Sự lạc quan của nhân vật giúp tôi chuyển tải thông điệp ý nghĩa

'Tôi là K nhân' – tác phẩm vừa đoạt giải Nhất Cuộc thi PSTH về phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2017 - 2018 do Bộ TT-TT tổ chức, đã để lại nhiều ấn tượng khi mà ekip lên nhận giải thưởng đã thiếu đi một đồng nghiệp, đó là anh Phạm Quang Thắng - nhân vật chính trong tác phẩm và cũng là KTV của Đài PT-TH Thái Bình, anh ấy vừa mất hơn một tháng nay. Nhà báo Kim Thoa - Đài PT-TH Thái Bình đã chia sẻ nhiều điều xung quanh tác phẩm này.

Truyền tải thông điệp có ý nghĩa với nhiều người

+ Với việc vượt qua hơn 100 tác phẩm dự thi, tác phẩm “Tôi là K nhân” đã đoạt giải Nhất Cuộc thi Phóng sự truyền hình về phòng, chống tác hại thuốc lá chắc chắn đưa đến cho nhóm tác giả nhiều cảm xúc?

- Đây là năm thứ 3 liên tiếp tôi và ekip vinh dự được nhận giải thưởng từ Cuộc thi Phóng sự truyền hình phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, nhận giải thưởng lần này anh em trong ekip đều có cảm xúc thật đặc biệt. Đặc biệt không hẳn vinh dự được Ban tổ chức cũng như đồng nghiệp, công chúng đánh giá cao về chất lượng tác phẩm, mà xen lẫn niềm vui, phấn khởi thì đó còn là cảm giác tiếc nuối. Bởi ekip lên nhận giải thưởng đã thiếu đi một đồng nghiệp, đó là anh Phạm Quang Thắng - nhân vật chính trong tác phẩm và cũng là kỹ thuật viên của Đài PT-TH Thái Bình, anh ấy đã mất hơn một tháng nay.

+ Nhiều người khi mắc bệnh sẽ rơi vào tình trạng tự ti, giấu giếm bệnh tật, thậm chí ngại chia sẻ nhưng nhân vật Phạm Quang Thắng lại mạnh dạn, tự tin chia sẻ trên truyền hình. Nhóm tác giả có phải mất nhiều công sức để thuyết phục nhân vật lên hình không, thưa nhà báo?

- Thực ra, trước khi chúng tôi thực hiện phóng sự truyền hình “Tôi là K nhân” thì anh ấy đã chủ động chia sẻ câu chuyện của mình trên báo và Facebook. Cũng vì thế không khó khăn khi tôi đặt vấn đề thực hiện tác phẩm. Chỉ có một chút e ngại lúc đầu chính là vợ anh Thắng. Nhưng rồi chị ấy cũng tôn trọng và ủng hộ quyết định của anh. Với chúng tôi, anh Phạm Quang Thắng là một nhân vật đặc biệt, bởi anh là một đồng nghiệp nhạy cảm, luôn đam mê và có tính hài hước. Cũng vì thế khi mắc bệnh ung thư thanh quản, anh ấy chia sẻ là “phải nhận bản án tử hình”. Nhưng vượt lên nỗi đau, anh Thắng luôn tỏ ra lạc quan với cuộc sống. Và khi thấy anh ấy chia sẻ câu chuyện của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng với mục đích cảnh báo tất cả mọi người về tác hại của thuốc lá thì chúng tôi đã quyết định thực hiện phóng sự truyền hình “Tôi là K nhân”. Chính sự lạc quan của nhân vật giúp tôi chuyển tải thông điệp ý nghĩa trong tác phẩm.

Các tác giả của tác phẩm “Tôi là K nhân” lên nhận giải Nhất Cuộc thi Phóng sự truyền hình về phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2017 - 2018.

+ Tôi có theo dõi facebook của anh Phạm Quang Thắng, thấy rằng, đó là một con người vượt lên hoàn cảnh, vượt lên bệnh tật bằng sự lạc quan, thậm chí hài hước. Người đồng nghiệp đặc biệt của chúng ta đã sống những ngày cuối cùng thật ý nghĩa?

- Đúng vậy. Tôi cảm nhận rất rõ cách mà anh Thắng chống chọi với bệnh tật, với nỗi đau đớn. Trong mỗi tình huống dở khóc dở cười, anh ấy luôn thấy ánh sáng le lói trong khoảng tối tăm. Ví như tấm ảnh chụp cảnh bệnh nhân K phải nằm giường ghép chật ních thì anh ấy trích dẫn ảnh là “Khi K nhân đoàn kết”. Cảnh người nhà nằm la liệt ngủ dưới gầm cầu thang thì anh ấy trích dẫn “Giấc mơ trưa”, ảnh một vốc thuốc cho bữa sáng thì anh ấy viết “Bữa sáng thanh đạm”… Mặc dù vậy, tôi hiểu sâu thẳm trong vẻ lạc quan, cứng cỏi ấy là nỗi trăn trở lo lắng cho vợ, cho con, cho người thân. Bởi một tâm hồn nhạy cảm như anh thì đủ hiểu sức khỏe mình đến đâu. Để rồi như cách anh ấy thể hiện “lạc quan thật sự không phải tin rằng mọi việc sẽ tốt đẹp, mà tin rằng không phải mọi việc sẽ tồi tệ”.

Đừng hô khẩu hiệu cứng nhắc

+ Một nhân vật đã chiến đấu với bệnh tật đến những khoảnh khắc cuối cùng nên dù nhân vật đã ra đi, nhưng thông điệp mà nhóm tác giả truyền tải trong “Tôi là K nhân” vẫn hết sức có ý nghĩa với nhiều người. Thông điệp tích cực đó cụ thể là gì thưa chị?

- Không chỉ thông qua tác phẩm “Tôi là K nhân” của ekip chúng tôi thực hiện, mà rất nhiều bài viết trên mạng xã hội của anh Phạm Quang Thắng mãi là thông điệp có ý nghĩa với nhiều người. Thông điệp đầu tiên là: “Các bạn trẻ hãy nói không với thuốc lá, và những người đang hút thuốc lá thì sớm từ bỏ thuốc lá”; Thông điệp thứ 2: “Hãy lạc quan”. Bởi anh ấy chia sẻ: “Khi biết mắc bệnh K, như bao người tôi cũng bi quan, hoảng loạn, sợ hãi!!. Nhưng trước sự việc đã rồi, thì hãy nhìn thẳng vào vấn đề và tự hỏi mình để biết có thể làm được gì”. Điều này cho thấy suy nghĩ thời điểm đó của anh ấy chính là cách tư duy của người sống tích cực và có trách nhiệm với mọi người.

+ Tôi rất ấn tượng về cách truyền tải thông điệp của tác phẩm này, không “đao to búa lớn” mà gần gũi, lay động lòng người. Với kinh nghiệm thực hiện nhiều tác phẩm về đề tài này, theo chị phương thức nào thực sự hiệu quả hiện nay?

- Những năm gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đã tuyên truyền khá đầy đặn về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đặc biệt với các địa phương được thụ hưởng dự án tuyên truyền của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế thì công tác tuyên truyền được phong phú và bài bản hơn. Tuy nhiên, theo tôi vẫn thiếu các tác phẩm gần gũi, dung dị ví như ở các thông điệp mà các Đài truyền hình phát sóng thay vì các diễn viên đóng để chuyển tải thông điệp tác hại của thuốc lá thì có thể là chính các học sinh, sinh viên nói ra suy nghĩ của mình mà ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Hoặc các pano tại các trường học tuyên truyền tác hại của thuốc lá có thể thay hình ảnh minh họa sinh động chứ không chỉ là khẩu hiệu cứng nhắc. Hoặc một giờ học ngoại khóa biết lồng ghép để tuyên truyền cho các em nhỏ cũng rất hiệu quả… Với lĩnh vực báo chí, việc tổ chức thường niên cuộc thi phóng sự truyền hình về chủ đề phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ tạo ra động lực lớn thúc đẩy các phóng viên, biên tập viên và các tổ chức, cá nhân nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, điều tra, khảo sát thực tế… để cho ra đời những tác phẩm có tính mới lạ, phản ánh những góc nhìn đa chiều, vấn đề nóng trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá.

Hoàng Hà (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nghe-bao/cong-tac-hoi/su-lac-quan-cua-nhan-vat-giup-toi-chuyen-tai-thong-diep-y-nghia-45949