Sự lo lắng ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Sự lo lắng có thể ảnh hưởng đáng kể đến cơ thể, và lo lắng lâu dài làm tăng nguy cơ phát triển các tình trạng thể chất mạn tính.

Lo lắng có thể khiến bạn muốn đi tiểu tiện và đi nhiều lần - Ảnh: Shutterstock

Các nhà khoa học tin rằng lo lắng phát triển ở amygdala - vùng não quản lý phản ứng cảm xúc.

Khi một người lo lắng, căng thẳng, hoặc sợ hãi, não sẽ gửi tín hiệu đến các bộ phận khác của cơ thể. Các tín hiệu giao tiếp rằng cơ thể nên chuẩn bị để chiến đấu hoặc chạy trốn.

Cơ thể phản ứng, ví dụ, bằng cách giải phóng adrenaline và cortisol - hai loại kích thích tố căng thẳng.

Đây là những cách mà lo lắng ảnh hưởng đến cơ thể, theo Medical News Today.

Thay đổi thở và hô hấp

Trong các giai đoạn lo lắng, hơi thở của một người có thể nhanh và nông, được gọi là thở gấp. Thở gấp cho phép phổi hấp thu nhiều ô xy hơn và vận chuyển nhanh khắp cơ thể. Ô xy bổ sung giúp cơ thể chuẩn bị chiến đấu hoặc chạy trốn.

Nếu không nhận đủ ô xy có thể gây ra thở hổn hển. Điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thở gấp và các triệu chứng của nó, bao gồm: chóng mặt, lâng lâng, ngứa ran, mệt mỏi...

Phản xạ của hệ tim mạch

Lo lắng có thể gây ra những thay đổi về nhịp tim và sự lưu thông máu khắp cơ thể. Nhịp tim nhanh hơn giúp việc chạy trốn hoặc chiến đấu dễ dàng hơn, trong khi lưu lượng máu tăng lên mang lại ô xy và chất dinh dưỡng tươi cho cơ bắp. Khi mạch máu hẹp, được gọi là co mạch, và nó có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ cơ thể. Mọi người thường cảm thấy nóng bừng do hậu quả co mạch. Đáp lại, cơ thể đổ mồ hôi để hạ nhiệt làm người ta cảm thấy lạnh.

Lo lắng lâu dài có thể không tốt cho hệ tim mạch và sức khỏe tim mạch. Một số nghiên cứu cho thấy sự lo lắng làm tăng nguy cơ bệnh tim ở những người khỏe mạnh khác.

Suy giảm chức năng miễn dịch

Trong ngắn hạn, sự lo lắng làm tăng phản ứng của hệ miễn dịch. Tuy nhiên, lo lắng kéo dài có thể có tác dụng ngược lại. Cortisol ngăn chặn việc giải phóng các chất gây viêm và nó sẽ tắt chức năng hệ miễn dịch chống nhiễm trùng, làm giảm phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể.

Những người bị rối loạn lo âu mạn tính có thể dễ bị cảm lạnh, cúm và các loại nhiễm trùng khác.

Thay đổi chức năng tiêu hóa

Cortisol chặn các quá trình mà cơ thể coi là không cần thiết trong một tình huống chiến đấu hoặc chạy trốn. Một trong những quy trình bị chặn này là tiêu hóa. Ngoài ra, adrenaline làm giảm lưu lượng máu và thư giãn các cơ dạ dày.

Kết quả là, một người bị lo âu có thể bị buồn nôn, tiêu chảy và cảm giác rằng dạ dày đang lùng bùng. Họ cũng có thể mất cảm giác ngon miệng.

Một số nghiên cứu cho thấy căng thẳng và trầm cảm có liên quan đến một số bệnh tiêu hóa, bao gồm hội chứng ruột kích thích (IBS).

Phản ứng tiết niệu

Lo lắng và căng thẳng có thể làm tăng nhu cầu đi tiểu, và phản ứng này thường gặp hơn ở những người bị ám ảnh.

Ngọc Lam

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/suc-khoe/su-lo-lang-anh-huong-den-suc-khoe-nhu-the-nao-985914.html