Sự ngậm ngùi của 'rồng lửa'

Khu 'phố Tây' Bùi Viện (TPHCM), lúc 22 giờ. Hai bên đường từng hàng dài người ăn nhậu. Tiếng nhạc chát chúa liên hồi trong con phố nhỏ.

Chị Sen biểu diễn thổi lửa trên phố Tây Bùi Viện.

Vũ, 17 tuổi, hớt hải chạy công an, mồ hôi túa ra như tắm. Thằng bé dừng lại ở một ngã tư, trước một quán bia lớn nhất nhì khu phố. Nó lôi ra từ một hộp sữa đã đục vỏ và hoen gỉ, vàng ố ra một chai thủy tinh đựng một chất lỏng màu xanh canh hến, nhấp vài ngụm, súc miệng ùng ục trước cả trăm người ngồi trong quán đang ném ánh nhìn tò mò và dò xét về nó. Vũ đang ngậm xăng trong miệng.

14 tuổi đã “xe duyên” ở góc vỉa hè

Một vài tiếng kêu phấn khích, tiếng hét sợ hãi khi thằng Vũ đốt hai cây kim loại được bọc chỉ ở đầu. Nó phun thứ chất lỏng vừa ngậm trong mồm ra. Ngọn lửa phụt ra dài cả mét, nó vội cúi đầu tránh. Chứng kiến cảnh tượng đó tất thảy người có mặt ở đó cả Tây, lẫn ta đều có cảm giác như đang nhìn một con rồng đang trổ thần uy. Vũ là một trong rất nhiều cậu bé kiếm sống bằng nghề biểu diễn tạp kỹ trong đêm Sài thành.

Sau màn phun lửa đầy mạo hiểm và ấn tượng, Vũ đốt thêm cây đuốc, ngọn lửa bùng lên nó nhét thẳng cây đuốc vào mồm. Cái lưỡi bé nhỏ chốc chốc lại nếm ngọn lửa. Nó diễn trong im lặng và người xem cũng xem trong im lặng. Một khoảng không gian trống rỗng hiện ra trước mắt chúng tôi. Đứa bé lần hồi diễn cho “xong chuyện”, đôi mắt vô hồn, không một nụ cười, không một biểu cảm, chỉ có tiếng khua ống bơ chốc chốc lại vang lên như mõ chùa.

Một vài khách Tây khích lệ nó bằng những tiếng hò reo. Đa số khách du lịch đi ngang qua đều đứng lại, lôi những chiếc smart phone để ghi lại cảnh tượng mà họ coi là lạ lùng này. Còn đối với những người dân sinh sống ở Bùi Viện, hoặc chí ít những du khách Việt đã từng đôi lần nhìn thấy thằng Vũ diễn xiếc như vậy đều tặc lưỡi lắc đầu. Họ không quan tâm đến màn trình diễn đó vì nó chưa phải là tiết mục ấn tượng nhất.

Vũ lấy từ trong cái ống bơ ra hai chiếc dao lam còn mới nguyên. Nó quẹt quẹt hai con dao lam vào với nhau như muốn chứng minh rằng: “Đây là hàng xịn đấy, nha!”. Chẳng nói chẳng rằng nó nhét hai chiếc dao lam vào mồm, nhai rau ráu như nhai xương gà. Chốc chốc lại thè lưỡi dùng ngón tay trỏ chỉ vào những mảnh dao lam đang bị “cắn xé” bởi hàng răng của nó. Ơn trời, cái lưỡi nó không làm sao!

Vài phụ nữ trông cảnh đó đã hốt hoảng lấy tay che mặt. Tôi thì lại liên tưởng đến cảnh tra tấn tù binh trong một bộ phim của Mỹ. Người ta nhét dao lam vào mồm tù binh, bịt băng keo lại và bạt tai. Những chiếc dao lam xóc qua, xóc lại xé nát miệng và lưỡi của con người tội nghiệp đó. Chẳng mấy chốc họ chết, may mắn hơn thì... không thể nói được câu nào trong suốt phần đời còn lại.

Vậy mà thứ tôi đang chứng kiến ở đây là một cậu bé Việt Nam đang “chơi” một trò chơi mạo hiểu với những chiếc dao lam thứ thiệt. Cậu bé kết thúc màn biểu diễn của mình bằng cách ném xuống đất những mảnh nhỏ dao lam dính một vài giọt máu đào từ miệng nó.

Cơ mặt Vũ dãn ra đôi chút vì đây mới là tiết mục cậu mong chờ nhất. Nó nhanh nhẹn thu bộ đồ nghề vào cái ống bơ, xách cái quần hơi rộng và lếch thếch bước vào quán xin tiền. Màu áo đỏ len lỏi trong những lớp người chờm hớm lên nhau. Nhưng... không một ai cho nó xu nào cả. Hoặc có cho cũng chẳng đáng bao nhiêu: Mười nghìn, hai mươi nghìn là quá nhiều, số còn lại là vài ba nghìn lẻ, thậm chí có ông khách Tây nọ cho nó hẳn... hai trăm đồng.

Sau này nó lý giải với chúng tôi, khách Tây thì họ cho còn khách Việt Nam thì “keo lắm”, nhưng khách Tây không biết rõ lắm về mệnh giá đồng tiền Việt Nam, đang say bia, họ cứ cho bừa, có khi toàn tờ 200 đồng và 500 đồng, Vũ cũng phải niềm nở cúi chào cảm ơn mặc dầu trong lòng hậm hực lắm. Ngày nào sộp Vũ kiếm được vài chục cho đến cả trăm nghìn cho 8 tiếng lao động ròng rã (từ 10 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau), Vũ chấp nhận.

Đến nửa đêm theo bước chân của Vũ chúng tôi đi dọc hết con phố Bùi Viện lúc nào không hay, đó cũng là lúc ở một quán nước nhỏ ven đường, vợ con Vũ đang ngồi chờ. Cô bé sinh năm 1999 (tức là hơn Vũ 3 tuổi) đang đút đồ ăn cho đứa bé lớn nhà nó. Cô bé này tên gọi là Bông cưới Vũ đã được 3 năm và họ có hai đứa con. Hai “đứa trẻ” quen nhau trên con phố Bùi Viện khi Bông là đứa bán kẹo cao su và một số đồ vật lẻ tẻ như bông tăm, bật lửa...; còn Vũ là cậu nhóc đi diễn xiếc dạo.

Tính ra thời điểm Vũ lấy Bông, Vũ khi đó 14 tuổi, còn Bông 17 tuổi. Hai đứa nhỏ, một đứa không có bố, một đứa mồ côi cả bố lẫn mẹ, sống leo lắt và kiếm sinh kế trên cái vỉa hè đầy bụi bặm của con phố Bùi Viện. Chúng bén duyên với nhau rồi cùng sinh con đẻ cái. Đến nay, Vũ - Bông đã là bố mẹ của hai đứa nhỏ. Đứa lớn, Bông bế vẹo cả hông theo mẹ đi bán kẹo cao su. Đứa nhỏ mới một tháng tuổi bé như cây kẹo để ở nhà cho bà nội trông.

Ánh sáng nhá nhem từ những ngọn đèn đường và đèn màu hắt ra từ các quán bia, quán bar phảng phất chút buồn, sầu đời của Vũ. Ngồi cạnh nó, hơi thở từ khuôn miệng của nó đậm đặc mùi xăng. Nó phải gọi hai chai nước ngọt cho vợ và cho nó uống để át bớt mùi xăng còn dư vị trong miệng. Vũ không dám ăn vì ăn là sẽ nôn hết sạch.

Mùi xăng ám ảnh đầu lưỡi, ám ảnh trong mũi, ám ảnh cuộc đời bên lề đường của nó từ khi mới 10 tuổi. Trong cuộc kỳ ngộ dưới một góc sầm uất nhất của Sài Gòn, chúng tôi ngồi nghe câu chuyện về cuộc đời của nó. Nó và những người xung quanh đi thổi lửa nhai dao lam với nó, họ thậm chí còn tự nhận mình là “dưới đáy của xã hội”.

Vũ kể: “Em làm nghề này cũng lâu rồi (thổi lửa), làm ở đó không à, phố đó em làm ở đó lâu lắm rồi, nhiều người biết và thương hại nên cũng không ai đuổi. Chỉ sợ công an đuổi thôi. Khó khăn nhất công việc của em, chỉ là việc kiếm tiền mua sữa cho con thôi. Em chưa gặp tai nạn lớn, có lần bị phỏng phun xăng pha dầu phụt lên hết người. Cháy sém cả. Thường thì em căn góc và khoảng cách để phun. Đã tính kỹ, nhưng khi gió mạnh, không biết lựa chiều gió, là ngọn lửa quẩn ngược. Bao nhiêu lần, xíu nữa là em cháy hết người luôn. Mình có miếng xăng trong người mà. Mọi người xung quanh sợ lắm”.

Những chiếc dao lam mới và sắc nhọn được Vũ sử dụng làm đạo cụ.

Người mẹ làm “rồng lửa”, mong cõng đàn con khỏi sầu khổ

Người phụ nữ ráo hoảnh bước nhanh, vội vàng và gấp gáp, theo sau là thằng bé lẽo đẽo, thân hình cò hương, mặc một chiếc áo cháo lòng, chiếc quần ngố màu nâu đất, chạy chân đất, thi thoảng bám áo mẹ và ngoái lại về phía sau.

Người phụ nữ đó đang... “chạy công an” (các đồng chí cán bộ dẹp trật tự đảm bảo an toàn văn minh cho khu phố), còn đứa bé thì đang “canh gác” cho mẹ hành nghề. Chị Võ Thị Sen, 35 tuổi là một trong những người “già nhất” hành nghề diễn xiếc thổi lửa ở con phố Tây Bùi Viện nhưng đứa con trai lớn của chị, Nguyễn Minh Hoàng (9 tuổi) lại là đứa trẻ nhỏ nhất đi bán kẹo cao su; còn mẹ của chị Sen thì là người cao tuổi nhất đi bán kẹo, máy lửa trên con phố này.

Nói như thế cũng nghĩa là 3 đời nhà chị đang bám lấy con phố này mà kiếm kế sinh nhai. Mỗi người một việc, họ lặng lẽ “chia tay” nhau ở đầu và sẽ gặp lại nhau ở cuối chính con phố Tây. Chúng tôi có cảm giác họ đã xa nhau cả thập kỷ, và con phố Tây Bùi Viện như con đường xuyên Á - Âu mà khi họ tụ họp nhau ở một quán nước ven đường cũng gây cho người “theo dõi” họ một cảm giác xúc động khó tả.

Chị Sen sau khi diễn vài ba trò phun lửa ngồi uống nước ngọt với thằng út là Nguyễn Minh Thành cho đỡ lợ lợ cái mùi xăng còn vương vấn trong cổ, lát sau, mẹ chị - bà cụ 85 tuổi - bước đi chậm chạp và khó nhọc bàn tay run run cầm cái giỏ kẹo cùng 2 đứa cháu lẽo đẽo theo vào quán nước. Họ nhìn nhau, hỏi vài câu qua quýt rồi hai mẹ con chị Sen mỗi người chia nhau một điếu thuốc, ngồi nhâm nhi cốc nước cho “quên cái sự đời”.

Khi được hỏi sao chị và bà lại hút thuốc. Chị kêu từ ngày chồng bỏ đi không chu cấp một đồng nào cho gia đình. Gánh nặng đổ lên vai khiến chị phải đi làm nghề này từ đó sinh ra nhiều tâm sự, buồn bực, rảnh rỗi hai mẹ con lại hút thuốc vì ngoài thuốc ra không có ai bầu bạn.

Chị Sen chỉ vào cái giỏ nghề mà “khoe” với nhà báo cái tài của chị. Bộ đồ nghề của chị cũng giống như thằng Vũ, có hai cái đuốc bằng kim loại tự chế, ở đầu cuốn chỉ, mấy cái dao lam và đặc biệt là chị thổi dầu chứ không thổi xăng. Chị lý giải thổi dầu thì ngọn lửa nó phụt ra đẹp và kéo dài hơn, “giống rồng lửa” hơn là thổi xăng nhưng đồng nghĩa với việc nguy hiểm hơn. Chị ngửa cổ chỉ cho chúng tôi những vết sẹo gây ra cho cháy bỏng. Mùi dầu ám trong không khí thông qua mỗi lời nói của chị, ám vào cả quần áo. Mùi dầu đó đã theo chị đến nay là được 5 năm.

Bước chân của chị đã đi qua hết những con phố ở quận 4, quận 7, quận 1 vì đó là những “địa bàn” mà anh em cùng cảnh ngộ chia nhau để làm. Ngồi uống với chị ly nước chứng kiến cảnh “hội ngộ” có một không hai trên đường phố Sài Gòn khi cả gia đình 3 thế hệ chia nhau mỗi người 1 góc quần thảo con phố Tây Bùi Viện, mới thấy thấm thía cái sự nghèo đói của những người bần cùng trong đêm Sài thành hoa lệ.

Và quả đúng, chị Sen nghèo thật. Chị Sen chăm bẵm hai đứa con trai, đèo bòng một đứa cháu và một mẹ già sống trong căn hộ chừng 15m2. Khi chúng tôi đến thăm khu nhà trọ không thể tồi tàn hơn ấy, chị Sen tâm sự: “Chị đâu có ý định làm nghề này lâu dài đâu em. Tại khổ quá nên không còn cách nào khác nữa. Chị đâu có giấy tờ gì đâu mà đi xin việc. Bây giờ mình phải có giấy tờ mới xin việc được. Bây giờ hàng tháng phải lo trả tiền nhà, tiền ăn uống rồi tiền nợ đến ngày người ta tới đòi lãi, xiết nợ. Thì không có tiền ăn, phải vay nợ người ta để sống làm người, không có trả thì lãi mẹ đẻ lãi con”.

Chị Tâm mẹ của Vũ đang bế cháu nội mới sinh được 1 tháng.

Lúc chia tay, người đàn bà từng trải đến mức tưởng như đã hóa đá vì bao năm bụi bặm “ăn sương” ấy bỗng trở nên ngậm ngùi là lạ. Như là ầng ậng nước mắt. “Nghề của chị khổ lắm. Thường xuyên phải ốm o vì nuốt... dầu hỏa. Ợ ra nghe mùi dầu nồng nặc muốn ngất xỉu luôn. Vì có phải lúc nào mình ngậm rồi phun dầu phun xăng, là mình có thể nhả hết ra được đâu em. Vẫn phải nuốt vô. Có khi ốm đau quá, ngẫm cảnh ngậm dầu vào miệng là nôn ọe rồi, chị nghĩ mình không thể sống được với cái nghề này. Nhưng lúc khỏe, nhìn con cháu nheo nhóc đói khát, chị lại ra làm. Chị đi làm nghề “phun rồng lửa” này được 5 năm rồi. Chưa biết bao giờ mới bỏ được nó”.

Phóng sự của TÂM AM - VŨ NINH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phong-su/su-ngam-ngui-cua-rong-lua-607910.ldo