Sự lựa chọn của nam giới làm thay đổi hành vi quấy rối...

Những lựa chọn của nam giới như không tham gia vào những trò đùa mang tính chất quấy rối tình dục (QRTD) hoặc những vấn đề nhạy cảm về giới sẽ tạo ra sự thay đổi trong xã hội. Họ có thể góp thêm tiếng nói cùng phụ nữ chống lại xâm hại, QRTD.

Đây là những thông điệp được bà Sally Moye-đại diện Tổ chức CARE tại Việt Nam đưa ra tại buổi Tọa đàm về Phòng chống quấy rối tình dục (QRTD) nơi làm việc-Nhận diện và ứng phó do SCAGA (Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới-gia đình-phụ nữ và vị thành niên) phối hợp với Học viện Báo chí và tuyên truyền (HVBC&TT) tổ chức.

Nhiều người lên án sẽ thay đổi nhận thức

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Bùi Thị Linh, lớp Công tác xã hội, K35, HVBC&TT kể: Có lần em từ quê xuống trường, lên xe em xách theo 2 quả bưởi làm quà. Em vừa bước lên xe thì anh phụ xe đã cất lời trêu ghẹo: “Em ơi, sao ... của em to thế?”. Lúc đó cả xe cười ầm lên kèm theo những ánh nhìn soi mói. Em vô cùng bức xúc và phẫn nộ mà không biết phải nói lại thế nào…

“Em thấy đây là hành vi QRTD bằng lời nói ám chỉ, khiếm nhã. Và tình trạng này không phải cá biệt”, Linh bày tỏ.

Em Đào Thị Diệu Linh, khoa Công tác xã hội từng là nạn nhân của QRTD cho rằng: Tình trạng trêu đùa, đụng chạm trong trường học, công sở trở nên phổ biến. Khi bạn trêu đùa khoác vai, chạm vào eo em tỏ ra không thích thì cho rằng em như thế là làm cao. “Lẽ ra phải hãnh diện vì mình là con gái được đụng chạm vì có sức hút; đó là đặc ân vì mình phải như thế nào họ mới chạm vào”.

Một trường hợp khác chia sẻ câu chuyện của mình khi bị tấn công tâm lý. “Em đến kiến tập tại một cơ quan, anh đó đã rủ em đi ăn và hẹn qua tận nhà đón, em phải đi vì đó là cuộc gặp quan trọng. Em từ chối thì anh ấy bảo nếu em không đi thì sẽ không bao giờ nói chuyện với em nữa khiến em thấy vô cùng áp lực”.

Thực tế những câu chuyện như trên vẫn còn phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện nay vẫn chưa có quốc gia nào mà có chỉ số bất bình đẳng giới bằng không-nghĩa là không còn bất bình đẳng giới. Trong đó bạo lực giới được xác định vừa là phương tiện để hạ thấp phụ nữ, vừa là hậu quả của sự hạ thấp ấy.

TS Lưu Hồng Minh, Trưởng khoa Công tác xã hội cho rằng: Từ nhỏ ở trường đến khi đi làm phụ nữ đều gặp phải, nam giới coi như mình có đặc quyền để trêu ghẹo phụ nữ. Nam giới lấy cơ thể phụ nữ ra để bình phẩm hoặc soi mói… tôi thấy rất nhiều. Tôi thấy lúc nhỏ nhiều hơn, hiện nay tôi thấy ít hơn có thể do truyền thông nhưng đến nay vẫn còn... Chúng ta cần đưa lên truyền thông, tố giác những hành vi này. Khi có nhiều người lên án thì sẽ thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng.

Bà Sally Moyle đại diện Tổ chức CARE tại Việt Nam: Tôi đau lòng khi thấy phụ nữ phải từ bỏ công việc mình yêu thích vì bị QRTD mà không có sự lựa chọn nào khác. (Ảnh: T.A)

Phụ nữ trên toàn cầu là nạn nhân của QRTD bởi giới tính

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, bà Sally Moye cho biết: Các bạn trẻ nữ có cơ hội ngang với các bạn nam nhưng phụ nữ có thách thức riêng… đó là bị QRTD bởi giới tính. Tôi đã từng chứng kiến nhiều phụ nữ bị xúc phạm khi họ đang cố gắng làm công việc của mình. Tôi đã có hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền phụ nữ bị bạo lực, QRTD. Đến nay tôi đã “ngán tận cổ” vì tình trạng này chưa chấm dứt.

“15 năm trước tôi trực tiếp tham gia khảo sát đầu tiên về tỷ lệ phụ nữ bị bạo hành ở Úc, con số chỉ ra cứ 3 phụ nữ lại có 1 người chịu hình thức bạo hành QRTD. Tháng trước Úc tiếp tục khảo sát quốc gia lần 4 cũng cho kết quả tương tự. Điều đó chứng tỏ tình trạng không thay đổi, cải thiện nhiều hơn những nỗ lực chúng ta bỏ ra…”, bà Sally Moyle nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, mặc dù được ghi nhận là một trong những quốc gia có nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới tích cực, nhất là trên phương diện pháp lý. Tuy nhiên, các hình thức bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục gia tăng, chưa được xem xét giải quyết một cách đầy đủ. Đặc biệt, các hành vi bạo lực tình dục (BLTD) như QRTD nơi công cộng, nơi làm việc, BLTD giữa các cặp đôi vẫn chưa được can thiệp và hỗ trợ kịp thời.

Theo báo cáo của Plan năm 2014 có 19% các học sinh nữ ở 30 trường trung học tại Hà Nội đã bị lạm dụng hoặc QRTD. Báo của của UNAIDS và UN Women năm 2012 chỉ ra rằng: Gần 54% số ca nhiễm HIV ở phụ nữ tại Việt Nam có nguyên nhân từ những nguy cơ mà bạn tình nam của họ mang lại…

Bà Sally Moyle cho biết, phản ứng chung của chúng ta vẫn là chấp nhận nó vì nó diễn ra bao đời nay. Nhưng mỗi thế hệ trước và tiếp theo sẽ tạo ra sự thay đổi mới. Mỗi chúng ta đều có thể quyết định sự lựa chọn của mình, chúng ta có làm gì hay không? Các bạn nam cũng có sự lựa chọn của mình, có thể hoàn toàn lựa chọn không tham gia vào những trò đùa mang liên quan đến vấn đề tính dục; không tham gia QRTD; đứng lên góp tiếng nói cùng đồng nghiệp nữ chống lại xâm hại tình dục. Vai trò của nam giới quan trọng làm thay đổi hành vi của xã hội.

Thịnh An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/su-lua-chon-cua-nam-gioi-lam-thay-doi-hanh-vi-quay-roi-128612.html