Sự nghiệp gắn liền với Việt Nam của nhà báo Mỹ Neil Sheehan

Tờ New York Times đưa tin, ngày 7-1 vừa qua, phóng viên, tác giả Neil Sheehan, người nổi tiếng với những tác phẩm bóc trần sự thật về cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam, đã qua đời ở tuổi 85.

Neil Sheehan sinh ngày 27-10-1936, tại bang Massachusetts. Năm 1958, ông tốt nghiệp cử nhân ngành lịch sử tại Đại học Harvard. Ông phục vụ trong lục quân Mỹ tới năm 1962, sau đó được tuyển vào làm phóng viên cho hãng thông tấn United Press International (UPI) và được điều tới Việt Nam. Đặt chân tới Sài Gòn ở tuổi 25, Neil Sheehan tác nghiệp cho UPI tới năm 1964, sau đó chuyển sang làm việc cho tờ New York Times.

Mặc dù, đến Việt Nam với tâm thế ủng hộ sứ mệnh của Chính phủ Mỹ, nhưng sau những lần tới tiền tuyến, chứng kiến trực tiếp sự thảm khốc và vô nghĩa của chiến tranh, Neil Sheehan dần bất đồng gay gắt với chính sách của Washington. Trở về nước vào năm 1966, ông bắt đầu viết những bài bình luận phê phán cuộc chiến trên các mặt báo lớn.

Nhà báo Neil Sheehan, năm 2009. Ảnh: New York Times

Nhà báo Neil Sheehan, năm 2009. Ảnh: New York Times

Đến năm 1971, động lực chống chiến tranh của Neil Sheehan đã khiến Daniel Ellsberg, một cựu chuyên gia phân tích của Bộ Quốc phòng Mỹ, chuyển cho ông 7.000 trang tài liệu về các chiến lược và chính sách đối với Việt Nam của nhiều nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp.

Được gọi là “Hồ sơ Lầu Năm Góc”, tài liệu đã làm sáng tỏ việc Mỹ tăng cường ném bom phá hoại miền Bắc Việt Nam, trong khi chính giới Mỹ đã che giấu sự hoài nghi của mình về khả năng chiến thắng. Đây là vụ rò rỉ tài liệu mật lớn nhất nước Mỹ tính tới thời điểm đó. Chính quyền Tổng thống Richard Nixon đã ra lệnh cấm đăng tải những bài viết liên quan tới tài liệu này với lý do an ninh quốc gia. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Mỹ đã bác bỏ quyết định này. Với loạt bài về “Hồ sơ Lầu Năm Góc” của Neil Sheehan và cộng sự, tờ New York Times đã nhận được Giải thưởng báo chí Pulitzer vào năm 1972.

Năm 1973, Neil Sheehan quyết định viết một cuốn sách về cuộc chiến tại Việt Nam, thông qua những trải nghiệm và nhận xét của cựu Trung tá John Paul Vann. Nhưng cuốn sách đó đã suýt chút nữa không được ra đời do ông bị tai nạn xe hơi, đồng thời gia đình ông cũng gặp phải nhiều khó khăn về tài chính.

Sự động viên, giúp đỡ của người thân, bạn bè và nhà xuất bản đã giúp Neil Sheehan tiếp tục viết cuốn sách, sau khi bình phục vào năm 1974. Trong gần 15 năm tiếp theo, ông nghiên cứu và viết không ngừng nghỉ. Năm 1988, cuốn sách dày 861 trang mang tên “Lời nói dối sáng chói: John Paul Vann và nước Mỹ tại Việt Nam” được xuất bản. Sau đó một năm, tác phẩm này được nhận Giải thưởng báo chí Pulitzer và Giải Sách quốc gia Mỹ.

Trong sự nghiệp của mình, Neil Sheehan còn viết thêm 3 cuốn sách khác, trong đó có cuốn “Sau khi chiến tranh kết thúc: Hà Nội và Sài Gòn”. Tác phẩm được dựa trên chuyến thăm của ông trở lại Việt Nam vào năm 1989.

MINH TRÍ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/su-nghiep-gan-lien-voi-viet-nam-cua-nha-bao-my-neil-sheehan-648777