Sử nhà Nguyên viết gì về trận Bạch Đằng năm 1288?

Theo 'Nguyên sử' thì trận chiến khốc liệt trên sông Bạch Đằng diễn ra trong ngày 9/4/1288, hai bên 'đánh nhau đến giờ Dậu', toàn bộ đoàn thuyền của Ô Mã Nhi bị tiêu diệt.

Sử nhà Nguyên viết, cuối năm 1287, quân Nguyên tiến hành xâm lược Đại Việt lần thứ ba, do hoàng tử thứ 9 của vua Nguyên Hốt Tất Liệt (Kublai Khan) là Trấn Nam vương Thoát Hoan (Togoon) chỉ huy, huy động lực lượng có 92.000 quân và 500 chiến thuyền.

Tuy nhiên sau các trận chạm trán trên đường tiến quân của quân giặc, vua quan nhà Trần đã rút lui khỏi Thăng Long, làm kế "vườn không nhà trống".

Diệt thuyền lương ở Vân Đồn khiến quân Nguyên phải rút lui

Cuối tháng 12 âm lịch, khi đoàn thuyền vận tải lương thực của quân Nguyên do Trương Văn Hổ chỉ huy tiến theo đường biển đã bị Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư chỉ huy diệt gọn trong trận Vân Đồn.

Nguyên sử ghi rằng, trận này quân của chúng chỉ mất 11 chiếc thuyền, lương mất hơn 14.300 thạch, nhưng theo sách An Nam chí lược thì Trương Văn Hổ chỉ chạy thoát trên một chiếc thuyền. Chiến thắng Vân Đồn có một ý nghĩa rất lớn đối với toàn bộ cuộc kháng chiến lần thứ ba của quân dân ta. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Thượng hoàng nói: Quân Nguyên chỉ nhờ về lương cỏ khí giới, nay ta đã bắt được, sợ nó chưa biết tin, hoặc giả còn hung hăng chẳng? Bèn tha cho người bị bắt đến quân doanh quân Nguyên để báo tin. Quả nhiên quân Nguyên rút lui”.

Thiếu lương thực, quân địch lâm vào tình thế khó khăn. Lúc này bắt đầu bước vào mùa hè, thời tiết nóng nực khiến quân Nguyên khổ sở. Trước tình hình bất lợi, quân Nguyên định tổ chức rút về Trung Quốc theo nhiều hướng khác nhau.

Nguyên sử, phần Ngoại di, viết nước An Nam, cho biết các tướng bàn với Thoát Hoan rằng: “Ở Giao Chỉ không có thành trì để giữ, không có lương thực để ăn mà thuyền lương của bọn Trương Văn Hổ lại không đến. Vả lại, khí trời đã nóng nực, sợ lương hết, quân mệt, không lấy gì để chống giữ lâu được, làm hổ thẹn cho triều đình, nên toàn quân mà về thì hơn”.

Viên thần nỗ tổng quản là Giả Nhược Ngu cũng nói: “Quân nên về, không nên giữ”. Thoát Hoan cũng phải thừa nhận: “Ở đây nóng nực ẩm thấp, lương hết, quân mệt” và đồng ý rút quân về.

Để tính đường rút về, có tướng đã đề xuất: “Thuyền lương hai lần vào đều bị hãm cả, chi bằng hủy thuyền đi đường bộ là thượng sách”. Thoát Hoan đã định nghe theo, nhưng sau khi bọn tướng tá khác can ngăn thì hắn vẫn chia ra quân thủy và quân bộ để rút về.

Tuy nhiên, quân Nguyên sắp sửa bước vào cái bẫy mà Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn cùng quân dân Đại Việt đã giương sẵn.

Hình ảnh minh họa trận chiến trên sông Bạch Đằng. Nguồn: Violet.vn.

Hình ảnh minh họa trận chiến trên sông Bạch Đằng. Nguồn: Violet.vn.

Trận chiến trên sông Bạch Đằng sau đó không được mô tả kỹ trong phần Ngoại diNguyên sử, mà bộ sách này chỉ chép chi tiết phần đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ bị phục kích “đánh chìm gạo xuống biển rồi chạy về Quỳnh Châu” rồi chuyển qua phần Thoát Hoan rút theo đường bộ.

Trận chiến diệt gọn thủy quân nhà Nguyên

Tuy trong phần Ngoại di không viết, nhưng phần Thế tổ bản kỷ của Nguyên sử đã ghi rằng: “Tháng 2 ngày 27, Trấn Nam Vương sai Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp đem thủy binh về trước, Trình Bằng Phi và Tháp Xuất đem binh hộ tống”.

An Nam chí lược chép ngắn gọn: “Ngày 7 chu sư đến Trúc Động, quân họ tiến đánh. Lưu Khuê đánh lui, bắt được hai chục chiếc thuyền. Ô Mã Nhi tự lãnh quân chở lương đánh lại. Phàn tham chiến chiếm lấy chỏm núi mà tiếp ứng. Nước triều lui, quân thua”.

Phần chép chi tiết về cuộc chiến này ở Đại Việt sử ký toàn thư của nước ta có nhiều chi tiết nhầm lẫn. Trong bản dịch bộ sử này (bản dịch của NXB KHXH năm 1971), dịch giả Cao Huy Giu và hiệu đính viên Đào Duy Anh đã chú thích những chi tiết sai như việc trận này là Ô Mã Nhi đem quân rút về nước lại chép nhầm là Ô Mã Nhi đi đón Trương Văn Hổ.

Tiếp theo còn có chi tiết vô lý nữa “Đến khi Văn Hổ đến, quân phục hai bên bờ sông ra sức đánh, giặc thua. Nước triều xuống mạnh, thuyền lương của Văn Hổ gác lên trên cọc, nghiêng đắm gần hết”. Hoặc một chi tiết nữa là tướng Nguyễn Khoái bắt được bình chương của giặc là Áo Lỗ Xích, trong khi viên tướng này là tướng bộ, đã bỏ chạy theo Thoát Hoan và về được ải Tư Minh.

Các chi tiết khác của Toàn thư có thể đọc để tham khảo về trận chiến: “Trước đấy, Hưng Đạo vương đã đóng cọc ở sông Bạch Đằng, phủ cỏ lên trên. Ngày hôm ấy, nhân lúc triều lên, Hưng Đạo vương cho quân ra khiêu chiến, rồi giả cách thua, quân giặc đuổi theo, quân ta cố sức đánh lạnh. Nước triều xuống, thuyền của giặc bị vướng cọc".

Các nhà khoa học đang nghiên cứu sự liên quan của bãi cọc mới phát lộ tại cán đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng với trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288. Ảnh: Tiên Long.

"Nguyễn Khoái đem quân Thánh dực nghĩa dũng đánh nhau với giặc, bắt được bình chương là Áo Lỗ Xích. Hai vua đem quân tiếp đến, tung quân đánh hăng, quân Nguyên chết đuối không xiết kể, nước sông đến nỗi đỏ ngầu. Quân Nguyên chết đuối rất nhiều, quân ta bắt được hơn 400 chiếc thuyền đi tuần. Nội minh tự Đỗ Hành bắt được Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ dâng lên Thượng hoàng, Thượng hoàng sai dẫn lên thuyền ngự cùng ngồi và nói chuyện cho vui...”.

Phàn Tiếp truyện mô tả: “Thuyền An Nam tập trung đông, tên bắn như mưa. Hai bên đánh nhau đến giờ Dậu”, tức khoảng từ 5 giờ đến 7 giờ tối, thì toàn bộ đoàn thuyền của Ô Mã Nhi bị tiêu diệt.

Kết quả trận đánh, viên vạn hộ thủy quân Trương Ngọc tử trận. Ngoài Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp, rất nhiều tướng giặc khác bị bắt, trong số đó có viên đại quý tộc Mông Cổ Si-rê-ghi và viên quan giữ văn thư đi theo Ô Mã Nhi là Lý Thiên Hựu. Thủy quân giặc bị giết, chết đuối và bị bắt vô số. Hơn bốn trăm thuyền giặc lọt vào tay quân ta.

Còn cánh quân trên bộ, theo Thoát Hoan từ Vạn Kiếp nhằm hướng Lạng Sơn rút lui, đã bị quân ta tập kích một trận ở ải Nội Bàng cũng như khắp trên đường, nên bị thương vong rất nhiều, viên tướng A-ba-tri trúng tên độc chết. Quân Nguyên về đến Tư Minh ngày 19/4/1288.

Ngày 17 tháng 3 âm lịch (18/4/1288), Thượng hoàng Thánh Tông và vua Nhân Tông về phủ Long Hưng, đem bọn tù binh Ô Mã Nhi, Si-rê-ghi, Sầm Đoạn, nguyên soái Điền cùng nhiều tên vạn hộ, thiên hộ khác, làm lễ hiến tiệp ở lăng Thái Tông. Trước lăng mộ của vua Thái Tông, vua Trần Nhân Tông cảm xúc làm hai câu thơ:

“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu”.

(Xã tắc hai phen chồn ngựa đá, non sông nghìn thuở vững âu vàng).

Mười ngày sau, ngày 27 tháng 3 (28/4/1288) vua Trần và triều đình trở về kinh đô Thăng Long hoang tàn, ban lệnh đại xá thiên hạ, miễn tô dịch toàn phần cho những nơi bị giặc cướp phá.

Sử nhà Nguyên cho biết tiếp, khi Thoát Hoan về yết kiến vua Nguyên Hốt Tất Liệt, đã hứng chịu cơn tức giận của nhà vua, bị đuổi đến Dương Châu và hạ lệnh suốt đời không cho gặp mặt.

Lê Tiên Long

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/su-nha-nguyen-viet-gi-ve-tran-bach-dang-nam-1288-post1029297.html