Sự nghiệp lẫy lừng của huyền thoại tình báo Liên Xô khiến Putin rơi nước mắt

Huyền thoại tình báo Liên Xô, điệp viên hai mang lừng danh George Blake đã qua đời hôm 26/12, ông đã để lại một sự nghiệp lẫy lừng khiến cả thế giới kinh ngạc.

Truyền thông Nga ngày 26/12 thông báo, điệp viên lừng danh George Blake, người “rình rập” cơ quan tình báo Anh trong Chiến tranh Lạnh, đã qua đời ở tuổi 98. Ông là điệp viên hai mang và đã làm việc cho KGB của Liên Xô trong những năm 1950.

Thông tin trên cũng đã được Người phát ngôn Cơ quan Tình báo nước ngoài của Nga - Sergey Ivanov xác nhận hôm 26/12. "Nhà tình báo huyền thoại George Blake đã qua đời hôm nay", ông nói.

Điệp viên hai mang lừng danh George Blake. Nguồn: Sina.

Điệp viên hai mang lừng danh George Blake. Nguồn: Sina.

Tổng thống Nga Putin, một cựu điệp viên KGB, cũng bày tỏ lời chia buồn sâu sắc kèm theo những giọt nước mắt tới gia đình và bạn bè của George Blake vào ngày 26/12.

Theo trang web của Điện Kremlin, ông Putin tuyên bố rằng, George Blake đã có đóng góp to lớn trong việc đảm bảo cân bằng chiến lược và duy trì hòa bình thế giới. "Ký ức về huyền thoại này sẽ luôn ở trong trái tim chúng tôi", ông Putin nói.

Theo báo cáo, George Blake sinh ra ở Rotterdam, Hà Lan vào ngày 11/11/1922. Năm 1942, khi phong trào kháng chiến ở Hà Lan bị đàn áp dữ dội, George Blake tìm cách đến Anh rồi chẳng bao lâu sau được Cục Các hành động đặc biệt (SOE) tuyển mộ.

Sau khi được huấn luyện, ông được tung về hoạt động trong lãnh thổ Hà Lan bị chiếm đóng để móc nối, xây dựng các tổ chức du kích và cả tổ chức phá hoại nhắm vào các căn cứ quân sự của Đức Quốc xã.

Sau khi Thế chiến thứ II kết thúc, theo nguyện vọng và khả năng, George Blake được nhận vào làm việc cho MI-6. Năm 1948, George Blake được phái sang Seoul, bán đảo Triều Tiên, làm nhiệm vụ dưới vỏ bọc một nhà ngoại giao, chủ yếu là thu thập thông tin về vùng Viễn Đông của Liên Xô, Triều Tiên và Trung Quốc.

Sau khi bắt đầu Chiến tranh Triều Tiên năm 1950, ông bị quân đội Triều Tiên bắt ở Seoul và bị giam cầm ở Bình Nhưỡng. Trong thời gian này, Vasili Dozhdalev, một người có khả năng nói tiếng Anh thông thạo sau vài dịp tiếp xúc với George Blake đã viết một bản báo cáo đánh giá về "nhân vật tiềm năng" này vì là nhân viên ngoại giao Anh nhưng sử dụng tiếng Nga thành thạo (do George Blake có thời gian nghiên cứu tiếng Nga khi theo học tại Đại học Cambridge).

Về phía George Blake, ông đã tận mắt chứng kiến cuộc chiến tranh và những cảnh tàn phá khủng khiếp do bom đạn Mỹ gây ra tại đây đã khiến quan điểm của ông dần thay đổi. Ông đã tình nguyện làm tình báo cho Liên Xô sau khi chứng kiến Mỹ ném bom các thị trấn và làng mạc của Triều Tiên. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi nhận ra rằng tôi đã không đứng về phía bên phải.”

Điều gì đến cũng sẽ đến, Đại sứ quán Liên Xô liên tục tiếp xúc với ông và đã gửi cho George Blake bộ sách "Tư bản luận" của Karl Marx bằng tiếng Nga, để “tự học tập”.

Sau khi Hiệp định đình chiến Triều Tiên được ký kết vào năm 1953, Blake trở về London và bắt đầu làm việc tại trụ sở MI6, nhưng với tư cách là một điệp viên hai mang.

George Blake được Bình Nhưỡng trao trả cho phía Anh tháng 4/1953. Nguồn: Sina.

Tháng 10/1953, sau lần liên lạc đầu tiên tại Hà Lan, George Blake đã nhận được chỉ đạo "tìm cách leo cao, chui sâu" vào nội bộ MI-6 để phục vụ những chiến lược của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh bắt đầu hình thành.

Trên cương vị Phó trưởng ban Y, bộ phận tình báo kỹ thuật chuyên đảm trách các điệp vụ nghe lén của MI-6, Blake đã cung cấp cho Liên Xô các đánh giá tình báo từ Bộ Quốc phòng Anh và thông tin về mức độ nhận thức của Anh và Mỹ về bí mật quân sự của Liên Xô.

Đáng chú ý, Blake đã gửi cho Liên Xô bản sơ thảo những chiến dịch cài đặt máy nghe trộm mà Bộ phận tình báo Anh ở Châu Âu (SIS) đang tiến hành chống lại Liên Xô. Trong tài liệu này có nhắc đến "Chiến dịch Bạc", liên quan đến một đường hầm mà SIS đã tiến hành xây dựng ở Vienna, thủ đô nước Áo.

Năm 1955, ông đóng quân tại Berlin để thu thập thông tin tình báo của Liên Xô, nhưng đồng thời, ông cũng chuyển một lượng lớn thông tin về các hoạt động bí mật của Anh và Mỹ cho Moscow. Người Anh cho rằng Blake đã cung cấp cho Liên Xô thông tin về hàng trăm nhân viên tình báo phương Tây.

Nhờ thông tin nhận được từ Blake, KGB (Ủy ban An ninh Quốc gia) của Liên Xô đã phát hiện ra một đường hầm bí mật do cơ quan tình báo Anh và Mỹ đào từ Tây sang Đông Berlin và đang được sử dụng để nghe lén điện thoại quân sự của Liên Xô.

Ông bị một kẻ đào tẩu người Ba Lan phanh phui năm 1961 và bị tòa án Anh kết án 42 năm tù. Nhưng vào năm 1966, Blake đã sử dụng thang dây để trốn thoát thành công khỏi nhà tù Wormwood Scrubs được canh gác nghiêm ngặt ở London và đào tẩu sang Pháp trong một chiếc xe tải nhỏ.

Sau đó ông đến Berlin (Đức) và đi từ Tây sang Đông trong một chiếc hộp gỗ gắn vào gầm ô tô với sự giúp đỡ của một người bạn, để đến Moscow, nơi ông được đối xử như một anh hùng.

Blake đã được trao quân hàm đại tá trong Cục Tình báo Đối ngoại Liên Xô và dành phần đời còn lại của mình ở Nga. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Tôi cả thấy hạnh phúc và may mắn khi đến Nga, tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình”.

Đức Trí (Lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/su-nghiep-lay-lung-cua-huyen-thoai-tinh-bao-lien-xo-khien-putin-roi-nuoc-mat-273577.html