Sự lấn tới của Trung Quốc rất nguy hiểm

Tất cả những hành động của Trung Quốc ở biển Đông đều có tính toán, sắp xếp nhằm hiện thực hóa đường lưỡi bò phi pháp của mình.

Thông tin tại phiên thảo luận tổ của kỳ họp Quốc hội thứ 5 ngày 22-5, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho hay tình hình an ninh trên biển trong những tháng đầu năm 2018 có diễn biến tương đối phức tạp.

Đáng chú ý, theo tướng Lê Chiêm, lực lượng chuyên trách của Trung Quốc (TQ) đã hỗ trợ ngư dân đánh bắt sâu trong vùng biển của Việt Nam (VN), cách khu vực đảo Lý Sơn chỉ 40-50 hải lý (có khi cách bờ biển Đà Nẵng chừng 30 hải lý). Có những lúc vài chục tàu của ngư dân dưới sự hỗ trợ của lực lượng thực thi pháp luật của TQ tuyên bố vùng biển này là vùng biển của TQ và xua đuổi ngư dân VN ra khỏi khu vực này.

Nhiều dấu hiệu khác thường

Có thể nói đây là hành động rất nguy hiểm, liên tục nối tiếp cả một chuỗi hoạt động mà trong thời gian qua TQ đã gây ra. Đây là một động thái mới trong chuỗi các hoạt động đó, nếu xâu chuỗi lại chúng ta sẽ thấy rõ điều này.

Trước hết TQ tiến hành các hoạt động quân sự hóa trên biển Đông bằng việc tổ chức các cuộc tập trận hằng tháng, các cuộc bắn đạn thật, huy động máy bay, tàu chiến rất nhiều, rất lớn. Thậm chí có những cuộc tập trận có sự có mặt của lãnh đạo cao nhất của TQ. Đó là những hành động quân sự khác thường so với thời gian trước đây.

Tiếp đó, họ tiếp tục bố trí các tên lửa ở quần đảo Hoàng Sa cũng như các thực thể ở quần đảo Trường Sa. Cho máy bay ném bom chiến lược ra khu vực quần đảo này cũng là một hành động rất nguy hiểm.

Song song với việc đó, trên phương diện tuyên truyền TQ tiếp tục các hoạt động tuyên truyền như tiếp tục khẳng định giá trị của yêu sách đường lưỡi bò đã bị Tòa Trọng tài quốc tế bác bỏ, bị các nước trong khu vực và quốc tế phản đối, bằng rất nhiều thủ đoạn, mang tính tập trung. Tất cả là để gây ra một ấn tượng rằng TQ gần như có chủ quyền hoàn toàn trên biển Đông. Họ, bằng nhiều cách khác nhau, đang buộc các nước phải chấp nhận yêu sách đó mặc dù nó là một yêu sách lẹm sâu vào vùng thềm lục địa của các nước xung quanh biển Đông theo Công ước Luật Biển.

Tất cả những việc đó TQ đều có tính toán, sắp xếp chứ không phải là sự ngẫu nhiên.

Ngư dân miền Trung cho hay không ngại Trung Quốc và vẫn bám ngư trường truyền thống để đánh bắt. Ảnh: TẤN VIỆT

TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

Mối đe dọa đó rất nguy hiểm

Tất cả những điều đó nói lên rằng biển Đông không phải là bình lặng, yên ả như rất nhiều người nhận định mà chính biển Đông đang có những đợt sóng ngầm, thậm chí là những cơn sóng thần cực kỳ nguy hiểm.

Và trước tình hình này, chúng ta cần phải có sự phân tích, đánh giá đúng mức để chúng ta chuẩn bị những phương án cần thiết cho cuộc đấu tranh.

Theo tôi, trước hết, cùng với những tuyên bố khẳng định lập trường, nguyên tắc của chúng ta về chủ quyền của mình, chúng ta cần chuẩn bị những giải pháp cụ thể, mạnh mẽ hơn. Theo đó, cần tranh thủ các tổ chức quốc tế, các cơ quan tài phán, tổ chức quốc tế của Liên Hiệp Quốc, các tổ chức khu vực khác để có tiếng nói cảnh báo rằng mối đe dọa đó rất là nguy hiểm.

Tiếp đó, chúng ta cần tăng cường phản ứng quyết liệt bằng không chỉ trên phương diện ngoại giao, mà khi đến một mức độ nào đó, giới hạn nào đó, chúng ta có thể phải có những hành động mạnh mẽ hơn nữa. Bởi nếu chúng ta tiếp tục lùi thì chắc chắn TQ sẽ tiến.

Tất nhiên, trong mọi tính toán cần phải tính đến trách nhiệm của mình. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta hy sinh cái cốt lõi của chúng ta là chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ.

Ngay đến người hoạt động trên biển, đặc biệt là ngư dân, chúng ta phải có quan tâm cụ thể, không phải chỉ giúp cho họ có thêm tàu thuyền, phương tiện mà trang bị cho họ cả về kiến thức. Cùng đó phải tăng cường hơn nữa lực lượng để bảo vệ cho họ về mặt pháp lý, tránh đi những xung đột, thiệt thòi mà họ phải chịu đựng.

TS TRẦN CÔNG TRỤC (Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ)

Ngư dân cần được bảo vệ nhiều hơn khi vươn khơi bám biển

Giữa cái nắng oi ả trên cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) ngày 23-5, ngư dân Đồng Văn Tưởng (38 tuổi, trú Quảng Ngãi), thuyền trưởng tàu QNg 98030, vẫn tất bật với công việc chài lưới. Nói với PV, ông Tưởng khẳng định các tàu cá thỉnh thoảng vẫn gặp tàu TQ ở dưới 100 hải lý tính từ bờ biển Đà Nẵng.

“Có đôi chút lo lắng nhưng không bao giờ chúng tôi hoảng sợ. Có lúc gặp tàu TQ đi thành từng cặp, cũng chạy vòng quanh nhau rồi đi chứ chưa thấy họ phản ứng gì” - ông Tưởng nói.

Thâm niên 20 năm hành nghề lưới rê, thường xuyên đánh bắt trên vùng biển gần với quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN, ông Tưởng quả quyết: “Ngư dân miền Trung luôn can trường bám biển”.

Với các thuyền viên trên tàu QNg 92458, thông tin tàu TQ vào sâu trong vùng biển chủ quyền của VN dường như không ảnh hưởng tới công việc của những ngư dân này. Anh Nguyễn Tấn Thành (35 tuổi, trú Quảng Ngãi) cho hay: “Biển mình thì mình làm, sao phải chùn bước!”.

Ở một góc khác trên cảng cá Thọ Quang, ngư dân Lê Quang Minh (trú Thăng Bình, Quảng Nam) đang cùng bạn tàu đưa từng con cá ngừ đại dương “khủng” lên khỏi hầm đá. Theo ông Minh, chuyến này đi hơn một tháng và bắt được sản lượng cá khá nhiều.

“Đợt này nhiều cá lớn, chắc anh em chia được nhiều tiền” - ông Thông nói vội khi vác cá cho lên cầu cảng, đồng thời khẳng định: “Chủ tàu đang đi lấy lương thực, nhu yếu phẩm để vài ngày nữa lại ra khơi. Tàu TQ không cản được việc đánh bắt ở ngư trường truyền thống của chúng tôi”.

Trao đổi với PV, ngư dân kỳ cựu Lê Văn Chiến (trú quận Thanh Khê, công dân Đà Nẵng tiêu biểu năm 2016) nhớ như in lần tham gia cứu tàu cá ĐNa 90152 bị tàu TQ đâm chìm trên biển trong vụ “giàn khoan HD981” năm 2014.

“Gặp tàu TQ không có gì lạ cả, thường xuyên mà. Anh em đi biển xưa giờ chẳng ai nao núng vì điều đó. Chúng tôi vẫn phải đánh bắt trên ngư trường của nước mình” - ông Chiến nói.

Theo ông Trần Văn Lĩnh (Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng), đơn vị đã từng lên tiếng về việc tàu đánh cá của TQ xuất hiện sâu trong vùng biển thuộc chủ quyền của VN. “Rất nhiều ngư dân của chúng tôi kể rằng gặp tàu TQ, vờn với nhau là bình thường. Nhưng ngư dân thì chẳng bao giờ sợ điều đó” - ông Lĩnh nói.

Ông Lĩnh cũng bày tỏ mong mỏi các cơ quan chức năng, lực lượng chấp pháp VN hãy song hành cùng ngư dân trên biển. “Tàu cá TQ đi đến đâu có tàu chấp pháp của họ yểm trợ nên ngư dân họ không sợ. Tàu cá VN vẫn có nhiều lực lượng thường trực yểm trợ, như trung tâm cứu nạn hàng hải, tàu kiểm ngư… nhưng như thế vẫn chưa đủ. Cần thêm các cơ quan chức năng lên tiếng mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế để bảo vệ cho ngư dân” - ông Lĩnh nói.

TẤN VIỆT

Hành động của Trung Quốc là có chủ đích

Việc lực lượng chuyên trách của TQ đã hỗ trợ ngư dân đánh bắt sâu trong vùng biển của VN, cách khu vực đảo Lý Sơn chỉ 40-50 hải lý là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của VN.

Việc ngư dân TQ đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của VN, nếu như hành động đơn lẻ, ở mức độ thấp thì chúng ta chỉ xua đuổi và yêu cầu họ rút đi, mạnh hơn là bắt và xử lý theo luật định.

Nhưng ở đây các đoàn đánh bắt của ngư dân TQ lại có tàu của lực lượng chuyên trách của TQ bảo vệ, hộ tống thì điều đó cho thấy có chủ trương của TQ. Đây là hành động có chủ đích, vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của VN. Đây là hành động cực kỳ nguy hiểm, khác hoàn toàn hành động của ngư dân đơn lẻ.

Trước tình hình này, VN nên dùng tàu ngư chính ra tuyên truyền và xua đuổi, yêu cầu họ rút ra khỏi khu vực này. Nếu như họ không thực hiện thì phải dùng lực lượng quân sự để ép buộc họ rút ra khỏi. Song song với đó, Bộ Ngoại giao VN cần gọi Đại sứ quán TQ lên để nhắc nhở, cảnh báo. Bên cạnh đó, Nhà nước phải thông tin rộng rãi cho người dân được biết chuyện hệ trọng này trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Thiếu tướng LÊ VĂN CƯƠNG, nguyên Viện trưởng
Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an)

VIẾT THỊNH ghi

Nguồn PLO: http://plo.vn/van-hoa/ho-so-phong-su/su-lan-toi-cua-trung-quoc-rat-nguy-hiem-772071.html