Sự kỳ lạ của nữ đạo diễn vừa thắng Oscar 2022 ở tuổi U70

Với chiến thắng tại Oscar 2022, Jane Campion mang lại thành tích cho quê hương New Zealand khi trở thành phụ nữ thứ ba thắng hạng mục Đạo diễn xuất sắc.

Số lượng đạo diễn nữ thành công trên thế giới hiện không ít, nhưng để đại diện cho nền điện ảnh đương đại của một quốc gia thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Pháp có Claire Denis, Nhật có Naomi Kawase thì New Zealand tự hào gọi tên Jane Campion.

Cách đây gần ba thập niên, bà lập kỷ lục khi trở thành phụ nữ đầu tiên thắng giải Cành cọ Vàng với The Piano (1993). Năm nay, nhà làm phim tiếp tục ghi dấu lịch sử với chiến thắng tại Oscar 2022 cho hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhờ tác phẩm The Power of the Dog.

Thành tích giúp Jane Campion trở thành phụ nữ thứ ba thắng Oscar, nối tiếp hai đồng nghiệp là Kathryn Bigelow – thắng Oscar 2010 với The Hurt Locker (2009) - và Chloe Zhao – thắng Oscar năm ngoái với Nomadland (2020).

Nhà làm phim đại diện cho phái nữ

Sinh năm 1954 tại thủ đô Wellington, Jane Campion lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Mẹ bà là diễn viên kiêm nhà văn, cha là giám đốc nhà hát opera kiêm đạo diễn sân khấu.

Thay vì theo đuổi kịch nghệ như cha hay nghiệp diễn như mẹ, Campion tìm hiểu nghệ thuật một cách tự do, không gượng ép. Bà tốt nghiệp cử nhân ngành Nhân loại học (anthropology) tại Đại học Victoria ở Wellington, sau đó mới bắt đầu học về nghệ thuật tại London (Anh) và hội họa tại Sydney (Australia).

 Jane Campion trở thành phụ nữ thứ ba thắng giải Đạo diễn xuất sắc tại Oscar.

Jane Campion trở thành phụ nữ thứ ba thắng giải Đạo diễn xuất sắc tại Oscar.

Đó là lý do Jane Campion xuất phát chậm hơn so với các đồng nghiệp cùng lứa. Phải đến năm 26 tuổi, đạo diễn mới tập tành viết kịch bản và làm phim ngắn để tích lũy kinh nghiệm. Các tác phẩm của bà không chịu ảnh hưởng từ cha mẹ mà phần lớn tổng hợp kiến thức học từ trường nghệ thuật.

Nhãn quan độc đáo giúp Campion nhanh chóng được mời tham gia Cannes với phim ngắn Peel (1986). Ngay lần ra mắt, bà ẵm luôn giải Cành cọ Vàng cho phim ngắn (Short Film Palme d'Or), tạo bàn đạp để sau đó tiếp tục trở lại sân chơi danh giá.

Đến năm 35 tuổi, Campion giới thiệu phim truyện dài đầu tay là Sweetie (1989) – tiến thẳng vào danh sách tranh giải Cành cọ Vàng. Kịch bản do bà chấp bút cùng nhà văn Gerard Lee, kể về mối quan hệ kỳ lạ giữa hai chị em gái có tính cách trái ngược: Một người sống nội tâm, có thân hình gầy gò, người kia to béo, hướng ngoại.

Từ đó, Jane Campion chỉ đạo diễn đúng bảy phim điện ảnh trong vòng 20 năm. Song, dự án nào gắn với tên bà cũng được chú ý, là thỏi nam châm thu hút giới phê bình. Đa phần các tác phẩm của Campion đều đậm đặc tính nữ. Nhà làm phim đặc biệt quan tâm đến những số phận người phụ nữ yếu thế, ít có tiếng nói trong xã hội.

Điển hình là tác phẩm để đời The Piano (1993), kể về một phụ nữ câm Scotland vừa đến New Zealand sống cùng chồng mới. Thứ giúp cô giao tiếp với mọi người là cô con gái nhỏ độc nhất và chiếc đàn dương cầm quý hơn cả sinh mạng.

Khi ra mắt tại Cannes, tác phẩm gây choáng váng ban giám khảo, buộc họ phải phá lệ chia đôi giải Cành cọ Vàng cho bà và Trần Khải Ca (phim Bá vương biệt cơ) – điều hiếm khi xuất hiện trong lịch sử.

Đến lúc tranh giải Oscar, phim mang về cho chủ nhân một tượng vàng ở hạng mục Kịch bản xuất sắc. Hai diễn viên Holly Hunter và Anna Paquin vào vai mẹ con trong phim cũng thắng giải diễn xuất. Đặc biệt, Paquin lập kỷ lục khi nhận tượng vàng ở độ tuổi 11, trở thành người trẻ tuổi thứ hai thắng Oscar trong lịch sử.

Trở lại ngoạn mục sau 12 năm

Trước The Power of the Dog, tác phẩm gần nhất của Jane Campion là Bright Star (2009). Khoảng cách giữa hai bộ phim ngót nghét đã được 12 năm. Điểm chung là nhà làm phim vẫn giữ nguyên ba vị trí chủ chốt: Đạo diễn, biên kịch kiêm sản xuất.

Khác chăng, tác phẩm cho thấy một Jane Campion sắc bén và dày dặn hơn khi bước sang độ tuổi U70. Mỗi thước phim là sự tính toán. Từng khung hình hiện lên như bóp nghẹt tâm trí người xem.

Jane Campion ngồi nói chuyện với các diễn viên quần chúng trên trường quay phim The Power of the Dog.

The Power of the Dog lấy bối cảnh miền Tây nước Mỹ năm 1925. Giống Sweetie, nội dung phim xoay quanh gia đình Burbank gồm hai anh em có tính cách khác nhau đến 180 độ: Anh trai Phil (Benedict Cumberbatch) cọc cằn, thô lỗ, em trai George (Jesse Plemons) lịch sự, điềm đạm.

Người anh hành động dứt khoát không cần suy nghĩ, người em chậm chạp, thiếu quyết đoán. Một kẻ luôn toát lên vẻ nam tính từ lời ăn tiếng nói, kẻ kia lại yếu đuối và có chút nhu nhược.

Ở những cảnh quay đầu tiên, Jane Campion dẫn dụ người xem bước vào một câu chuyện hơi hướm Cain and Abel. Mối quan hệ anh em được xây dựng không êm đẹp, như thể báo hiệu một cái kết xấu sắp sửa xảy ra với một trong hai.

Phil bước vào nhà và thẳng thừng gọi em trai là “béo”. Một cảnh quay khác, gã ném vào mặt George lời nhận xét rằng anh chỉ là “một đứa mập ngố, quá đần nên không học xong đại học”.

Nhưng khán giả không cần đợi đến cảnh đấy mới sởn da gà. Kịch tính xuất hiện ngay từ giây đầu tiên khi tiếng guitar của Jonny Greenwood – thành viên nhóm rock Radiohead - vang lên, thổi vào phim bầu không khí ngột ngạt đến khó thở.

Những con bò chen chúc nhau tìm lối đi trên mảnh đất ngập tràn khói bụi. Chúng húc đầu vào nhau xem thử ai là kẻ mạnh hơn. Sau đó, Phil Burbank xuất hiện, bước đi đầy hằn học như đang tìm địch thủ, hoặc đơn giản là ai đấy để trút sự tức giận.

“Nữ tính” là từ khóa dành cho loạt phim trước đó của Jane Campion, giờ không còn xuất hiện trong tác phẩm mới nhất. Bà biến đứa con tinh thần trở thành bài nghiên cứu về “tính nam độc hại” (toxic masculinity) thông qua việc nhào nặn nhân vật Phil Burbank.

Không chỉ miệt thị em trai, Phil còn cay nghiệt với nhiều người xung quanh. Anh hả hê châm chọc một thiếu niên vì cho rằng cậu ẻo lả, giống con gái. Anh bắt nạt một góa phụ chỉ vì cô yếu thế hơn, còn anh là kẻ trên cơ.

Jane Campion chỉ đạo hai diễn viên Bennedic Cumberback (trái) và Kodi Smit-McPhee (phải) trên trường quay phim The Power of the Dog.

Từng hành vi, cử chỉ cho đến lời nói, thậm chí ngay cả khi Phil im lặng cũng bốc mùi “độc hại” đến mức có thể ngửi được. Thậm chí, nhân vật quyết định nhiều ngày không tắm trong nhà, đợi đến khi có thời gian mới trốn vào rừng gột rửa cơ thể.

Khi phim càng tiến đến hồi kết, sự độc hại của Phil càng lan rộng, không chỉ khiến những người xung quanh cảm thấy ức chế mà còn bóp nghẹt trái tim anh.

Cái hay của Jane Campion là không cho phép người xem đoán được cái kết. Ngay cả khi phim khép màn, chưa chắc khán giả đã hiểu được điều bà muốn truyền tải.

Sẽ có không ít người lên mạng để lần mò diễn giải về phim. Số khác sẽ thất vọng nếu mong đợi thưởng thức tác phẩm tương tự Brokeback Mountain (2005) hay Call Me by Your Name (2017).

Những vỏ bọc hoàn hảo

Ta khó có thể không rơi lệ khi bóc đến lớp cuối cùng của củ hành. Tương tự, Jane Campion khéo léo giấu kỹ nội dung phim trong nhiều vỏ bọc.

Những giọt nước mắt chỉ thực sự xuất hiện khi có ai đó nhận ra thẳm sâu bên trong Phil Burbank cũng chỉ là một tâm hồn vụn vỡ, rất đỗi con người.

Kịch bản phim được Jane Campion chuyển thể từ cuốn sách nổi tiếng cùng tên của Thomas Savage phát hành năm 1967. Theo đạo diễn, nguyên tác không phải tiểu thuyết hư cấu mà là tác phẩm bán tự truyện. Bằng kinh nghiệm cuộc đời, Savage – vốn là đồng tính nam - thuật lại số phận cay đắng của những người giống mình, phải sống vật vã trong bối cảnh văn hóa cao bồi đang thịnh hành.

Bản thân Phil Burbank cũng phải tìm cách che giấu xu hướng tính dục bằng cách gồng mình lên trước xã hội. Những cảnh quay chua xót nhất là khi nhân vật ở một mình, không thể sẻ chia cùng ai mà cũng chẳng có ai để buông lời chửi rủa.

Cuốn sách của Savage như chạm đến trái tim Campion, khiến đạo diễn quyết tâm đưa câu chuyện lên màn ảnh rộng sau nhiều năm ấp ủ dự định. Nếu không phải bà, có lẽ sẽ còn rất lâu khán giả mới được biết đến cuộc đời Phil Burbank, hoặc là biết đến dưới một bản dạng hoàn toàn khác.

Jane Campion ngồi xem lại cảnh phim vừa thực hiện trên trường quay

Giống số phận Phil Burbank, cả bộ phim được bọc trong một lớp vỏ đẹp đến mức khiến người xem ngẩn ngơ. Câu chuyện đặt trong bối cảnh nước Mỹ, nhưng Jane Campion lại quyết định quay toàn bộ tác phẩm tại quê nhà.

Những ai không biết thông tin nói trên hẳn sẽ nhầm tưởng phim thực sự được quay tại Montana. Thực chất, phần lớn khung cảnh thuộc về vùng Otago, quốc đảo New Zealand.

Khung cảnh núi đồi trùng điệp đóng vai trò quan trọng trong phim. Một mặt, chúng lột tả nỗi cô đơn của gã cao bồi đồng tính. Mặt khác, đó là ký ức tình yêu ám ảnh anh hàng ngày hàng giờ. Cứ mỗi lần thấy buồn Phil lại ngước mắt về phía những đám mây, khao khát mình được tự do bay lượn như thế.

Đến cuối cùng, Phil cũng chỉ như “con chó” – như nhan đề phim gợi ý – chạy quanh quẩn trong sân vườn mà không thoát ra khỏi hàng rào là những dãy núi.

Có hai thứ làm nên phong cách độc đáo của Jane Campion, đó là sự tinh tế của một nhà làm phim và tâm hồn nhạy cảm của một người phụ nữ. Chúng hòa quyện vào nhau như nước tinh khiết pha một chút vị cay của cồn. Và như một bình rượu ủ hảo hạng, ủ càng lâu thì mùi vị lại càng ngon, dư vị càng đậm đà.

Không phải nam giới hay người Mỹ, tên tuổi Jane Campion vẫn thường được đặt cạnh những gương mặt lão làng như Martin Scorsese hay Steven Spielberg. Dù vắng bóng điện ảnh suốt 12 năm, vị thế của bà không hề thay đổi. Sau khi xem The Power of the Dog, ta chợt nhận ra điều đó hoàn toàn có lý do.

Sơn Phước

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-ky-la-cua-nu-dao-dien-vua-thang-oscar-2022-o-tuoi-u70-post1305576.html