng thành ý niệm lãng mạn vì sự hẹp hòi thực dụng đang mọc rễ trong tâm tính con người hôm nay.

Con người quay lưng với thiên nhiên, thì thiên nhiên cũng bỏ rơi con người. Đó là một thực tế cay đắng không thể trốn chạy. Thiên nhiên cần bàn tay gìn giữ của con người, cũng như con người cần vòng tay che chở của thiên nhiên. Mối quan hệ tương giao kia, nếu bị đổ vỡ hoặc bị phản trắc, thì kết cục là những tổn thương nhức nhối triền miên. Đừng tiếp tục gây hấn với thiên nhiên, nếu con người muốn được sống bình yên và no ấm. Thiên nhiên nổi giận, thì con người sẽ lầm than và bất hạnh.

Cần phải nhắc lại thêm một lần nữa, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Vì vậy, hãy bắt đầu làm lành với thiên nhiên trước khi quá muộn. Hãy tôn trọng thiên nhiên như một người bạn, hãy yêu mến thiên nhiên như một người tình, thì con đường bây giờ in dấu chân chúng ta vẫn còn nâng bước nhiều thế hệ sau.

Thiên nhiên sẽ bớt nổi giận, không phải nhờ những khẩu hiệu, mà nhờ những hành động thiết thực hơn nữa. Người có quyền lực hãy ngừng bạt núi lấp sông. Người sản xuất hãy ngừng xả thải vào kênh rạch. Người chất phác hãy trồng thêm một hàng cây. Mỗi người góp một chút thiện cảm với môi trường để thiên nhiên được ôm ấp và nâng niu.

Các tổ chức quốc tế đã và đang triển khai rất nhiều ngày hành động vì thiên nhiên. Nếu mỗi người đều cho mình cái quyền được đứng ngoài cuộc, thì ai chịu trách nhiệm bảo vệ môi trường chung? Không cá nhân nào vô nghĩa trong khát vọng vun đắp lại thiên nhiên tươi xanh. Chỉ cần suy nghĩ tích cực thì sẽ thấy được viễn cảnh đẹp đẽ về môi trường. Ví dụ, vòi nước sạch hàng ngày đấy, hãy mở van 1/3 vừa đủ sử dụng thôi, 1/3 để dành cho những người đang thiếu nước sạch, và 1/3 để dành cho con cháu chúng ta.

(Lê Thiếu Nhơn)

Hồi sinh từ đâu?

Dịch COVID-19 đúng nghĩa là một cú đấm gây shock đối với một xã hội đang bình lặng. Giãn cách xã hội đồng nghĩa với sự đình trệ của hoạt động sản xuất kinh doanh. Dịch chưa qua hoàn toàn nhưng tình trạng cắt giảm nhân sự ở một số đơn vị, cắt giảm lương… đã diễn ra rồi. Và ít ai dám đoán chắc được khi nào thì cơn khủng hoảng kinh tế là hệ quả kéo theo đại dịch sẽ chấm dứt. Nhưng có một điều tương đối chắc: tết năm tới (2021) sẽ là một cái Tết tiêu thụ kém hơn hẳn so với vài năm trước đó.

Tất nhiên, nếu suy nghĩ bi quan, và chỉ thụ động đợi chờ, sẽ không thể có một tương lai nào sáng sủa cả. Sau dịch bệnh, hồi sinh là một nhiệm vụ tối quan trọng. Con người cần hồi sinh ý thức sống sau một cảnh tỉnh lớn như thế. Xã hội cần hồi sinh lại trật tự, các hành vi hành xử công cộng văn minh sau những bài học vô cùng lớn của dịp đại dịch. Và nền kinh tế cần hồi sinh, để cơ hội của mỗi con người đều được thắp lên và tạo một động lực góp phần bù đắp lại tất cả những thiệt hại đã có của trận dịch cũng như để đầu tư cho dự phòng trong tương lai, đặc biệt là an sinh xã hội, bởi không ai biết khi nào thiên nhiên lại một lần nào nổi cơn giận như thế nữa?

Nhưng, để hồi sinh, chúng ta sẽ phải làm như thế nào để sức phát triển ấy là bền vững? Đây mới chính là câu hỏi bức thiết nhất, đặc biệt khi chúng ta đã chứng kiến trong những ngày giãn cách xã hội kéo dài, môi trường tự nhiên đã được trả lại mức độ trong lành ra sao nhờ đột nhiên thiếu vắng sự can thiệp tập thể của con người.

Cách đây chừng 30 năm trước và lâu hơn, chúng ta vẫn thường được nghe tuyên truyền rất nhiều về ước mơ “Công nghiệp hóa” đất nước. Mấy chữ “một nước công nghiệp phát triển” nó có một hấp lực kinh hoàng, với cám dỗ được vẽ ra là Việt Nam có thể sánh vai với thế giới. Nhưng thực chất, có phải chỉ có công nghiệp hóa mới là con đường tiến tới giàu mạnh, văn minh? Hiện tại (và cả tương lai) đã và đang trả lời rất dõng dạc rằng: ở thời đại tân tiến này, một quốc gia phồn thịnh bằng cách gần gũi với thiên nhiên mới xứng đáng là quốc gia văn minh và phát triển nhất.

Lợi thế của Việt Nam từ bao đời nay vẫn được xác lập dựa trên môi trường tự nhiên đa dạng và các ngành không gắn liền với cơ khí hóa như du lịch, trồng trọt, chăn nuôi… Nhưng tất cả các lợi thế đó đều không được khai thác hiệu quả. Chúng ta say mê trong những ích lợi ngắn hạn của máy móc, bê tông… Xây dựng nền kinh tế tăng trưởng thiếu nền tảng dựa vào những vật liệu chết, không những chúng ta khó bề tiến tới ngưỡng văn minh mà còn đang triệt tiêu dần nguồn vốn của nhiều thế hệ kế tục.

Vậy thì có phải thời điểm này là lúc thức tỉnh thực sự để hồi sinh bằng kinh tế xanh? Thực tế cho thấy, ở kỳ giãn cách xã hội vì đại dịch vừa qua, có thể các nhà máy, cao ốc vãn hẳn bóng người nhưng ở các nông trại, hoạt động sản xuất không hề đình trệ. Chưa ai đặt ra câu hỏi “Tại sao mật độ người nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới tập trung rất đông ở đô thị, còn ở nông thôn thì ít hơn nhiều lần?”. Có thể, mật độ dân số ở nông thôn đã quyết định điều đó nhưng không ai có quyền phủ nhận rằng sống ở gần thiên nhiên thì nguy cơ lây nhiễm có vẻ cũng ít hơn?

Mà theo như lời khuyên của các chuyên gia y tế ngay từ đầu đại dịch, ai cũng biết việc lây nhiễm trong môi trường sử dụng máy lạnh (điều hòa không khí) cao hơn hẳn ở môi trường thoáng gió. Và nếu tính về lượng sản phẩm “xuất xưởng” trong thời gian đại dịch, chắc chắn số lượng sản phẩm công nghiệp không thể vượt qua số lượng nông sản. Người công nhân có thể bị cho nghỉ tại nhà khi giãn cách xã hội nhưng người nông dân thì vẫn ra ruộng, chăm vườn.

Tôi vẫn cảm thấy thán phục khi đọc được tin tức kể về những người Nhật với những loại nông, thổ sản cao giá, như kiểu trái nho, quả dưa hấu có giá lên tới cả trăm USD. Đọc những dòng tin ấy, chỉ ước ao nếu như mỗi đầu trái cây mang lại cho người nông dân Việt 1 USD/ trái, chắc chắn đời sống của họ sẽ không vất vả để đến mức chấp nhận bán đất canh tác cho các nhà thầu đô thị hóa nông thôn, bê tông hóa đất trồng trọt.

Nhưng tôi hiểu, thực tế để có nông, thổ sản cao giá như thế, rất cần cả một hệ thống chứ không chỉ đam mê và quyết tâm của một mình người nông dân mà thôi. Và nếu chúng ta muốn hồi sinh bằng kinh tế xanh, bây giờ phải là lúc cấp Thủ tướng Chính phủ đưa ra quyết sách mở hành lang xây dựng những hệ thống phục vụ cho nền kinh tế xanh ấy.

Một câu chuyện kéo dài nhiều năm nhưng không cũ mà tôi muốn mang ra làm ví dụ chính là chuyện nước mắm. Giả sử, ngành chế biến nước mắm ở Việt Nam có một hiệp hội mạnh và hoạt động công tâm, khoa học (chứ không phải cho có để phục vụ quyền lợi của một vài đại gia) và xây dựng ra các quy chuẩn về thương hiệu vùng, quy chuẩn kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu ra riêng của từng vùng… giống như cách người Pháp làm với rượu vang chẳng hạn, câu chuyện tranh cãi giữa nước mắm công nghiệp và nước mắm thủ công sẽ không tồn tại.

Nếu có những hệ thống chặt chẽ như thế, bản thân tiếng nói của những người làm nước mắm thủ công sẽ rất trọng lượng trong hiệp hội chứ không phải những đại gia với nhà máy lớn, tài lực mạnh, kênh phân phối rộng khắp.

Những quy tắc hoạt động kiểu hiệp hội nghề ấy có thể áp dụng vào được rất nhiều mảng mặt hàng nông, thổ, thủy, hải sản… ở Việt Nam. Nhưng hiện tại chúng ta có gì? Thực tế chỉ là những thương hiệu đơn độc và vẫn vất vả trong việc chen chân vào thị trường trước áp lực quá lớn của hàng công nghiệp của cả trong nước lẫn nước ngoài. Người nông dân còn khổ, đất sẽ còn kém đi màu xanh, môi trường sẽ còn ô nhiễm nữa và chúng ta vẫn khó thoát khỏi cái nghèo trong khi thiên nhiên sẵn sàng nổi giận bất kỳ lúc nào.

Làm kinh tế xanh không hề dễ như nói, nhưng không bắt tay vào làm thì vĩnh viễn sẽ không bao giờ có nền kinh tế xanh. Đừng vội tự hào vì ta có thể sản xuất được điện thoại di động thông minh hay ô tô tiên tiến bởi nước ngoài đã đi mòn con đường ấy rồi. Và tin tôi đi, nếu làm kinh tế xanh đúng đắn, khoa học, sòng phẳng và công bằng, chúng ta không hề nghèo hơn chạy theo công nghiệp hóa. Trong khi đó, thứ di sản chúng ta để lại cho đời sau sẽ bền vững hơn rất nhiều.

Hãy thức tỉnh, đừng để đến một năm tháng nào đó, những thương hiệu sản vật địa phương lẫy lừng sẽ chỉ còn là truyền thuyết mà không ai còn nhìn thấy nữa kiểu như “Vải Quang, húng Láng, ngổ Đầm/ Cá rô Đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây”…

(Hà Quang Minh)

Phạm An - Lê Thiếu Nhơn - Hà Quang Minh

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/su-noi-gian-cua-tu-nhien-594919/