Sự lựa chọn của Thổ Nhĩ Kỳ

Cuộc khủng hoảng ngoại giao bộc phát từ mảnh đất nối liền châu Á và châu Âu đã trở thành tâm điểm chú ý của những nhà lãnh đạo NATO trong thời gian gần đây.

Câu chuyện chủ yếu liên quan đến việc mua bán vũ khí – điều tưởng như không có gì quan trọng nhưng lại cho thấy một vị thế mới của Thổ Nhĩ Kỳ trên trường quốc tế.

Vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia xuyên lục địa, phần lớn nằm tại Tây Á và một phần nằm tại Đông Nam Âu. Thổ Nhĩ Kỳ có biên giới với 8 quốc gia và được bao quanh bởi Địa Trung Hải ở phía nam, biển Aegean ở phía tây, biển Đen ở phía bắc, biển Marmara.

Các eo biển Bosphorus và Dardanelles - phân ranh giới giữa Thrace và Anatolia - cũng là nơi phân giới châu Âu và châu Á. Vị trí giao lộ của ba châu lục đó khiến Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng. Trong lịch sử, đế chế Ottoman cũng từng có ảnh hưởng lớn tới lịch sử thế giới, trong suốt một thời gian dài.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Thổ Nhĩ Kỳ là con bài chiến lược của NATO nhằm kiềm chế Liên Xô. Trong cuộc khủng hoảng tên lửa 1960, những tên lửa Jupiter mang đầu đạn hạt nhân đã từng được lắp đặt ở đây, vị trí “sau ót” của Liên Xô, góp phần khiến siêu cường này phải “xuống nước”.

Với lực lượng quân sự thường trực lớn nhất trong các nước NATO ở châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ còn được coi như một tiền đồn của khối này nhằm chống lại những mối hiểm họa từ cả phía Đông, bao gồm cả khu vực Trung Đông ngay cạnh đó.

Đối với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cũng lại là đối tác cực kỳ quan trọng. Cùng là hai quốc gia nằm nối giữa đại lục Á -Âu, họ chia sẻ nhiều giá trị văn hóa cũng như các vấn đề kinh tế, chính trị trong khu vực. Việc Thổ Nhĩ Kỳ nắm giữ đường ra Địa Trung Hải của Nga và Nga là quốc gia lớn nhất ở bên cạnh Thổ Nhĩ Kỳ cũng khiến cho mối quan hệ này luôn ẩn chứa nhiều khía cạnh phức tạp.

Mối quan hệ tốt đẹp của hai nguyên thủ đang kéo hai nước xích lại gần nhau.

Mối quan hệ tốt đẹp của hai nguyên thủ đang kéo hai nước xích lại gần nhau.

Sự rạn vỡ của những tình bạn

Những năm gần đây, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các thành viên NATO có nhiều thay đổi. Sau vụ đảo chính năm 2016 do những tướng lĩnh được cho là thân với Mỹ tiến hành mà ông Tayyip Erdogan may mắn thoát chết, đã có những sự nghi ngờ của chính quyền Istanbul đối với đối tác truyền thống của mình.

Vốn dĩ ông Tayyip Erdogan là một người có mối quan hệ thân thiết với EU. Chính ông, khi còn là thủ tướng, đã khởi động tiến trình đàm phán nhằm đưa Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối này. Những kết quả điều hành kinh tế và ngoại giao tích cực trong thời gian dài cũng giúp Thổ Nhĩ Kỳ lấy được vị thế lớn trong khu vực, tạo ra tầm ảnh hưởng đáng kể với các quốc gia lân cận, giúp cho EU cũng hưởng lợi không ít.

Nhưng, việc EU mãi lần khân trong việc cho phép Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối, và đặc biệt là những gì xảy ra sau cuộc đảo chính năm 2016, khiến thái độ của vị tổng thống này bắt đầu có nhiều thay đổi.

Kể từ đó, mối quan hệ cá nhân giữa Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày càng trở nên thân thiết, kéo theo mối quan hệ chung giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

Nếu tính cả các chuyến thăm chính thức và các cuộc gặp bên lề, chỉ trong hơn một năm qua (từ đầu năm 2018 tới nay), Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Tayyip Erdogan đã gặp nhau tới 9 lần. Ngoài ra, nguyên thủ hai nước cũng xác lập một kỷ lục về số lần điện đàm (lên tới 20 lần). Những con số “biết nói” này cho thấy hai bên đang duy trì mối quan hệ đối tác chiến lược mật thiết, thậm chí còn coi nhau như "đồng minh tốt".

Điều này trái ngược hoàn toàn với thái độ im lặng của Mỹ sau vụ đảo chính năm 2016. Tiếp đó, Tổng thống Donald Trump liên tiếp có những phát ngôn trực tiếp nhắm đến vị tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ và các chính sách của ông. Kết quả nó càng làm cho mối quan hệ giữa hai đồng minh lâu năm hằn sâu những vết rạn.

Đỉnh điểm của sự đứt gãy ấy là hồi tháng 3 vừa qua, khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ mua hệ thống phòng không S400 của Nga. Đây là lần đầu tiên có chuyện một thành viên NATO công khai mua vũ khí của Nga để bổ sung cho mình. Động thái này dĩ nhiên làm cho nhà lãnh đạo Mỹ gần như “nổi xung”, và tuyên bố sẽ trừng phạt đồng minh.

Thiết thực nhất sẽ là việc cắt ngay lập tức hợp đồng giao máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu họ không ngưng hợp đồng với Nga. Dĩ nhiên theo sau đó sẽ có cả những biện pháp trừng phạt về kinh tế, thậm chí là ngoại giao, như việc loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi NATO.

Tuy nhiên, những tuyên bố mạnh mồm của Tổng thống Mỹ không làm chính quyền Ankara nao núng. Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, Hulusi Akar, sau đó còn nói thẳng: Nếu Mỹ không giao máy bay F-35 thì họ sẵn sàng phương án chuyển sang mua máy bay cùng loại của Nga để thay thế!

Có thể nói, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã xấu đến mức chưa từng có. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Nga sẵn sàng thay thế Mỹ trong vai trò “bạn tốt nhất của người Thổ” vào lúc này.

Khi lợi ích là lựa chọn cốt lõi

Thực ra, mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ không tự nhiên mà xấu đi. Đầu tiên là việc Mỹ vốn không ưa gì ông Erdogan từ ngày còn là thủ tướng, và cuộc đảo chính năm 2016 không thể được các tướng lĩnh quân sự tiến hành nếu không có cái "gật đầu nhẹ" nào đó của Mỹ.

Còn trong chính sách đối ngoại, từ khi lên làm tổng thống, ông Donald Trump thường xuyên gây hấn với cả các đồng minh cũ khiến cho không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ mà nhiều nước EU cũng chán ngán.

Những năm qua, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó khăn thì Mỹ không giúp, trong khi đó Nga là đối tác lớn ở ngay bên cạnh. Dù thế nào, sự ràng buộc kinh tế của hai quốc gia bên bờ biển Đen này cũng đã ngày càng khăng khít.

Những hoạt động đầu tư, xây dựng và nông nghiệp kéo hai quốc gia lớn nhất trong khu vực lại gần với nhau. Cũng đang bị phương Tây cô lập vì những vấn đề ở Ukraine, Nga sẵn sàng bắt tay với Thổ Nhĩ Kỳ trong những hợp tác có lợi ấy.

Không chỉ hợp đồng vũ khí mới được ký, dự án đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang triển khai rất đúng tiến độ. Đây được coi là dự án thay thế cho Dòng chảy Phương Nam bị EU loại bỏ vài năm trước, và sẽ giúp Nga xuất khẩu thêm một lượng lớn khí đốt qua đường Ankara.

EU vẫn luôn tỏ ra lạnh nhạt với chính quyền Erdogan.

Ở chiều ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ là nhà thầu lớn nhất cho các công trình mang tính biểu tượng ở hai kỳ Thế vận hội mùa Đông và World Cup mới tổ chức tại Nga trong thời gian qua. Sự gần gũi về kinh tế này chắc chắn sẽ kéo theo những sự gắn kết trong các vấn đề đối ngoại.

Nga đã “dọn dẹp” Krym mà không hề bị Thổ Nhĩ Kỳ phản đối. Với nhiều người, chính sự ủng hộ ngầm của Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp cho Nga thoải mái trong việc hỗ trợ cho chính quyền Syria. Dĩ nhiên, cũng nhờ có Nga mà Thổ Nhĩ Kỳ rảnh tay tấn công vào những lực lượng người Kurd lưu vong ở miền Bắc Syria - vốn luôn chống lại chính quyền Ankara. Một mối quan hệ “có qua có lại” đang ngày càng tiến triển.

Dĩ nhiên, những nhà lãnh đạo NATO cũng đã ngay lập tức nhìn ra vấn đề. Sau một thời gian phản ứng mạnh mẽ đồng minh của mình, cả Mỹ và EU đều đã tỏ ra muốn xuống nước. Mỹ không muốn mất đơn hàng F-35 với Thổ Nhĩ Kỳ, lại càng không muốn thấy Thổ Nhĩ Kỳ dùng máy bay của Nga.

Trong một phát biểu mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông thấy hối hận vì đã không bán hệ thống tên lửa Patriots sớm cho đối tác này, để bây giờ Thổ Nhĩ Kỳ phải chọn S400 làm hệ thống phòng không chính của mình.

Đồng thời, trong cuộc họp thượng đỉnh EU diễn ra vào tháng trước, chủ đề kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã được đưa lại vào chương trình nghị sự. Những động thái liên tiếp hòng kéo một người bạn cũ xích gần trở lại.

Và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không “khách sáo”. Họ duy trì quan hệ với Nga dựa trên lợi ích của mình, và sẽ vẫn sẵn sàng nối lại các mối quan hệ tốt đẹp với phương Tây, nếu được đáp ứng các yêu cầu có lợi. Với lợi thế chiến lược và vị thế cường quốc khu vực của mình, họ đủ khả năng đứng độc lập để “mặc cả” với các đại cường.

Trong cuộc họp Ngoại trưởng các nước NATO gần đây, ngay tại Washington, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nêu rõ: "Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia độc lập có chủ quyền và chúng tôi cần có mối quan hệ tốt với toàn bộ các nước láng giềng. Thổ Nhĩ Kỳ không cần phải lựa chọn giữa Nga với bất cứ nước nào khác". Nga hay Mỹ, với người Thổ, quan trọng nhất vẫn là lợi ích của chính họ mà thôi.

Tử Uyên

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/su-lua-chon-cua-tho-nhi-ky-551220/