Sứ mệnh sao Hỏa đầu tiên của UAE

Đối với nhiều cơ quan vũ trụ và các nhà nghiên cứu sao Hỏa, năm 2020 là năm rất quan trọng. Chính trong năm nay, Trái đất tiến đến gần sao Hỏa nhất.

Hình ảnh tưởng tượng về tàu Hope Mars trên quỹ đạo sao Hỏa.

Hình ảnh tưởng tượng về tàu Hope Mars trên quỹ đạo sao Hỏa.

Khoảng cách ngắn nhất này là cơ hội để đưa các loại tàu vũ trụ, tàu quỹ đạo, xe tự hành lên sao Hỏa. Trong năm nay, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng sẽ đưa các thiết bị thăm dò lên Hành tinh Đỏ.

Vào tháng 12/2019, tàu thăm dò sao Hỏa đầu tiên Hope Mars (kích thước tương đương chiếc ô tô nhỏ) của UAE đã gửi các mô phỏng về quá trình thâm nhập quỹ đạo sao Hỏa.

Trong quá trình mô phỏng, các hệ thống dẫn dắt, hoa tiêu và kiểm soát phải xoay xở với các điều kiện bất ngờ mà con tàu phải trải qua trong thực tế khi bay đến sao Hỏa vào đầu năm 2021.

Hope Mars là tàu thăm dò vũ trụ đầu tiên mà UAE gửi vào không gian vũ trụ. Khác với các quốc gia như Ấn Độ hay Trung Quốc tự phát triển công nghệ vũ trụ, UAE tiếp cận vấn đề theo cách khác.

UAE đã gửi các kỹ sư đến học hỏi các chuyên gia ở ĐH Boulder ở Colorado (Mỹ). Bằng cách này, UAE tiết kiệm được vài năm cho việc phát triển công nghệ vũ trụ.

Bên cạnh đó, các kỹ sư UAE đảm nhận được các nhiệm vụ ngày càng nặng nề trong các sứ mệnh vũ trụ tương lai của khu vực Cận Đông.

So với các tàu thăm dò sao Hỏa khác, Hope Mars là thiết bị khiêm tốn, được chế tạo trong bối cảnh ngân sách hạn chế.

Khác với các sứ mệnh của Trung Quốc, Mỹ hay châu Âu với kế hoạch đưa xe tự hành lên bề mặt sao Hỏa, mục đích của Hope Mars là quan sát bề mặt hành tinh này từ quỹ đạo của nó. Đối với một quốc gia mới bắt đầu “cuộc phiêu lưu” cùng vũ trụ như UEA, đây cũng sẽ là thành tựu khá lớn rồi.

Ngay từ đầu, mục tiêu của UAE đặt ra là đưa tàu thăm dò lên sao Hỏa để thu thập các dữ liệu khoa học quan trọng, có giá trị, chứ không phải chỉ để chứng tỏ rằng UAE có khả năng tiếp cận sao Hỏa.

Vào tháng Chín năm 2014, tàu thăm dò vũ trụ đầu tên của Ấn Độ đã bay vào quỹ đạo xung quanh sao Hỏa. Chi phí để thực hiện toàn bộ sứ mệnh này là rất nhỏ so với chi phí dành cho tàu MAVEN của Mỹ. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh là tàu vũ trụ của Ấn Độ không mang theo thiết bị khoa học, để có thể cung cấp các thông tin đột phá về Hành tinh Đỏ.

Ngược lại, MAVEN xác định được tốc độ bào mòn khí quyển sao Hỏa bởi gió Mặt trời. Thông tin do tàu thăm dò vũ trụ MAVEN của Mỹ thu thập được giúp các nhà khoa học biết rằng 4 tỷ năm về trước sao Hỏa là thế giới ấm áp và có nước; sau đó nó trở nên khô cằn và lạnh giá như ngày nay.

Vào năm 2018, toàn bộ bề mặt sao Hỏa biến mất trong cơn bão bụi khổng lồ. Tàu MAVEN đã quan sát được sự gia tăng số lượng hidro trong các tầng trên khí quyển. Là loại khí nhẹ, nên hidro từ khí quyển sao Hỏa nhanh chóng thoát vào không gian vũ trụ.

Các thiết bị khoa học lắp đặt trên khoang tàu Hope Mars (2 quang phổ kế và camera) giúp các nhà nghiên cứu giải thích bằng cách nào bụi đẩy hidro lên các tầng trên của khí quyển. Ngoài ra, tàu Hope Mars cũng sẽ chụp ảnh sao Hỏa và gửi dữ liệu liên quan đến sự thay đổi nhiệt độ trên bề mặt hành tinh này về Trái đất.

Theo kế hoạch, tàu Hope Mars sẽ bay vào quỹ đạo sao Hỏa vào đầu năm 2021. Con tàu sẽ hoạt động trên quỹ đạo sao Hỏa ít nhất là 2 năm.

Theo Nauka

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/su-menh-sao-hoa-dau-tien-cua-uae-4068954-b.html